Phong phú khúc hát ru con của người Tây Nguyên

Nhạc sĩ Krajan Dick, nguyên Phó Trưởng Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Lâm Đồng cho rằng, chính tư thế ru con đã quyết định đến tiết tấu và giai điệu những khúc hát ru của cư dân bản địa Tây Nguyên.

Âm nhạc dân gian Tây Nguyên vẫn luôn hiện diện trong đời sống đương đại

Âm nhạc dân gian Tây Nguyên vẫn luôn hiện diện trong đời sống đương đại

Ở miền Thượng, do đặc trưng địa hình cao nguyên, cộng hưởng cùng hình thái kinh tế rẫy đồi, nên nội dung lời ru và hình thức ru con có nét đặc trưng riêng, phù hợp với hình sông thế núi nơi đây, cũng như phương thức sản xuất chọc lỗ tra hạt của cư dân địa phương. Nội dung chủ yếu diễn tả cảnh sắc thiên nhiên, núi rừng hùng vĩ, cuộc sống sinh hoạt đời thường... Tất cả các lời ru đều theo thể thức gieo vần và hình tượng thì mang tính chất ngoa dụ. Trong những khúc hát ru con ấy, thấp thoáng bóng dáng những người thân của người được ru: cha mẹ, ông bà, tổ tiên... Những lời ru mộc mạc, khê khét, chất chứa tình yêu thương của mẹ, của bà, của chị như một thứ sữa ngọt chảy tràn, rót vào lòng trẻ thơ lời bảo ban, tiếng dạy dỗ về tình người, về đạo lý hiếu nghĩa. Những lời ru con được các bà mẹ Tây Nguyên hát trên đường đi lên rẫy, hát trong khi trỉa và suốt lúa, hát vào lúc hái rau rừng, hát trong khi giã gạo... “Chính vì tư thế ru con đó, ru con theo nhịp bước chân người mẹ, mà tiết nhịp những khúc hát ru của người bản địa Tây Nguyên không êm ả và đong đưa theo nhịp võng hoặc nhịp nôi như những khúc ru con ở người miền đồng bằng”, nhạc sĩ Krajan Dick cho biết.

Thật vậy, với người bản địa Tây Nguyên, lưng người mẹ chính là nôi, nhịp lưng đong đưa của người mẹ chính là nhịp đưa nôi. Âm nhạc và lời ca phải dựa theo đặc trưng này để phát triển cho phù hợp, để dỗ trẻ thơ đi vào giấc ngủ. “Mới đầu, khi em bé chưa thật sự buồn ngủ, người mẹ vừa đi vừa ru hoặc người mẹ vừa nhún nhảy vừa ru, tiết tấu của lời ru lúc này hơi nhanh, đều, quãng ngân dài. Tiếp đến, khi em bé thiu thiu ngủ, giai điệu chuyển qua man mác, quãng rải rộng hơn, tính tiết nhịp ở đây cũng ít dần. Bấy giờ, người mẹ chuyển dần sang tình cảm nói với mình nhiều hơn là nói với em bé. Âm nhạc và lời ca lúc này là tiếng lòng của người mẹ”, nhạc sĩ Krajan Dick cho hay.

Theo nhạc sĩ Krajan Dick, kho tàng những khúc hát ru con của người bản địa Tây Nguyên rất phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Cũng là hát ru nhưng khi ẵm con hát kiểu khác, lúc con nằm ru kiểu khác, khi địu con trước ngực hát kiểu khác, lúc địu con trên lưng ru kiểu khác... Sự đa dạng và độc đáo ấy, chính là mảnh đất màu mỡ, thu hút rất nhiều nhạc sĩ đến tìm hiểu, khai thác và sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian Tây Nguyên, sáng tác nên một số tác phẩm âm nhạc mang giá trị nghệ thuật cao, được đông đảo công chúng yêu nhạc trong cả nước đón nhận một cách trân trọng. Nhiều nhạc sĩ đã rất thành công trong việc sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian của các sắc tộc bản địa Tây Nguyên rồi đưa vào sáng tác những ca khúc mới, hoặc là biến tấu một hay vài note nhạc để tạo sự luyến láy, hoặc là mở ra những âm vực rộng, những quãng nhạc sáng rõ hơn... Nhạc sĩ Krajan Dick cũng là một trong những nhạc sĩ thành công đó. Tác phẩm âm nhạc của họ đã được nhiều ca sĩ lựa chọn mang đi thi tại các đấu trường ca nhạc danh tiếng trong và ngoài nước. Điều này, một lần nữa khẳng định, sức sống trường cửu của âm nhạc Tây Nguyên trong dòng chảy của âm nhạc Việt Nam.

TRỊNH CHU

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202208/phong-phu-khuc-hat-ru-con-cua-nguoi-tay-nguyen-3129530/