Phòng ngừa ô nhiễm không khí

Vài năm trở lại đây, trước tốc độ phát triển mạnh mẽ của KT-XH, chất lượng không khí trên địa bàn tỉnh bị tác động tiêu cực. Tình trạng môi trường bị ô nhiễm do bụi, khí thải xảy ra ở nhiều nơi, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân, phát sinh đơn thư, khiếu kiện.

“Nóng” các vụ ô nhiễm môi trường

Từ nhiều tháng nay, gần 100 hộ dân tổ dân phố Nhiêu Hà, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) bức xúc, có đơn thư gửi đến UBND thị trấn Đồi Ngô và cơ quan chức năng huyện đề nghị xem xét, giải quyết, xử lý Công ty cổ phần Hoàng Ninh Group (gọi tắt là Công ty Hoàng Ninh) về hành vi tập kết, phân loại, nghiền, sàng lọc, trung chuyển than phát tán bụi, khí thải và tiếng ồn.

Một góc bãi tập kết than của Công ty Hoàng Ninh, DN bị người dân phản ánh phát tán bụi gây ô nhiễm môi trường.

Một góc bãi tập kết than của Công ty Hoàng Ninh, DN bị người dân phản ánh phát tán bụi gây ô nhiễm môi trường.

Theo phản ánh của người dân, quá trình hoạt động, doanh nghiệp (DN) thường sử dụng các phương tiện trọng tải lớn, vận chuyển than cả ngày, thậm chí có khi đến tối, ban đêm, gây tiếng ồn, làm rơi vãi than ra đường. Theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và đề án bảo vệ môi trường, lĩnh vực hoạt động của Công ty Hoàng Ninh tại bến Cây Đa Thờ là tập kết và trung chuyển than. Tuy vậy, trên thực tế, DN này còn tổ chức nghiền, sàng lọc than, lượng bụi phát tán vào không khí xung quanh càng nhiều hơn.

Vào mùa hanh khô, bụi than theo gió bay vào nhà cửa, bám trên đồ dùng, quần áo, cây cối, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các hộ dân tổ dân phố Nhiêu Hà. Nhiều người già, trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp. Anh Nguyễn Văn Mạnh, nhà ở gần bãi than của Công ty Hoàng Ninh bức xúc: “Đồ đạc trong nhà tôi cứ lau buổi sáng, chiều lại dày lớp bụi than; rau quả trong vườn bị bám than đen không ai dám ăn !”.

Trao đổi với phóng viên về vụ việc, ông Đào Xuân Hải, Chủ tịch UBND thị trấn Đồi Ngô xác nhận, phản ánh của người dân là có căn cứ. Ông Hải cho biết: “Chính quyền xã đã yêu cầu Công ty Hoàng Ninh thực hiện nhiều biện pháp khắc phục hậu quả, hạn chế bụi. Tuy nhiên, người dân tổ dân phố Nhiêu Hà vẫn chưa giảm bức xức, kiên quyết đề nghị DN này phải chuyển đổi sang ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác”.

Liên quan đến việc phát tán bụi, khí thải làm ô nhiễm môi trường không khí, thời gian gần đây, người dân ở các thị trấn: Nhã Nam (Tân Yên); Nham Biền (Yên Dũng); Vôi (Lạng Giang)... cũng có nhiều đơn thư về hoạt động của các lò xử lý rác thải làm phát tán mùi khó chịu và khói đen ra môi trường.

Đốt chất thải gây ô nhiễm môi trường không khí. Ảnh chụp tại xã Khám Lạng (Lục Nam) ngày 29/9.

Đốt chất thải gây ô nhiễm môi trường không khí. Ảnh chụp tại xã Khám Lạng (Lục Nam) ngày 29/9.

Hồi tháng 2 năm nay, một số công dân tổ dân phố Sen Hồ, thị trấn Nếnh (Việt Yên) cũng có đơn đề nghị xử lý, đưa cơ sở sản xuất hạt nhựa xả khói, khí thải gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư. Tại một số địa phương như: Xã Quang Thịnh (Lạng Giang); Thanh Hải (Lục Ngạn); Long Sơn (Sơn Động); thị trấn Bích Động (Việt Yên)... xảy ra tình trạng các cơ sở, trang trại chăn nuôi xả nước thải, mùi khó chịu ra môi trường, dẫn đến đơn thư, khiếu kiện.

Tăng cường giám sát chất lượng không khí

Thời gian qua, các cấp, ngành địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường không khí. Thế nhưng, trên thực tế, hệ thống pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này còn bất cập, thiếu cụ thể; nguồn lực đầu tư cho các hoạt động kiểm soát, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do khí thải chưa đáp ứng yêu cầu.

Sự tham gia bảo vệ môi trường của cộng đồng còn hạn chế; không ít DN, cơ sở và người dân còn thiếu kiến thức, ý thức trong thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường... Vì vậy, trên địa bàn tỉnh đã nảy sinh nhiều vụ vi phạm trong lĩnh vực môi trường nói chung, môi trường không khí nói riêng.

Thống kê của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có hàng trăm vụ vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường bị xử phạt. Riêng 6 tháng đầu năm 2023 có 5 trường hợp bị cấp tỉnh xử phạt với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường không khí diễn biến phức tạp, tháng 6 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đơn vị đã hoàn thiện dự thảo và gửi xin ý kiến các sở, ngành, cơ quan đơn vị liên quan”.

Ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Tình trạng ô nhiễm bụi tại khu đô thị, khu công nghiệp cũng có dấu hiệu gia tăng. Kết quả quan trắc môi trường định kỳ của cơ quan chuyên môn trong những năm gần đây cho thấy, nồng độ bụi lơ lửng tăng cao tại một số khu vực đô thị, các khu, cụm công nghiệp.

Chất lượng không khí tại một số khu công nghiệp trọng điểm như: Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng có dấu hiệu đi xuống. Ô nhiễm khí thải trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất vật liệu xây dựng, giao thông, bãi chôn lấp, xử lý chất thải rắn... có xu hướng tăng. Đáng chú ý, nhóm ngành xử lý chất thải có lượng phát thải rất lớn với 29.232,96 tấn/năm; trong đó, khí CO chiếm 71% tổng lượng phát thải.

Ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Trước tình trạng ô nhiễm môi trường không khí diễn biến phức tạp, tháng 6 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đơn vị đã hoàn thiện dự thảo và gửi xin ý kiến các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan”.

Dự thảo Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí đánh giá toàn cảnh thực trạng môi trường trên địa bàn tỉnh, nêu rõ những tác động của phát triển KT-XH và sức ép đối với môi trường không khí; các nguyên nhân phát thải; công tác quản lý của cơ quan nhà nước; việc kiểm kê nguồn thải và các nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường... Từ đó đề ra biện pháp quản lý chất lượng môi trường không khí thời gian tới.

Kế hoạch khi được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng, giúp tăng cường năng lực dự báo, phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải và giám sát chất lượng không khí theo đúng định hướng quản lý tại Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí, giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuấn Dương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/412704/phong-ngua-o-nhiem-khong-khi.html