Phòng ngừa ngộ độc rượu

Dù đã được cảnh báo thường xuyên song những cái chết thương tâm do ngộ độc rượu chứa cồn methanol vẫn liên tiếp xảy ra.

Hậu quả đau lòng

Vừa qua, Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai liên tiếp tiếp nhận 2 vụ ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp) với ít nhất 7 người bị ngộ độc, trong đó 1 người tử vong, 1 người bị tổn thương mắt và não. Trước đó, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong tháng 7-2020, Hà Nội đã ghi nhận 15 ca ngộ độc rượu methanol, trong đó có 3 trường hợp tử vong với xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol trong máu rất cao.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, methanol tác động lên hệ thần kinh là chủ yếu nên ban đầu người uống sẽ thấy hoa mắt, chóng mặt, đau đầu giống như say rượu, sau đó có nguy cơ bị suy thận cấp, viêm gan nhiễm độc, nặng hơn có thể dẫn đến mù lòa, hôn mê và tử vong.

Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Nguyễn Trung Nguyên cho biết: “Ở Việt Nam, ngộ độc methanol có biểu hiện chậm và âm thầm nên phần lớn bệnh nhân đến viện muộn, dù được cứu chữa tích cực nhưng tỷ lệ tử vong lên đến 30% - 50%”.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, thông thường, khi bị ngộ độc methanol, tùy vào mức độ nặng nhẹ mà bệnh nhân có những biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, hôn mê, co giật, tổn thương mắt gây nhìn mờ, sợ ánh sáng, giãn đồng tử và khó phân biệt màu sắc. Những trường hợp này, nếu không được cấp cứu nhanh thì sau từ 18 giờ đến 24 giờ có thể bị khó thở, tím tái, suy hô hấp, mạch nhanh, tụt huyết áp, hôn mê, tổn thương não và tử vong.

Phòng ngừa ngộ độc rượu

Việc nhập khẩu cồn công nghiệp methanol về Việt Nam nhằm các mục đích khác nhau mà phần lớn là sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp. Đáng tiếc, một lượng cồn công nghiệp methanol đã được “tuồn” ra thị trường để pha thành rượu giả, khiến người sử dụng bị ngộ độc. Những năm qua, đã có nhiều loại rượu giả bị phát hiện.

Để ngăn chặn tình trạng ngộ độc rượu, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, ngành Y tế sẽ tăng cường việc kiểm tra, giám sát các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán rượu cho khách. Bên cạnh đó, Chi cục sẽ tăng cường phối hợp kiểm tra, tái kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu đã bị xử lý vi phạm để ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh các mặt hàng rượu không rõ nguồn gốc trên địa bàn.

“Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, chúng tôi mong muốn cộng đồng, người dân nên hạn chế việc lạm dụng rượu, bia, không sử dụng những sản phẩm rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ”, ông Nguyễn Quốc Tuấn khuyến cáo.

Để phòng ngừa ngộ độc rượu, theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, người dân không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong. Ngoài ra, người dân nên hạn chế uống rượu có nồng độ từ 30 độ trở lên; tham khảo khuyến cáo của các chuyên gia y tế về lượng rượu tối đa có thể uống trong một ngày để tự bảo vệ mình. Thậm chí, không nên uống rượu ngâm với lá, rễ cây, tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Đặc biệt, người dân không uống các loại rượu không rõ nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng; không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Khi mua rượu, người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ ở nơi có đăng ký kinh doanh đàng hoàng...

Hướng dẫn người dân các cách sơ cứu nạn nhân bị ngộ độc methanol, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho hay: “Khi nạn nhân có những biểu hiện của ngộ độc rượu, người thân cần phải nhanh chóng cho nạn nhân nằm trên gối và nghiêng sang một bên để tránh tình trạng nôn rồi hít vào gây viêm phổi. Không để bệnh nhân ngủ li bì suốt ngày hoặc đêm mà cách vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy. Nếu bệnh nhân tỉnh táo và có thể ăn uống thì nên cho ăn cháo loãng để tránh bị hạ đường huyết, đồng thời cho uống nhiều nước bù điện giải để tránh tình trạng mất nước. Nếu thấy bệnh nhân có những dấu hiệu bất thường như mệt mỏi nhiều, co giật, lạnh toát, tím tái, thở khò khè, đau đầu hay mê man... thì người nhà cần sớm đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được khám, kiểm tra tình trạng ngộ độc cồn công nghiệp methanol và cấp cứu.

An Hà

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/984049/phong-ngua-ngo-doc-ruou