Phòng ngừa Covid-19: Khẩn trương tiêm vaccine mũi 3, 4

Thời gian gần đây, số ca mắc mới Covid-19, số ca phải nhập viện, số ca nặng đang có chiều hướng gia tăng trong cộng đồng. Nhiều địa phương đa ghi nhận các biến thể mới của virus với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc. Qua đánh giá các ca bệnh Covid-19 nặng và tử vong có khoảng 35% chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ vaccine phòng Covid-19.

Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 để phòng ngừa Covid-19 trong cộng đồng. Ảnh: TL

Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 để phòng ngừa Covid-19 trong cộng đồng. Ảnh: TL

Ca mắc mới Covid-19 tăng vọt

Theo thông tin mới nhất về tình hình dịch Covid-19, Bộ Y tế cho biết hiện có gần 3.694 ca Covid-19 mắc mới trong cộng đồng - cao nhất trong gần 4 tháng qua và tăng hơn 1.500 ca so với những ngày trước đó. Trong ngày 6/9, ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại Bến Tre. Đây cũng là là ngày thứ 5 liên tiếp nước ta ghi nhận các trường hợp bệnh nhân Covid-19 tử vong. Số ca bệnh nặng ghi nhận tính đến nay là gần 120 trường hợp.

Thực tế, xu hướng các ca mắc Covid-19 tại nước ta tăng lên đang dần trở nên rõ ràng hơn trong những ngày gần đây, về cả số ca mắc mới cũng như số ca bệnh nặng. Trước đó, riêng ngày 5/9 cả nước ghi nhận 2.161 ca Covid-19 mới, cao hơn gần 700 ca so với ngày 4/9. Cùng với đó, số ca bệnh nặng cũng tăng vọt với 144 trường hợp, tăng 45 ca bệnh so với 1 ngày trước.

Theo thống kê từ Bộ Y tế, 7 ngày qua cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.300 ca mắc mới mỗi ngày. Bộ Y tế nhận định, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người dân, mặc dù một số địa phương đã chủ động chuẩn bị, triển khai phương án ứng phó với tình huống số ca mắc tăng cao.

Biến thể phụ BA.5 đang chiếm ưu thế

Lý giải về nguyên nhân số ca mắc mới Covid-19 tăng cao, Bộ Y tế cho rằng, nước ta đã ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc - đây là biến thể được đánh giá có khả năng chống lại các kháng thể cao hơn và có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2.

Cụ thể, kết quả giải trình tự gene virus SARS-CoV-2 tại 28 tỉnh, thành phố phía Bắc cho thấy, những tháng đầu năm 2022, các ca mắc Covid-19 chủ yếu nhiễm biến thể phụ BA.1 và BA.2. Từ tháng 6 đến nay, khu vực này phát hiện thêm biến thể phụ của Omicron là BA.5, nhiều nhất là tại Hà Nội, sau đó là tại các tỉnh Cao Bằng, Thái Bình, Nghệ An và Hải Dương. Trong số 95 mẫu giải trình tự gene của tháng 8/2022 cho thấy có đến 60% ca Covid-19 nhiễm biến thể phụ BA.5; có một mẫu nhiễm biến thể BA.2.74, còn lại là mẫu nhiễm biến thể BA.2.

Một nguyên nhân khác được PGS. TS. Trần Đắc Phu phân tích, đó là hệ quả tất yếu của dịp nghỉ lễ 2/9: Hiện có nhiều người mắc Covid-19 không có triệu chứng, nên không biết mình bị bệnh vẫn giao lưu ngoài cộng đồng tạo ra nguy cơ lây lan. Bên cạnh đó, việc tuân thủ khai báo, cách ly ở thời điểm hiện tại cũng không còn nghiêm ngặt như trước, nên các trường hợp mắc Covid-19 nhẹ vẫn tham gia các hoạt động vui chơi dịp lễ. Đây là yếu tố làm tăng nguy cơ gia tăng ca mắc. Một nguyên nhân nữa là do tâm lý người dân hiện nay đã chủ quan, lơ là trong phòng dịch, không tuân thủ các quy định 2K về đeo khẩu trang, sát khuẩn khi ra đường, tham gia các hoạt động ngoài trời, đến khu vui chơi, giải trí. Mặc dù vậy, số ca mắc có thể tăng cao hơn nhưng khó có khả năng Covid-19 sẽ bùng phát mạnh như trước đây, vì chúng ta đã có vũ khí hữu hiệu là vaccine phòng Covid-19.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng khẳng định, tiêm vaccine phòng Covid-19 là cách an toàn và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe cho người dân trước dịch bệnh và hạn chế nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong. Đặc biệt là đối với trẻ em khi năm học mới đã bắt đầu.

Chưa tiêm vaccine khiến cuộc chiến chống Covid-19 nặng nề hơn

Thống kê từ Bộ Y tế cũng đã chỉ ra rằng, có tới 35% bệnh nhân nặng và tử vong do chưa tiêm hay tiêm chưa đủ liều vaccine; còn những ca khác dù đã tiêm đủ liều nhưng vẫn có thể trở nặng do mắc các bệnh nền nghiêm trọng hoặc bị suy giảm miễn dịch.

Cụ thể hơn, tính riêng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, các bác sĩ cho biết đang điều trị 122 bệnh nhân Covid-19, gồm 60 ca nặng và 62 ca từ nhẹ đến trung bình. Số lượng bệnh nhân tăng rất nhanh kể từ tháng 6, hiện các giường bệnh đã xếp kín những phòng điều trị. Khoa Hồi sức Tích cực điều trị 40 ca nặng, 20% trong số này chưa tiêm vaccine phòng Covid-19.

Không chỉ người già, trẻ em chưa tiêm vaccine cũng khiến cuộc chiến chống Covid-19 nặng nề hơn rất nhiều. Thông tin từ Bệnh viện nhiệt đới trung ương cho hay, một bé trai 9 tuổi ở Hà Nội mắc Covid-19, chưa tiêm vaccine phải chịu chi phí điều trị lên tới 250 triệu đồng, bảo hiểm y tế chi trả 25%, số tiền còn lại gia đình phải tự trang trải.

Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại Bệnh viện Chợ Rẫy, theo thông tin từ cơ sở y tế này, thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận hàng ngày các ca bệnh nặng do Covid-19 ở TPHCM và các tỉnh, trong đó hơn 60% bệnh nhân ở tuyến tỉnh. Các bệnh nhân chủ yếu lớn tuổi, mắc bệnh nền. Trong số này có các bệnh nhân không tiêm đủ liều vaccine hoặc không tiêm vaccine.

Thế nhưng, không ít người dân tiêm đủ 2, 3 mũi hoặc từng mắc Covid-19 có tâm lý không tiêm vaccine phòng Covid-19 khiến tỷ lệ tiêm chủng mũi 3, mũi 4 tại nhiều địa phương chưa cao. Không ít người đều ngại những phản ứng như sốt, mệt mỏi sau tiêm trong bối cảnh họ cho rằng Covid-19 không còn là vấn đề đáng lo ngại.

Hiển nhiên, các chuyên gia y tế đều cho rằng quan điểm nói trên là không chính xác. Thực tế, hiệu quả vaccine và người từng mắc bệnh có kháng thể bảo vệ được khoảng 6 tháng, do vậy từ tháng 2 đến tháng 8 năm nay, miễn dịch cộng đồng vẫn còn khá tốt. Nhưng sau đó, khả năng miễn dịch sẽ giảm, cùng với việc biến chủng mới có khả năng né tránh các loại kháng thể của vaccine; kháng thể của người nhiễm bệnh lần trước giảm nhiều trong bối cảnh người dân không tiếp tục tiêm phòng vaccine mũi 3, 4 và mọi sinh hoạt đã dần trở lại bình thường, mỗi cá nhân không còn ý thức phòng tránh dịch thì khả năng dịch bệnh sẽ tăng cao trong những tháng cuối năm là hoàn toàn có thể xảy ra.

Trước lo ngại của người dân về việc tiêm mũi 3, mũi 4 vaccine Covid-19 sẽ có phản ứng phụ mạnh hơn các mũi trước đó, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, mỗi cơ thể sẽ có phản ứng với vaccine ở mức độ khác nhau. “Trong 4 mũi tiêm thì tiêm mũi 3, mũi 4 có ý nghĩa nhắc lại lần 1, lần 2 nên ở giữa mức phản ứng của mũi 1, mũi 2. Ví dụ như vaccine Pfize thì tiêm mũi 2 phản ứng hơn mũi 1 còn mũi 3, 4 ít phản ứng hơn mũi 2”- ông Lân cho biết.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho rằng, nhiều người có tâm lý lo lắng hoặc do tác động của cuộc sống, trùng hợp với thời điểm tiêm chủng nên có sự nhầm lẫn mệt mỏi, sức khỏe suy giảm do sau khi tiêm vaccine phòng Covid-19. Vaccine là thành tựu của y học, trước khi tiêm đã được nghiên cứu, thí nghiệm, thậm chí khi đã tiêm vẫn được tiếp tục nghiên cứu. Trong vòng 2 năm qua, hàng tỷ liều vacicne đã được sử dụng, được sự giám sát rất chặt chẽ của mỗi người dân, của các cơ quan y tế và của Tổ chức Y tế thế giới. “Chỉ cần một sự bất thường ở vùng nào đấy, lập tức sẽ dừng trên toàn cầu với vaccine được sử dụng. Nói vậy để thấy rằng vấn đề an toàn, hiệu quả luôn được theo dõi, giám sát; có sự bất thường thì người ta sẽ phanh lại một cách kịp thời”- ông Lân nêu rõ.

Bác sĩ Đỗ Quốc Phong - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện E:

Bác sĩ Đỗ Quốc Phong - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện E:

Tiêm vaccine mũi 4 là cần thiết

Vaccine là vũ khí tốt nhất và an toàn nhất giúp bảo vệ con người trước sự tấn công của đại dịch Covid-19, vốn vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Cần biết, SARS-CoV-2 là virus liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể, mức độ tăng nặng và tử vong. Hiện Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng. Thậm chí, thời gian tới có thể xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch khiến ca mắc xuất hiện triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, các tác động hậu Covid-19 chưa có nghiên cứu đầy đủ... dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến khó lường. Do đó, tôi cho rằng việc tiêm vaccine mũi 4 là cần thiết.

PGS. TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương:

PGS. TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương:

Tiêm vaccine để phòng ngừa “Covid kéo dài” ở trẻ em

Chúng ta đã qua đỉnh dịch ở tháng 3, tháng 4 đến bây giờ là tháng 9, đã qua 5 đến 6 tháng, miễn dịch tự nhiên cũng suy giảm dần và những biến thể mới cũng đang xuất hiện. Những hoạt động xã hội của chúng ta thời gian qua, nhất là trong những tháng hè và dịp nghỉ lễ, các gia đình đưa con đến những khu nghỉ dưỡng để nghỉ hè và tham gia vào các hoạt động xã hội khác. Do đó, trẻ rất dễ mắc Covid-19 trong tình hình hiện nay. Với tỷ lệ dễ mắc này, virus sẽ tìm đến nhóm nguy cơ như các trẻ có bệnh nền hoặc những bệnh suy giảm miễn dịch.
Bên cạnh đó, nguy cơ có thể xảy ra các đường lây truyền SARS-CoV-2 ở trẻ em không những không thấp hơn ở người lớn mà còn có những đặc điểm cho thấy trẻ em dễ mắc Covid-19, như trẻ em có nhiều tiếp xúc gần với người lớn và tiếp xúc gần với nhau (được người lớn gần gũi chăm sóc; trẻ em ăn, chơi, học cùng nhau…); trẻ em có nhiều tiếp xúc gần với các bề mặt ở cả trong hộ gia đình, trong trường lớp và những nơi sinh hoạt chung; trẻ nhỏ hiếu động không dễ cho việc mang các phương tiện phòng hộ, như khẩu trang, tấm chắn giọt bắn…
Một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng trẻ em hoàn toàn có thể có hội chứng “Covid kéo dài” hay còn gọi là hội chứng “hậu Covid”. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển và tương lai của trẻ, mà trước mắt gây khó khăn cho việc phân biệt với tình trạng tái phát hoặc tái nhiễm bệnh, dẫn đến khó kiểm soát lây truyền.

Đ. Trân(ghi)

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phong-ngua-covid-19-khan-truong-tiem-vaccine-mui-3-4-5695985.html