Phóng to 10 lần bức tranh 300 tuổi, dân mạng Hàn Quốc phì cười: Họa sĩ thật thà quá rồi!
Hậu thế không khỏi bật cười khi phát hiện ra chi tiết đáng yêu này trong bức tranh.
Bình An giám ty hưởng yến đồ
“Bình An giám ty hưởng yến đồ” là bộ ba bức tranh nổi tiếng của đệ nhất danh họa thời Joseon Kim Hong-do (1745 - ?), gồm “Luyện Quang đình yến hội đồ”, “Phù Bích lâu yến hội đồ” và “Nguyệt dạ thuyền du đồ”.
Ba bức tranh có kích thước 71.2cm x 196.9cm, tái hiện một cách sống động chuỗi yến tiệc được tổ chức nhân dịp Quan sát sứ mới của tỉnh Pyeong-an (Bình An) (ngày nay thuộc Triều Tiên) đến nhậm chức.
Tỉnh Pyeong-an là một trong 8 tỉnh của vương quốc Joseon lúc bấy giờ. Khu vực được vẽ trong tranh thuộc địa phương Pyeong-yang, vốn nổi tiếng vì có nhiều phong cảnh đẹp. Thậm chí trong “Triều Tiên vương triều thực lục”, Pyeong-yang còn được ghi nhận là “có thể so sánh với Tô Châu và Hàng Châu của Trung Quốc vốn đã được biết đến từ lâu”.
Quan sát sứ vốn là chức quan đứng đầu của một tỉnh, Pyeong-an còn là một tỉnh thịnh vượng và phát triển, vì vậy mà yến hội đón mừng vị quan này đến nhậm chức được tổ chức hết sức linh đình và hoành tráng.
Số lượng người trong tranh lên đến hàng trăm người, bao gồm những người trực tiếp tham dự yến hội như quan địa phương, học sĩ, binh lính, nhạc công, kỹ sinh… và những dân thường quan sát sự kiện từ xa.
Tất cả nhân vật đã được họa sĩ Kim Hong-do khắc họa một cách chi tiết từ hành động cho đến biểu cảm.
Khi phóng to ba bức tranh lên 10 lần để có thể cảm nhận được hết sự tỉ mỉ đó, dân mạng đã tinh ý phát hiện ra những điểm khiến họ phải phì cười mà thốt lên rằng: Họa sĩ cũng thật thà quá rồi!
Vậy dân mạng rốt cuộc đã nhìn thấy điều gì?
Chi tiết đáng yêu
Không chỉ tập trung bút lực vào phần trung tâm của bức tranh nơi có Quan sát sứ, họa sĩ Kim Hong-do còn dụng tâm vào phần rìa tranh với sự xuất hiện của các nhân vật quần chúng.
Và trong số hàng trăm quần chúng đó, hậu thế đã phát hiện ra những người, theo cách ăn mặc thì có lẽ là học sĩ, đang say mèm!
Có người thì vì quá say nên cứ thế ngồi bệt xuống đất, có nhân vật thì không thể tự đi mà phải có người dìu. Thậm chí còn có nhân vật say xỉn ngồi trên chiếc thuyền nhỏ phải được người đi cùng vịn hờ để tránh bị ngã xuống sông.
Trong một ngày vui như ngày chào đón Quan sát sứ mới, việc người dân Pyeong-an quá chén cũng không có gì quá đáng. Tuy nhiên, dân mạng không thể ngờ họa sĩ Kim Hong-do lại thật thà đến nỗi vẽ cả cảnh họ say mèm như vậy.
Đa phần đều để lại bình luận khen rằng từ biểu cảm cho đến tư thế của nhân vật đều quá đáng yêu. Có người lại không ngờ từ 300 năm trước mà họa sĩ đã vẽ tranh mang đầy tính “hoạt họa” như thế.
Những chi tiết đầy thú vị này hoàn toàn phù hợp với hình ảnh một đất nước Hàn Quốc yêu thích rượu mà chúng ta thường thấy thông qua các sản phẩm văn hóa đại chúng. Đối với người Hàn, uống rượu không chỉ là thú vui mà còn được nâng tầm lên thành một văn hóa.
Theo một khảo sát vào năm 2014 của Euromonitor, người Hàn Quốc trung bình uống 13,7 ly rượu mỗi tuần, nhiều nhất trong số 45 quốc gia được phân tích, bỏ xa vị trí thứ hai là Nga với 6,3 ly mỗi tuần.
Ngoài ra, theo Cục Thống kê Hàn Quốc, lượng tiêu thụ rượu soju trong nước năm 2017 của nước này là 3,64 tỷ chai. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi người Hàn Quốc trên 20 tuổi uống khoảng 87 chai rượu soju một năm.
Rượu được yêu thích ở Hàn Quốc vì nó là cầu nối xã hội ở nơi làm việc. Những buổi uống rượu giúp thúc đẩy và ảnh hưởng đến việc chia sẻ ý tưởng và xây dựng mạng lưới quan hệ. Người Hàn Quốc cũng uống rượu để giải tỏa bản thân khỏi những áp lực trong cuộc sống.
Họa sĩ Kim Hong-do lại một lần nữa khẳng định tài năng hội họa của mình thông qua bộ ba tác phẩm “Bình An giám ty hưởng yến đồ”. Thông qua những chi tiết rất đỗi thú vị, sống động và chân thực, vị danh họa đã khiến người xem tranh như được hòa mình vào khung cảnh yến tiệc ngày hôm ấy.