Phòng ngừa sâu răng ở trẻ em
ĐBP - Sâu răng là chứng bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó nhiều nhất là trẻ em. Khi bị sâu răng, trẻ sẽ rất khó chịu và bỏ ăn, ảnh hưởng đến sự phát triển, sức khỏe của trẻ. Vì vậy, cần chăm sóc răng miệng cho trẻ đúng cách ngay từ nhỏ để hạn chế và ngăn ngừa tình trạng sâu răng xảy ra.
Trẻ điều trị sâu răng tại Phòng khám răng - hàm - mặt Trọng Việt, đường Võ Nguyên Giáp (TP. Ðiện Biên Phủ).
Sâu răng thực chất là sự phá hủy cấu trúc của men răng và ngà răng, tạo nên lỗ hổng trên bề mặt răng. Các nghiên cứu cho thấy, nếu trẻ bị sâu răng khi còn nhỏ thì nguy cơ bị sâu răng khi lớn lên sẽ tăng lên. Việc phòng ngừa sâu răng sớm ở trẻ giúp tránh được các vấn đề quan trọng về răng miệng sau này. Tại một phòng khám răng - hàm - mặt trên đường Võ Nguyên Giáp hàng ngày đều có 20 - 50 trường hợp đến khám sâu răng; trong đó trẻ em có tỷ lệ sâu răng cao, đặc biệt nhóm trẻ em 6 - 8 tuổi bị sâu răng sữa thì trung bình mỗi trẻ có trên 6 răng bị sâu. Chúng tôi gặp chị Vũ Thị Thu Hiền, phường Tân Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) khi chị đưa con gái đến khám răng tại phòng khám. Chị Hiền cho biết: Con gái chị hơn 6 tuổi và bị sâu nhiều răng. Lúc đầu cứ nghĩ là do men răng yếu, bởi con hay ăn kẹo và uống nước ngọt. Tuy có lo lắng nhưng chị lại chủ quan, không đưa con đi khám nha khoa, mà chỉ nhắc nhở chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Dần dần, tình trạng sâu răng của con nặng hơn, răng sâu nhiều hơn, lợi bị sưng, phát sốt, đau nhức khiến cháu bỏ ăn nhiều ngày; đi khám mới biết con bị sâu răng và viêm tủy. Ðể xử lý tình trạng này, bác sĩ đã vệ sinh ống tủy, sau đó hàn lại bít lỗ tủy song đây chỉ là phương pháp tạm thời chờ đến lúc thay răng.
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Trọng Việt (Bệnh viện Ða khoa tỉnh): Trẻ em bị sâu răng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như không vệ sinh răng miệng hoặc vệ sinh không đúng cách; chế độ ăn uống không hợp lý, thực phẩm chứa nhiều chất đường; lớp men của răng sữa mỏng hơn so với răng vĩnh viễn, vi khuẩn dễ tấn công hơn. Tuy nhiên, nguồn gốc gây sâu răng ở trẻ em vẫn là do vi khuẩn và chất đường còn sót lại gây ra. Vi khuẩn tác dụng lên chất đường rồi sản sinh thành axit. Axit ăn mòn men răng, ngà răng… gây bệnh sâu răng. Nếu không chữa sớm có thể biến chứng thành viêm tủy răng.
Bình thường sâu răng có tốc độ phát triển tương đối chậm, khoảng từ 2 - 4 năm để ăn sâu từ bề mặt lớp men răng đến lớp ngà răng. Khoảng từ 6 tháng cho đến 1 hoặc 2 năm đầu thì bệnh thường tiến triển mà không tạo lỗ trên bề mặt răng nên mọi người không nhận thấy. Khi lỗ sâu còn nông thì không đau, chỉ đến khi lỗ sâu lớn, ăn vào lớp ngà răng mới thấy đau với cường độ nhẹ. Răng bị sâu sẽ ê buốt khi có kích thích nóng lạnh, chua ngọt, khi lỗ sâu tiến sát tủy răng thì tủy răng sẽ bị viêm. Nếu không được điều trị, tình trạng sâu răng sẽ diễn tiến nặng hơn, viêm tủy răng có thể dẫn đến hoại tử tủy, gây áp xe răng.
Ðể dự phòng sâu răng và các biến chứng xảy ra, mỗi gia đình cần tăng cường công tác phòng bệnh và điều trị sớm, có thói quen khám răng định kỳ 6 tháng/lần. Ðối với trẻ nhỏ, người lớn cần hướng dẫn các em cách chải răng miệng đúng cách; hạn chế cho trẻ ăn bánh, kẹo và đồ ngọt; hướng dẫn ăn theo bữa. Thực hiện đánh răng sau khi ăn ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối. Khi trẻ có dấu hiệu của bệnh sâu răng thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nha khoa để kiểm tra và được hướng dẫn điều trị kịp thời.