Phòng ngừa nguy cơ ngộ độc từ thịt cóc

Dù các chuyên gia y tế đã cảnh báo nhiều về các vụ ngộ độc do ăn thịt cóc, trứng cóc nhưng nhiều người vẫn lơ là, chủ quan, chế biến không đúng cách gây ngộ độc, thậm chí đã có nhiều ca tử vong.

Tử vong vì ăn thịt cóc, trứng cóc

Mới đây, tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã xảy vụ ngộ độc trứng cóc khiến người bố tử vong, người con đang điều trị tích cực. Trước đó, sau bữa cơm tối, anh N.S.D. (sinh năm 1988, xóm 8, xã Diễn Lâm) nhập viện cấp cứu cùng con gái là N.T.Tr. (SN 2012).

Theo thông tin từ gia đình, trong bữa ăn tối của gia đình anh N.S.D. gồm có thịt cóc viên chiên (vợ và cháu K. Nh. ăn). Riêng trứng cóc chiên giòn, ông D. và con gái T.Tr. (12 tuổi) ăn. Sau khi ăn, hai bố con có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, choáng... được gia đình đưa vào viện cấp cứu nhưng anh D. đã không qua khỏi. Sức khỏe cháu Tr. đã qua cơn nguy kịch.

Ngộ độc do độc tố có trong thịt cóc, trứng cóc thường tiên lượng nặng, tỷ lệ tử vong rất cao.

Ngộ độc do độc tố có trong thịt cóc, trứng cóc thường tiên lượng nặng, tỷ lệ tử vong rất cao.

Căn cứ kết quả điều tra và triệu chứng của các bệnh nhân, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An cho biết, nguyên nhân do độc tố tự nhiên có trong trứng cóc.

Có lẽ, chẳng ai có thể quên được câu chuyện đau lòng (đầu năm 2024) về 3 chị em ở thôn Tào Roong, xã Ia Pal (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) tự bắt cóc làm thịt để ăn khiến 2 trẻ tử vong, 1 trẻ phải nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi Gia Lai.

Trước đó, theo báo cáo của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, 3 em nhỏ cùng trú thôn Tao Roong, xã Ia Pal, huyện Chư Sê cùng làm thịt cóc ăn. Sau bữa trưa, người nhà phát hiện các em nằm bất động trên nền nhà, tiểu tiện không tự chủ nên đưa vào viện. Sau 30 phút hồi sức tích cực, tình trạng bệnh nhân không cải thiện và tử vong sau đó.

Còn cháu S.H. (sinh năm 2020) cũng tử vong trên đường đi cấp cứu. Riêng cháu S.T. (sinh năm 2018) nhẹ hơn, được chuyển lên Bệnh viện Nhi Gia Lai điều trị.

Lợi bất cập hại

TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, năm nào cũng có người ngộ độc, tử vong do ăn thịt cóc. Dù thịt cóc có nhiều đạm, nhiều chất dinh dưỡng nhưng người dân không nên sử dụng thịt cóc làm thức ăn hoặc chữa bệnh.

Nhiều loại chất độc có trong nọc, da của cóc được xếp vào loại độc dược nhóm I (nhóm độc nhất) và chất độc của một con cóc đủ gây tử vong 4 - 5 người khỏe mạnh, vì vậy nhiều người ăn vào có thể tử vong ngay sau vài tiếng nếu không được cứu chữa kịp thời.

Người bệnh điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai sau khi bị ngộ độc ăn trứng cóc.

Người bệnh điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai sau khi bị ngộ độc ăn trứng cóc.

“Trong quá trình chế biến cóc, rất dễ gây vỡ các tuyến nọc độc của cóc. Vì chất độc của cóc có trong nhựa cóc (là dịch tiết màu trắng đục) có "chi chít" ở các tuyến dưới da và mang tai. Đó là lý do nhiều trường hợp ngộ độc thịt cóc dù đã bỏ hết da, nội tạng, trứng cóc. Độc tố rất dễ dính vào vùng thịt, khi ăn vẫn xảy ra ngộ độc như thường.

Trong nọc cóc có những thành phần rất độc với hệ thần kinh và đặc biệt là tim. Tỷ lệ tử vong của loại ngộ độc này rất cao, có những bệnh nhân tử vong ngay tại nhà hoặc trên đường tới bệnh viện” - TS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.

Bác sĩ Phạm Ngọc Quy - Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An khuyến cáo, để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do độc tố trong cóc, an toàn nhất người dân loại bỏ thịt cóc ra khỏi nguồn thực phẩm, không ăn thịt cóc và sản phẩm tự chế biến từ cóc.

Người dân tuyệt đối không được vớt trứng cóc hoặc các sản phẩm nội tạng động vật (không rõ loại) ở các ao, hồ, sông ngòi,… đề phòng ngừa nguy cơ ngộ độc.

Độc tố của cóc là Bufotoxin, có nhiều trong da, trứng, gan cóc, có thể dính vào thịt gây ngộ độc. Độc tố này có thể gây ảo giác, rối loạn nhân cách, có thể dẫn đến tử vong nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời. Nếu may mắn cứu sống, bệnh nhân vẫn chịu các di chứng nặng nề như ảnh hưởng trên thần kinh, suy thận,...

Các triệu chứng lâm sàng khi bị ngộ độc trứng cóc sẽ xuất hiện 1-2 giờ sau khi ăn. Biểu hiện trên hệ tiêu hóa gây đau bụng, ói, tiêu chảy. Trên tim mạch có mạch chậm, block nhĩ thất, trụy mạch, phần lớn tử vong là do block nhĩ thất. Bệnh nhân có thể ngừng thở do ức chế trung tâm hô hấp. Trên gan, thận gây viêm ống thận cấp, suy thận cấp, suy gan hiếm và xuất hiện trễ. Khi gặp bệnh nhân ngộ độc trứng cóc cần đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa kịp thời.

Dù có những lợi ích về sức khỏe nhưng thịt cóc cũng có những nguy cơ rất lớn đe dọa đến sức khỏe và tính mạng. Các bộ phận của cóc có thể gây độc bao gồm da, trứng cóc, nhựa mủ cóc từ tuyến sau tai và tuyến trên da cóc. Những độc tố ở một số bộ phận cơ thể chúng như nhựa cóc, gan và trứng cóc khi ăn vào gây ngộ độc cấp tính, tỷ lệ tử vong rất cao. Nếu nhựa cóc bắn dính vào trực tiếp niêm mạc mắt xuất hiện bỏng rát, phù nề niêm mạc...

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phong-ngua-nguy-co-ngo-doc-tu-thit-coc.html