Phong phú sản vật tại Ngày hội mắm Châu Đốc
Với sự tham gia của 18 tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam, cùng 54 đơn vị trong tỉnh, Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022 (gọi tắt là Ngày hội mắm Châu Đốc) là nơi tụ họp nhiều sản vật nổi tiếng cả nước. Cùng với đó là nét văn hóa đặc sắc từ dân tộc các vùng, miền, hứa hẹn là điểm đến thú vị cho du khách gần xa.
Từ đặc sản núi rừng…
Là địa phương xa xôi ở vùng Tây Bắc của Tổ quốc, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Sơn La sẽ mang đến Ngày hội mắm Châu Đốc những sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cùng những đặc sản địa phương. Song hành cùng đơn vị, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Du lịch Xanh sẽ mang đến những món đặc sản, như: Rau, củ, quả Sơn La, thịt trâu gác bếp… Trong đó, thịt trâu gác bếp là món ăn nổi tiếng, được nhiều du khách tìm kiếm khi đến du lịch Tây Bắc.
Đại diện cho thủ đô Hà Nội, Liên hiệp HTX Việt Nam sẽ mang đến những sản phẩm OCOP, đặc sản được chọn lọc, đặc biệt là những sản phẩm mới lạ, độc đáo của miền Bắc.
Ngày hội mắm Châu Đốc năm nay thu hút sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp (DN), địa phương đến từ khu vực núi rừng Tây Nguyên. Nếu như Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk mang đến trưng bày, giới thiệu những sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản thì các DN của tỉnh này cũng quảng bá những sản phẩm tốt nhất của họ. Trong đó, Công ty TNHH TM cà phê Minh Dũng mang đến các sản phẩm cà phê bột, rang, xay, bột ngũ cốc; Công ty TNHH TM&DV Bazan Đỏ giới thiệu cà phê bột, Men’s coffee, trà mãng cầu Bà Giáo Tuyền; Công ty TNHH SX&TM Pơ Lang thì có tinh dầu bơ, các sản phẩm chiết xuất từ quả bơ. Trong khi đó, HTX SXTM&DV tinh dầu và dược liệu Hena giới thiệu tinh dầu thiên nhiên, dầu ép lạnh từ hạt, đặc sản nông nghiệp; hộ kinh doanh Anh Nguyên giới thiệu cà phê, macca, Sachi, mật ong, hồ tiêu; còn hộ kinh doanh Trần Thị Kim Luyến đem đến tinh bột nghệ, trà gừng, mật ong và viên nghệ mật ong.
Đặc sản các tỉnh, thành phố sẽ được mang đến Ngày hội mắm Châu Đốc. Ảnh: N.C
Đối với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, những sản phẩm mang đến An Giang đều là sản phẩm OCOP, đặc sản. Công ty TNHH cà phê nguyên chất Thái Châu và HTX Hùng Thắng giới thiệu các sản phẩm cà phê rang xay, chế biến cà phê bột nguyên chất; Công ty TNHH ENNY cung cấp sinh tố trái cây; HTX dược liệu Như Ý giới thiệu cây dược liệu (đương quy, đan sâm, hoàng kỳ), trà túi lọc đương quy; Cơ sở mật ong PT Lâm Đồng cung cấp sản phẩm mật ong. Trong khi đó, tỉnh Đắk Nông sẽ do Công ty TNHH MTV nông sản Hà Vân, Công ty TNHH Hoàng Phát đại diện giới thiệu sản phẩm; tỉnh Gia Lai có HTX Nông nghiệp - Dịch vụ An Bình Phát.
Đến từ miền Đông Nam Bộ, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh Tây Ninh sẽ giới thiệu những đặc sản nổi tiếng vùng này, như: Bánh tráng các loại, trà túi lọc, mãng cầu xiêm, dế tươi, dế cơm, muối dế. Đi cùng tỉnh Tây Ninh, Công ty TNHH Mỹ Liên Food sẽ mang đến Châu Đốc các sản phẩm muối chay, muối tôm; Cơ sở sản xuất bánh tráng A Mười cung cấp sản phẩm bánh tráng ớt Sơn. Đối với tỉnh Bình Phước, Công ty TNHH Hoàng Phú sẽ đại diện giới thiệu các sản phẩm hạt điều; Cơ sở mật ong Sông Bé giới thiệu mật ong, Cơ sở tiêu sạch Cô Hai giới thiệu tiêu sạch.
…đến đặc sản đồng bằng
Gần gũi hơn với An Giang về địa lý, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL xem Ngày hội mắm Châu Đốc là cơ hội quý để quảng bá, giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng; xúc tiến và mở rộng thị trường tại nơi thu hút đông đảo du khách bậc nhất của vùng.
Nếu như Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng chọn lựa mang đến các sản phẩm OCOP, đặc sản, thì Công ty TNHH Duy Tân cũng giới thiệu các loại bánh pía, bánh ngon; Cơ sở Cô Mới đem theo mắm ba khía; Cơ sở mắm cá rô không xương Biển mang đến sản phẩm mới lạ là mắm cá rô không xương; Cơ sở Sáu Công có chanh leo ngọt; Cơ sở Lệ Châu là bún, nui, bánh tráng; Công ty mật ong Sóc Trăng giới thiệu mật ong; Cơ sở Đặng Duy Khánh có tranh lá bồ đề; Cơ sở khô trâu Sáu Sành đưa đến sản phẩm khô trâu; Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí có gạo ST25, ST24 nổi tiếng của kỹ sư Hồ Quang Cua (ST25 từng đạt giải gạo ngon nhất thế giới). Trong khi đó, HTX hành tím Vĩnh Châu mang đến hành tím; Cơ sở Thiên Hương là mắm cua gạch, mắm tôm hùm; Công ty TNHH bánh pía Hải Sơn có bánh pía, lạp xưởng.
Tỉnh Bạc Liêu cũng không kém cạnh, bởi ngoài sản phẩm OCOP, đặc sản mà Sở Công Thương mang đến Châu Đốc, các DN, HTX cũng tranh thủ đưa đến nhiều sản phẩm hấp dẫn. HTX thủy sản sạch Thành Đạt có các sản phẩm tôm khô, cá khô các loại, chà bông tôm, tôm ép; Cơ sở tôm khô Đa Giàu đưa đến tôm khô, các loại cá khô, khô mực; trong khi Lò tôm khô Phương Nguyệt ngoài sản phẩm tôm khô còn có khô cá kèo, khô cá sặc bổi, khô mực. Đối với Cơ sở bánh phồng tôm Ý Tám, là sản phẩm bánh phồng tôm, tôm khô; Cơ sở nông sản Việt cũng đưa đến sản phẩm bánh phồng tôm, bánh phồng tôm chiên sẵn ăn liền; Cơ sở Quyển Đình có khô cá phi một nắng, khô cá chốt một nắng; Cơ sở yến sào Ninh Bình giới thiệu tổ yến sơ chế.
Những địa phương khác của ĐBSCL, như: TP. Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Kiên Giang, Vĩnh Long… cũng mang đến những sản vật, đặc sản được sản xuất, chế biến từ nguồn tài nguyên tại địa phương.
Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, đến nay, 180 gian hàng của Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022 (diễn ra từ ngày 20 đến 24/4) đã được đăng ký hết. Trong đó, có 18 tỉnh, thành phố đăng ký tham gia 59 gian hàng; 54 đơn vị trong tỉnh đăng ký tham gia 76 gian hàng thương mại và 17 gian ẩm thực (tương đương 45 gian thương mại, do quy cách gian ẩm thực lớn hơn gian hàng thương mại)
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phong-phu-san-vat-tai-ngay-hoi-mam-chau-doc-a330897.html