PHÓNG SỰ: Thị trường KIT test COVID-19 tại Hà Nội hiện ra sao sau khi Bộ Y tế vào cuộc xử lý 'bão giá'?
Hiện nay nhiều người dân vẫn đang than phiền về tình trạng khan hiếm, thậm chí có hiện tượng găm mặt hàng KIT test nhanh Covid-19.
Trước thông tin trên, sáng 24/2, trong vai khách hàng, chúng tôi đã tham khảo tại một số cửa hàng thuốc trên các con phố khác nhau.
Một khách hàng không thể mua quá nhiều KIT test
Theo tìm hiểu, hiện nay giá bán lẻ KIT xét nghiệm nhanh Covid-19 có giá từ 78 đến 85 nghìn đồng/ kit. Đa số các cửa hàng đều có sản phẩm để bán và chỉ đồng ý bán cho mỗi người mua số lượng khoảng 5 chiếc/ lần. Như vậy, với thực tế thì giá bán lẻ như trên là chấp nhận được vì không quá đắt so với lời đồn "cháy hàng". Còn việc các cửa hàng đều từ chối bán số lượng lớn cho người mua là tuân thủ theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế, tránh việc gom hàng…
Cụ thể; tại một cửa hàng trên phố Vũ Phạm Hàm, nhân viên cho biết, giá bán lẻ 88 nghìn đồng/ kit, khi phóng viên hỏi số lượng nhiều, người này cho biết, nếu mua số lượng nhiều thì 85 nghìn đồng/ kit, tuy nhiên chỉ bán nhiều nhất 1 hộp 20 chiếc.
Trong khi đó, tại một siêu thị thuốc, nhân viên tại đây cho biết, hàng của Hàn Quốc 75 nghìn đồng/ kit, của Mỹ ở đây nhập lại của nhà thuốc Long Châu 110 nghìn đồng/ kit, hiện tại đây cũng bán lại tương đương như giá nhập, mỗi người chỉ được mua 4 chiếc.
Cũng như vậy, một cửa hàng trên đường Trần Duy Hưng, nhân viên cho biết, ở cửa hàng chỉ có 2 hộp, giá bán 85 nghìn đồng/ kit, mỗi khách chỉ mua được 5 cái, để dành bán cho người khác.
Đi xa địa bàn hơn, một cửa hàng thuốc trong khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông, nhân viên cho biết, giá 78 nghìn đồng/ kit, hiện tại cửa hàng đang có vài hộp, tuy nhiên tối đa bán cho mỗi khách 5 chiếc.
Liên quan đến thông tin bán Kit test nhanh Covid-19 trên mạng, anh Cường Nguyễn cho biết, hiện nay anh đang nhập hàng từ xuất xứ của Mỹ, Đức hoặc hàng từ Trung Quốc (công nghệ Mỹ) số lượng bao nhiêu cũng có.
Theo anh Cường, hàng xuất xứ Mỹ, Đức hiện nay giao động từ 68 đến 75 nghìn đồng/ kit. Trong khi đó, hàng Trung Quốc hoặc Hàn Quốc nhập vào cũng có giá từ 55 đến 58 nghìn/ kit với điều kiện mỗi lô 12000 chiếc/ thùng.
"Đặt hàng số lượng lớn thì bao nhiêu cũng có, tôi nghĩ trên thị trường đang khan là do một số nhỏ lẻ tách ra bán, vài hôm nữa là sẽ bão hòa thôi. Bộ Y tế đã quy định giá, tính ra mỗi lô hàng không được đáng bao nhiêu tiền lãi mà vất vả lắm", anh Cường bày tỏ.
Bộ Y tế: Không để hiện tượng gom hàng, đầu cơ
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trong những ngày gần đây có nhiều thông tin phản ánh hiện tượng khan hiếm và biến động về giá kit xét nghiệm SARS-CoV-2
Thời gian gần đây nhu cầu tự test COVID-19 của người dân đột ngột tăng cao, giá kit xét nghiệm tại các hiệu thuốc cũng như được rao bán trên MXH gần như mất kiểm soát.
Trả lời về vấn đề này, đại diện Bộ Y tế, cho biết, cơ quan này đã nắm được thông tin hiện nay có tình trạng khan hiếm cục bộ và giá cả không thống nhất đối với kit test nhanh SARS-CoV-2. Có thể thấy rằng, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng kit test của người dân tăng cao, nguyên nhân gây nhu cầu tăng do sau Tết người dân quay trở lại làm việc, đi du lịch, đi lễ hội hay như học sinh, sinh viên quay trở lại trường học…
Qua các kênh thông tin cho thấy có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán trang thiết bị y tế bất hợp lý.
Để kịp thời có những biện pháp phù hợp, sáng hôm nay, ngày 23/02/2022, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu kit xét nghiệm SARS-CoV-2, Bộ nhận thấy cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp:
- Thứ nhất, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị sản xuất, nhập khẩu kit test SARS-CoV-2 chủ động tăng cường hoạt động sản xuất, nhập khẩu sản phẩm để đảm bảo nguồn cung trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng sản phẩm; thực hiện công khai và cập nhật giá, trong đó có yêu cầu các nhà phân phối, bán lẻ thực hiện niêm yết giá, không gom hàng và tăng giá; không để tình trạng giá công bố cao nhưng giá bán thấp, tạo kẽ hở cho các nhà phân phối, bán lẻ lợi dụng làm lũng đoạn thị trường; không bán cho các đơn vị thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu trong nước đang tăng cao, gây khan hiếm thị trường.
- Thứ hai, hiện nay Bộ Y tế đã có các hướng dẫn rất cụ thể đối với các trường hợp nguy cơ (F1), các trường hợp bị nhiễm (F0). Các quy định này đều đã được công khai trên cổng thông tin điện tử. Chính vì vậy, đề nghị người dân cần nghiên cứu, liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn chi tiết, tránh việc mua và sử dụng kit test khi chưa có nhu cầu, gây lãng phí không cần thiết, ảnh hưởng đến thị trường.
Trường hợp cần thiết, để đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, đề nghị người dân lưu ý khi mua và sử dụng các sản phẩm lưu hành trên thị trường phải có nguồn gốc rõ ràng: thuộc danh sách sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành và giấy phép nhập khẩu theo đúng thông tin về chủng loại, hãng nước sản xuất, có nhãn mác đầy đủ thông tin theo quy định và có tài liệu hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. Bộ Y tế khuyến cáo người sử dụng cần nghiên cứu kỹ và thực hiện theo đúng hướng dẫn sử dụng sản phẩm để tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng.
Thứ ba, Bộ Y tế có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phối hợp chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn chủ động hoạt động sản xuất, kinh doanh khả năng cung ứng trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo bình ổn giá trang thiết bị y tế; đồng thời phối hợp chỉ đạo cơ quan chức năng, quản lý thị trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, kiểm tra và ngăn chặn các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán giá các trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 bất hợp lý.
- Thứ tư, để tăng cường các biện pháp nhằm ổn định giá kit test trên thị trường, Bộ Y tế sẽ phối hợp với cơ quan quản lý giá, quản lý thị trường, hải quan và các đơn vị liên quan thực hiện việc thanh tra, kiểm tra một số đơn vị về việc kê khai và công khai giá bán theo quy định để đảm bảo giá bán ra phù hợp với với các chi phí đầu vào, không bán qua nhiều cấp trung gian, tăng giá bất hợp lý để đảm bảo bình ổn giá bán trên thị trường.