Phong phú hàng tết, bình ổn giá bán

Chưa đầy 2 tháng nữa đến Tết Ất Tỵ 2025. Công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ dịp tết cũng đang được các đơn vị, doanh nghiệp đôn đốc triển khai. Vậy việc giám sát chất lượng hàng hóa, bình ổn thị trường ra sao để người tiêu dùng, trong đó có những hoàn cảnh khó khăn, yên tâm vui sắm tết? Xung quanh những vấn đề này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Tá Hoàng Vũ (ảnh), Giám đốc Sở Công thương TPHCM.

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, Sở Công thương đã có kế hoạch gì về chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tết cũng như kiểm soát chất lượng, giá cả?

Ông BÙI TÁ HOÀNG VŨ: Việc chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu phục vụ Tết 2025 đã được UBND TPHCM chỉ đạo từ rất sớm. Chương trình bình ổn thị trường dịp tết cũng được lên kế hoạch từ đầu tháng 4-2024 với sự tham gia của hàng loạt doanh nghiệp (DN), chuỗi cung ứng.

Nhìn chung, lượng hàng bình ổn thị trường tết năm nay tăng 4%-6% so với năm trước. Các mặt hàng bình ổn được bán tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi… với mức giá luôn thấp hơn ít nhất 5% so với hàng hóa cùng quy cách, chủng loại, chất lượng có mặt trên thị trường. Dự kiến, năm nay DN chuẩn bị khoảng 23.000 tỷ đồng phục vụ 2 tháng mùa Tết Nguyên đán 2025, trong đó có gần 10.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.

Mạng lưới cung ứng hàng hóa có dồi dào? Liệu người lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và người dân ở các vùng xa có cơ hội tiếp cận được hàng bình ổn giá?

Tháng 8 và tháng 9 vừa qua, Sở Công thương phối hợp các đơn vị chức năng, DN tổ chức 15 đợt bán hàng bình ổn lưu động trải rộng khắp TPHCM, trong đó có các khu chế xuất, khu công nghiệp. Đây là các hoạt động thường niên, được triển khai nhiều năm qua. Hàng hóa được một số đơn vị như Saigon Co.op, Satra, MM Mega Market, Cholimex… đưa đến tận tay người mua với giá bán khá mềm, có mặt hàng giảm sâu 80%-90%.

Bên cạnh thực hiện bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu, ngành công thương TPHCM còn phối hợp các địa phương phát triển chuỗi cung ứng bền vững, từ khâu nguyên liệu, sản xuất đến vận chuyển, phân phối… Điển hình như chương trình kết nối cung cầu hàng hóa thu hút hơn 40 tỉnh, thành trên cả nước vào tháng 9-2024 với nguồn hàng đa dạng, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Việt.

 Khách hàng chọn mua thực phẩm tại siêu thị MM Mega Market An Phú (TP Thủ Đức, TPHCM)

Khách hàng chọn mua thực phẩm tại siêu thị MM Mega Market An Phú (TP Thủ Đức, TPHCM)

Hiện tại, Sở Công thương TPHCM đang triển khai chương trình Mùa mua sắm tập trung cuối năm “Shopping Season 2024” đợt 2, diễn ra từ giữa tháng 11 đến hết tháng 12-2024. Tiếp đến, từ tháng 12-2024 đến tháng 1-2025, sở phối hợp các đơn vị triển khai chương trình bán hàng lưu động bình ổn thị trường trên địa bàn TPHCM.

Ngoài ra, các DN cũng chủ động tổ chức hàng trăm chuyến bán hàng lưu động đến vùng ven, ngoại thành, nơi tập trung đông người lao động thu nhập thấp… Hàng bình ổn giá chiếm 21%-32% thị phần trong những tháng bình thường, chiếm 24%-41% nhu cầu thị trường trong tháng cao điểm tết và hoàn toàn đủ sức chi phối, điều tiết thị trường.

TPHCM có gần 11.000 điểm bán hàng bình ổn giá, có 224 chợ đang hoạt động, hơn 205 siêu thị, 46 trung tâm thương mại, khoảng 2.300 cửa hàng tiện lợi… Như vậy, mạng lưới cung ứng hàng hóa dày đặc, cùng cách làm tích cực, chủ động của ngành công thương sẽ giúp cho hàng hóa được phân phối rộng khắp.

Tình trạng khan hiếm, thổi giá hàng hóa, vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng thường “nóng lên” trong mùa mua sắm cao điểm dịp tết. Sở Công thương triển khai giải pháp gì để người dân TPHCM yên tâm chi tiêu?

Hoạt động kiểm tra, giám sát giá cả, chất lượng hàng hóa được chúng tôi thực hiện thường xuyên chứ không riêng dịp tết, bao gồm phối hợp lực lượng liên ngành quản lý thị trường, công an kinh tế, hải quan… truy quét hàng giả, hàng nhập lậu. Tuy vậy, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng mạnh vào dịp tết nên nhiệm vụ này càng được quan tâm hơn.

Sở Công thương vừa có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức theo dõi diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, kịp thời báo cáo và đề xuất phương án xử lý khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa trên địa bàn.

Bên cạnh đó, sở cũng đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định nhà nước về giá hàng hóa tại các hệ thống phân phối, chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích...

DN bình ổn thị trường thực hiện nghiêm quy chế Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố; đồng thời, chủ động nguồn hàng, cung ứng sản lượng đủ, vượt số lượng đã đăng ký trong mọi tình huống… Hệ thống phân phối hiện đại cần dự báo nhu cầu thị trường, có kế hoạch dự trữ, cung ứng nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu dồi dào, phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2025…

Ông nhận định như thế nào về sức mua của người dân trong dịp tết này?

Ước tính, mỗi ngày người dân TPHCM tiêu thụ khoảng 11.000 tấn thực phẩm đủ loại, nhưng TPHCM chỉ có thể tự cung cấp 10% thịt các loại và gần 5% trứng, nguồn hàng còn lại đến từ các tỉnh thành cũng như nhập khẩu. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của một đại đô thị như TPHCM rất lớn và sức mua ngày tết càng lớn hơn nữa.

Số liệu từ Cục Thống kê TPHCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng TPHCM 10 tháng năm 2024 ước đạt 979.052 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 462.390 tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm ngoái. Từ các số liệu này có thể thấy rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như chỉ số niềm tin của người tiêu dùng TPHCM luôn ở mức cao. Do vậy, dự báo mãi lực dịp tết này tăng khoảng 15% so với cùng kỳ dịp tết năm 2024.

Đa dạng giỏ quà đặc sản vùng miền

Một số siêu thị trên địa bàn TPHCM cho biết, dịp Tết 2025, nhiều loại trái cây, bánh kẹo, đặc sản vùng miền… tiếp tục được đưa vào giỏ quà tết phục vụ người tiêu dùng với giá phù hợp. Chẳng hạn, hệ thống GO!, BigC, MM Mega Market… đang giới thiệu nhiều giỏ quà với mức giá từ 200.000 đồng/giỏ trở lên.

Theo các siêu thị, giỏ quà 200.000-300.000 đồng thường gồm bánh kẹo, trà, cà phê, các loại mứt, ô mai, hạt ngũ cốc, gia vị quen thuộc cho ngày tết; giỏ quà từ 500.000 đồng trở lên sẽ có thêm rượu vang giá bình dân kết hợp cùng các loại bánh, mứt, kẹo. Năm nay, một số mặt hàng đặc sản vùng miền cũng được đưa vào các giỏ quà, với mức giá từ 800.000 đồng/giỏ trở lên, tùy mặt hàng.

GIA HÂN

THI HỒNG thực hiện

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phong-phu-hang-tet-binh-on-gia-ban-post771283.html