Phòng ngừa lao động trẻ em trái pháp luật ở vùng cao Sơn La

Tỉnh Sơn La hiện có gần 370.000 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm khoảng 28,4% dân số của toàn tỉnh. Nhằm đảm bảo các điều kiện tốt nhất để trẻ em phát triển toàn diện, thời gian qua, tỉnh Sơn La luôn chú trọng công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là phòng ngừa trẻ em lao động trái quy định pháp luật.

Bản Boong Xanh, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu (Sơn La) có 219 hộ, gần 860 nhân khẩu, chủ yếu dân tộc Thái sinh sống. Là bản thuần nông, thu nhập của bà con hầu hết từ sản xuất nông nhiệp, thu nhập không thật sự ổn định, vì thế khi hết thời vụ, nhiều người thường tranh thủ đi làm thuê để tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Ông Là Văn Tuân, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng bản cho biết, có những thời điểm, bản có tới 200 người ra ngoài làm thuê, nhiều người đi làm việc các tỉnh miền xuôi như Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên…: "Bản Boong Xanh thì không có, nhưng một số bản khác thì có tình trạng bố mẹ đi làm, các con ở nhà bảo đi học, nhưng lại không đi học mà trốn gia đình để đi làm việc. Vẫn sáng đi chiều về, nhưng thực chất là trốn đi làm việc ở ngoài".

Quan tâm chăm sóc trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội

Quan tâm chăm sóc trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội

Theo ông Đào Xuân Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Pằn, không chỉ Boong Xanh, tình trạng người lao động ra tỉnh ngoài làm thuê diễn ra khá phổ biến ở hầu hết các bản trong xã; nhiều gia đình cả vợ chồng cùng đi. Ngoài mặt tích cực là người lao động có việc làm, thu nhập khá hơn ở nhà, nhưng mặt trái là con trẻ không người trông nom nên học hành bê trễ.

Năm ngoái, có 1 trường hợp ở bản Tô Pang mới học hết lớp 9 đã bỏ học đi lao động kiếm tiền. Sau khi phát hiện sự việc, chính quyền xã đã vào cuộc tuyên truyền, vận động gia đình đưa em về nhà tiếp tục cho đi học, tránh để em trở thành nạn nhân của tình trạng lao động trái pháp luật.

"Học sinh nào đang trong độ tuổi đi học mà bỏ học là xã huy động các đoàn thể phối hợp với bản đến tận nơi tuyên truyền, động viên. Phần đa là các em tiếp tục đến trường đi học lại", ông Hiếu cho biết.

Tại xã Viêng Lán, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã cho biết, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là phòng ngừa trẻ em lao động trái quy định pháp luật cũng luôn được cấp ủy, chính quyền xã chú trọng: "Hàng năm Đảng ủy, UBND xã đã tập trung lãnh chỉ đạo các tổ chức như Hội phụ nữ, đoàn thanh niên… tăng cường công tác tuyên truyền, bám nắm cơ sở để rà soát nắm bắt, có biện pháp ngăn ngừa ngay từ đầu để các cháu không vướng vào các tệ nạn xã hội. Hai là đẩy mạnh tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân về quyền trẻ em và luật trẻ em để các hộ gia đình hiểu được quyền lợi, nghĩa vụ của trẻ em như thế nào để triển khai".

Trẻ em là những chủ nhân tương lai của đất nước

Trẻ em là những chủ nhân tương lai của đất nước

Thống kê trong toàn huyện Yên Châu, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và xã hội huyện cho biết, địa phương hiện có hơn 20.000 trẻ em dưới 16 tuổi và gần 3.000 trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi. Theo quy định của pháp luật, người sử dụng lao động có thể sử dụng lao động chưa thành niên, nhưng phải đảm bảo công việc không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách người chưa thành niên. Trường hợp người sử dụng lao động cố tình làm sai quy định thì tùy vào hành vi và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Hàng năm, phòng đã tích cực tham mưu giúp UBND huyện ban hành kế hoạch chăm sóc bảo vệ trẻ em; nhất là phòng ngừa trẻ lao động trái quy định pháp luật.

"Trong thời gian qua huyện đã ban hành các kế hoạch văn bản chỉ đạo các phòng ban liên quan và các xã, thị trấn tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về công tác phòng ngừa lao động trẻ em, về bình đẳng giới; hoặc qua các hội nghị của huyện cũng đều lồng ghép các nội dung tuyên truyền để phụ huynh và các em học sinh nắm rõ các quy định về luật lao động, luật trẻ em và bình đẳng giới, Qua đó, thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa lao động trẻ em trên địa bàn", bà Hà cho biết thêm.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng LĐ,TB &XH huyện Yên Châu

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng LĐ,TB &XH huyện Yên Châu

Bà Nguyễn Thị Thu Hà cũng cho biết, thời gian tới, huyện Yên Châu sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát, phát hiện, can thiệp các trường hợp có nguy cơ là lao động trẻ em; tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm vận động, hỗ trợ, giúp đỡ và ngăn ngừa các trường hợp trẻ em bỏ học, tham gia lao động, trẻ có nguy cơ trở thành lao động trẻ em tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới… đảm bảo các điều kiện tốt nhất để trẻ em phát triển toàn diện, trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước, của dân tộc.

Thu Thùy/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/phong-ngua-lao-dong-tre-em-trai-phap-luat-o-vung-cao-son-la-post1141853.vov