Phòng ngừa sự cố, bảo đảm vận hành an toàn lưới điện truyền tải
Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) thuộc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) hiện đang quản lý lưới điện truyền tải (LÐTT) cao áp từ tỉnh Bình Ðịnh vào đến Bình Thuận và bốn tỉnh Tây Nguyên với 4.560km đường dây (ÐZ) 220/500kV; 17 trạm biến áp (TBA) 220/500kV với tổng dung lượng 4.800MVA.
Thời gian qua, do nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều nhà máy điện mặt trời (ÐMT) ở khu vực đi vào hoạt động, gây áp lực rất lớn đối với PTC3 trong vận hành. Tuy nhiên, đơn vị đã đề ra nhiều giải pháp để bảo đảm việc truyền tải điện bắc-nam luôn được thông suốt, góp phần quan trọng cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục, nhất là cho miền nam.
Sáu tháng đầu năm, sản lượng điện thương phẩm của PTC3 đạt 5,492 tỷ kW giờ trên tổng số 9,957 tỷ kW giờ, đạt 55,16% kế hoạch, tăng 17,51% so cùng kỳ năm 2018. Trên LÐTT 500kV do PTC3 quản lý, xu hướng truyền tải chủ yếu vẫn là từ bắc vào nam. Áp lực truyền tải căng thẳng trên LÐTT đoạn Vĩnh Tân đi TP Hồ Chí Minh vì Trung tâm Ðiện lực Vĩnh Tân với bốn nhà máy nhiệt điện, được giải tỏa công suất bằng ba ÐZ 500kV luôn vận hành trong điều kiện đầy tải, nhất là ÐZ 500kV Vĩnh Tân - Sông Mây. Ðến nay, tổng chiều dài ÐZ 500kV mà đơn vị quản lý đã tăng hơn 20% so cùng kỳ năm 2018 trong khi số người vận hành gần như không tăng.
Nhiều năm qua, công ty luôn bảo đảm công tác vận hành an toàn, không có sự cố. Công tác chuẩn bị kiểm tra, thí nghiệm định kỳ, đo đạc các thông số vận hành, kiểm tra tiếp xúc, vệ sinh thiết bị… đều được thực hiện nghiêm, đúng quy trình chặt chẽ. Tuy vậy, PTC3 cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức trong vận hành khi một số thiết bị TBA đã vận hành hơn 20 năm qua, từ thời kỳ đầu ÐZ 500kV mạch 1; chất lượng các thiết bị đã suy giảm. Với số thiết bị này, để bảo đảm an toàn, công ty phải có những giải pháp để kịp thời phát hiện các nguy cơ sự cố.
Phó Giám đốc PTC3 Hồ Công cho biết, năm 2019, có thêm yếu tố mới trong vận hành là trên địa bàn của PTC3 phụ trách có nhiều nhà máy ÐMT đi vào hoạt động, nhất là từ tỉnh Phú Yên đến Khánh Hòa. Theo đó, công suất ÐMT đấu nối lưới 110kV hiện đã đạt 1.428MW; đấu nối lưới 220kV là 1.278MW. Tổng công suất của các nhà máy ÐMT ở khu vực hiện lên tới hơn 3.000MW và con số này dự kiến còn tăng nữa. Cùng với bốn nhà máy nhiệt điện ở Trung tâm Ðiện lực Vĩnh Tân, công suất phải giải tỏa ở khu vực này lên tới hơn 11 nghìn MW. Công tác vận hành LÐTT hiện gặp nhiều khó khăn trong điều kiện có nhiều nhà máy ÐMT đi vào hoạt động, thậm chí là tiềm ẩn nguy cơ sự cố cao. Theo đó, thời tiết tốt nhất cho vận hành ÐMT từ 8 đến 16 giờ hằng ngày. Tuy nhiên, khi bất chợt có mây dông đi qua thì sẽ gây hiện tượng công suất sụt về không, lúc đó có nguy cơ rã lưới. Khi đó, Ðiều độ miền phải sa thải một số phụ tải ở miền nam. Sang năm, khi công suất ÐMT tăng lên sẽ càng khó khăn cho công tác vận hành LÐTT.
Hiện nay, để giảm bớt sự quá tải của LÐTT, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đang có các dự án nâng công suất truyền tải vào miền nam. Tuy nhiên, chỉ để giải tỏa vài trăm MW công suất thì phải đầu tư xây dựng một ÐZ 220kV và thời gian thực hiện mất ba năm. Hiện nay, LÐTT ở khu vực đang quá tải cũng gây tổn thất điện năng (TTÐN) của công ty tăng đột biến, làm ảnh hưởng chỉ số TTÐN toàn Tổng công ty. Tuy nhiên, công ty đang nỗ lực giảm tỷ lệ TTÐN xuống còn 2,34% theo chỉ tiêu.
Nhận thức nguy cơ nắng nóng gay gắt, kéo dài dễ hỏa hoạn lan vào ÐZ, công ty coi trọng công tác phòng, chống cháy; triển khai rất sớm công tác này từ tháng 10 năm trước, tập trung vào chống cháy cho hành lang tuyến ÐZ, dọn thực bì trong mùa mưa, chồi mầm phát triển trong hành lang tuyến. Vì lực lượng còn mỏng, công ty phải thuê thêm người dân dọn hành lang tuyến. Hằng năm từ tháng 2 đến 7, ở khu vực hành lang lưới điện của công ty, nhiều nơi có thu hoạch mía, nhất là ở Phú Yên và Khánh Hòa. Ở đây, nông dân thường canh tác loại mía cao sản, năng suất cao, cây mọc tốt, cao 3 m, có loại 4 đến 5 m, khi thu hoạch hay đốt, cho nên nguy cơ gây cháy lan vào ÐZ rất cao. Hiện nay, công ty lắp đặt ca-mê-ra ở các vùng nguy cơ cháy cao để giám sát. Khi có hiện tượng cháy ở xa, người vận hành ÐZ báo đơn vị quản lý cử người kiểm tra để phối hợp với địa phương dập tắt đám cháy; đồng thời công ty lập tức báo đơn vị điều độ hệ thống điện khu vực giảm tải ÐZ để giảm sự cố.
Tại những khu vực trồng mía và nhà máy đường, công ty phối hợp tốt với chính quyền địa phương, nhà máy để vận động người dân hạn chế gây cháy; vận động nhà máy thu hoạch sớm các vùng mía gần các ÐZ; hỗ trợ dân gom rác mía sau thu hoạch. Ở những vị trí nguy cơ cháy cao, công ty phối hợp bảo vệ rừng phát hiện nguồn cháy; liên hệ các chủ đất canh tác gần ÐZ để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bảo đảm an toàn hành lang tuyến. Công ty cũng tích cực trang bị các thiết bị chuyên dùng chống cháy ban đầu; trả tiền cước điện thoại cho dân để họ thông báo kịp thời các vụ cháy gần ÐZ.
Ðến thực tế tại Truyền tải điện Khánh Hòa - đơn vị quản lý vận hành LÐTT tỉnh Khánh Hòa và một phần của Ðác Lắc, Phú Yên, Ninh Thuận, chúng tôi được biết, đơn vị phụ trách TBA 220kV Nha Trang và 230 km ÐZ 220kV trong khi TBA này chỉ có năm người trực. Năm nay nắng nóng nhiều, do đó, đơn vị vất vả trong vận hành vì luôn phải đề phòng cháy ở hành lang ÐZ. Ông Nguyễn Kim Ðồng, Giám đốc Truyền tải điện Khánh Hòa cho biết, đơn vị mới ưu tiên lắp bốn ca-mê-ra giám sát ở vùng mía huyện Ninh Hòa, Vạn Giã. Cùng với đó, đơn vị đã thiết kế phần mềm quản lý vận hành ÐZ rất thuận tiện trong giám sát, phát hiện sớm các vụ cháy gần ÐZ. Tại TBA 220kV Khánh Hòa, ông Nguyễn Kim Ðồng điều khiển và cho chúng tôi xem vận hành các ca-mê-ra từ TBA có thể giám sát theo thời gian thực khu vực dọc ÐZ ở cách đó khá xa và bao quát 360 độ một vùng rộng lớn chung quanh các khoảng cột. Các vụ cháy rừng, ruộng mía trước đó đều được ca-mê-ra phát hiện và lưu trữ, thuận tiện trong công tác quản lý và truy xuất nguyên nhân.
Ngoài việc hạn chế sự cố do cháy, công ty cũng giảm số sự cố do sét đánh vào ÐZ và TBA, qua đó cho thấy các giải pháp kỹ thuật đã thực hiện liên tục trong các năm qua và trong năm 2018 đã mang lại hiệu quả. Do đó, trong năm 2019, PTC3 tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp kỹ thuật hạn chế tác động của sét, trong đó có việc phân tích và đánh giá hiệu quả của giải pháp lắp đặt thử nghiệm kim thu sét chủ động tại một số vị trí trên ÐZ để xem xét triển khai áp dụng rộng rãi. Ðể hạn chế sự cố do sét đánh vào dây dẫn, PTC3 kiến nghị EVNNPT cho lắp chống sét van ÐZ đối với các cột cao đặc thù, các khoảng cột dài. Ngoài ra trong thời gian tới PTC3 sẽ tính toán lắp đặt thử nghiệm dây chống sét ngẫu hợp với một số vùng đặc thù thuộc vùng đồi dốc…
Chính nhờ những nỗ lực nêu trên, mặc dù thời gian qua, có những sự cố cháy rừng, cháy do đốt mía lan vào khu vực ÐZ hay nhiều lần sét đánh nhưng PTC3 đã kịp thời phát hiện và phối hợp với địa phương dập tắt các đám cháy, nhanh chóng xử lý nhanh, không để xảy ra các sự cố, bảo đảm việc truyền tải an toàn, liên tục, ổn định.