Phong tỏa Thành Đô, kinh tế Trung Quốc đối mặt nhiều thiệt hại
Việc phong tỏa Thành Đô có thể trở thành một cơn địa chấn cho khu vực phía tây rộng lớn của Trung Quốc, vì nơi này vốn là trung tâm sản xuất quan trọng của đất nước.
Mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã ra quyết định phong tỏa siêu đô thị Thành Đô để ngăn chặn đợt bùng phát COVID-19 mới nhất.
Theo Bloomberg, Thành Đô - thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, bắt đầu phong tỏa từ đêm 1/9. Đây là chiến lược gấp rút của lãnh đạo Trung Quốc sau khi các quan chức y tế địa phương phát hiện có tới 157 ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày 31/8.
Như vậy, Thành Đô là thành phố lớn nhất phải đóng cửa kể từ khi Thượng Hải bị phong tỏa hơn hai tháng vào đầu năm nay.
Động thái trên sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 21 triệu dân và cộng đồng doanh nghiệp tại Thành Đô, đồng thời gây áp lực nặng nề lên nền kinh tế Trung Quốc.
Thành Đô hiện chiếm khoảng 1,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Đây cũng là thành phố lớn thứ sáu của nước này sau Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu và Trùng Khánh.
Siêu đô thị Thành Đô là nơi dừng chân của nhiều công ty công nghệ và nhà sản xuất ôtô lớn, bao gồm Toyota Motor và VW China.
Foxconn Technology Group - nhà lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới, cũng đang có một cơ sở sản xuất iPad tại Thành Đô. Nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới Intel và một số công ty nước ngoài khác cũng có nhà máy tại thành phố này.
Trên thực tế, Thành Đô trước đó đã phải cho tạm dừng hoạt động nhiều nhà máy do hạn hán và thiếu điện nghiêm trọng. Kết hợp với tình hình bị phong tỏa hiện tại, nhiều doanh nghiệp tại đây bày tỏ lo lắng rằng họ sẽ không chống đỡ qua nổi mùa dịch.
Theo báo cáo dữ liệu kinh tế của chính quyền thành phố Thành Đô, doanh số bán lẻ tại đây đã liên tiếp giảm trong 7 tháng đầu năm, sản lượng công nghiệp cũng sụt dần. Đến hết quý II/2022, kinh tế thành phố chỉ tăng trưởng hơn 3%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 13,1% của cùng kỳ năm ngoái.
Thiệt hại kinh tế ở Thành Đô sẽ phụ thuộc nhiều vào thời gian kết thúc đợt phong tỏa. Hậu quả trước mắt là các hoạt động tiêu dùng như mua sắm và ăn uống sẽ ngừng hoạt động ngay lập tức.
Ngoài ra, các lĩnh vực sản xuất khổng lồ ở phía tây nam Trung Quốc cũng có thể bị ảnh hưởng theo nếu chuỗi cung ứng đình đốn trong thời gian dài, các nhà máy không được hoạt động khiến cho sản lượng chung đi xuống.
Chứng khoán toàn cầu đã chạm mức thấp nhất trong 6 tuần kể từ sau tin tức về lệnh phong tỏa tại Thành Đô.
Một chỉ số khác bao gồm các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong cũng giảm đến 1,7%, xuống mức thấp nhất trong phiên 1/9. Chỉ số CSI 300 tại thị trường đại lục mất 0,3% vào khoảng 13h13 (giờ địa phương).
Được biết, Thành Đô không phải là thành phố lớn duy nhất ở Trung Quốc đang bị hạn chế để kiểm soát sự lây lan của Covid-19.
Các thành phố khác như Thiên Tân, Thạch Gia Trang và Đại Liên cũng đang đề ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn. Một số địa phương ở Thâm Quyến cũng đã thi hành các biện pháp phong tỏa do Covid-19. Điều này khiến chuỗi cung ứng tại Trung Quốc đứt gãy nặng nề, nền kinh tế vốn đã khó phục hồi lại càng thêm suy sụp.