Phòng ngừa đột quỵ trong thời tiết nắng nóng
Trong những ngày nắng nóng đặc biệt gay gắt kéo dài trên diện rộng, số người bệnh nhập viện điều trị nội trú tăng cao ở hầu hết các bệnh viện với các bệnh lý phổ biến là viêm phổi, rối loạn điện giải, viêm phế quản, viêm mũi họng, viêm thanh quản, viêm xoang... Đặc biệt, thời tiết nắng nóng cũng là nguyên nhân khiến người có các bệnh lý tim mạch mãn tính dễ bị biến chứng nặng như suy tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ…

Cứu chữa cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị. Ảnh: BN
Ngày 16/6/2020, Khoa Hồi sức tích cực-chống độc, Bệnh viện đa khoa khu vực Triệu Hải tiếp nhận một người bệnh nam (65 tuổi) sau 30 phút khởi phát đột quỵ. Các bằng chứng thực tế cho thấy người bệnh đang trong tình trạng hôn mê và suy giảm ý thức tính theo thang điểm Glasgow là 10 điểm, cơ thể liệt hoàn toàn 1 bên, người bệnh bị mất ngôn ngữ và đây là trường hợp đột quỵ trên nền người bệnh tăng huyết áp bỏ điều trị. Dựa trên kết quả chụp CT scan xác định tắc mạch máu não, các bác sĩ chỉ định dùng tiêu huyết khối khẩn trương và 24 giờ sau thì người bệnh có thể ngồi nói chuyện với bác sĩ gần như bình thường. Các bác sĩ đã giải thích với người bệnh về đột quỵ, đó là một tổn thương đến não xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể làm não bị thiếu ô xy và dinh dưỡng dẫn tới các tế bào não bắt đầu chết trong vòng vài phút. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mùa hè, 80% nguyên nhân dẫn đến đột quỵ là do cục máu đông và tình trạng mất nước của người bệnh. Khi bị mất nước, lượng dung môi giúp máu lưu thông trong cơ thể ít đi, độ kết dính trong máu tăng cao và mạch máu lồi lõm dẫn đến cục máu đông cản trở tuần hoàn. Não đột ngột không được cung cấp máu nên người bệnh bị đột quỵ.
Đột quỵ (thường gọi là tai biến mạch máu não) là nguyên nhân hàng đầu của tàn tật và tử vong trên toàn thế giới. Các loại đột quỵ chính gồm đột quỵ do thiếu máu cục bộ, đột quỵ do huyết khối, đột quỵ do tắc mạch, đột quỵ do xuất huyết và đột quỵ do cơn thiếu máu não thoáng qua. Khi bị đột quỵ, ở người bệnh thường đột ngột xuất hiện một hoặc các dấu hiệu yếu nửa người và/ hoặc mất cảm giác nửa người bên đối xứng, liệt mặt, khó nói, khó cử động, rối loạn ý thức và lú lẫn, nhìn một thành hai, chóng mặt, rung giật nhãn cầu... Thống kê y học thấy số người bị đột quỵ tăng cao hơn vào mùa hè, đặc biệt tập trung vào những đợt nắng nóng đỉnh điểm. Cứ nhiệt độ tăng 1 độ C thì nguy cơ đột quỵ tăng 10% trong thời gian 6 ngày. Nhóm người dễ bị đột quỵ trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm là trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 4 tuổi, người từ 65 tuổi trở lên, người không uống đủ nước, người đang mắc bệnh mãn tính (bệnh tim, bệnh phổi, bệnh thận, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, rối loạn chuyển hóa, bệnh tâm thần), những người có hút thuốc lá hoặc uống quá nhiều rượu, bia. Bên cạnh đó, người sống trong khu vực đô thị có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người ở vùng nông thôn vì phải chịu hiệu ứng đô thị làm nhiệt độ môi trường tăng cao vào ban ngày và hiện tượng “đảo nhiệt” vào ban đêm, nhiều người đang ngồi trong nhà có bật máy điều hòa nhiệt độ đột ngột ra ngoài đường dễ bị sốc nhiệt và đột quỵ,...
Để phòng ngừa đột quỵ trong mùa hè, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị khuyến cáo: Không đi ra ngoài đường giữa trời nắng nóng khi không thật cần thiết. Khi di chuyển hoặc làm việc dưới nắng thì phải đội mũ, mặc quần áo chống nắng có chất liệu nhẹ thoáng, đeo kính chống nóng và nên tìm bóng râm để trú nhằm làm gián đoạn thời gian chịu nóng của cơ thể. Uống nước dù không khát để bù nước cho cơ thể với mức trung bình từ 1,5 lít đến 2 lít mỗi ngày, hạn chế các thức uống có chất kích thích (bia, rượu, cà phê). Người làm việc ngoài trời có thể uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol và phải tạm dừng công việc nếu điều kiện thời tiết vượt quá sức chịu đựng của cơ thể. Không uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh vì dễ gây viêm họng. Bổ sung vitamin C từ trái cây. Ngủ đủ giấc. Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp và không để quạt điện thổi gió trực tiếp vào người. Người có tiền sử bệnh tim và huyết áp mang theo thuốc khi ra ngoài, người lớn tuổi nên ở nhà vào buổi trưa hoặc có người nhà chăm sóc khi ra đường.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=149475