Phòng tránh Bệnh Đậu mùa khỉ
Bệnh truyền nhiễm (Infectious Diseases) là bệnh nhiễm trùng có khả năng lây lan từ người này sang người khác trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người, do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm gây ra qua môi trường trung gian (như thức ăn, đường hô hấp, máu, da, niêm mạc hay dùng chung đồ dùng) và có khả năng phát triển thành bệnh dịch. Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm có thể là virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm
Dịch bệnh (Epidemic) là sự lây lan nhanh chóng của một bệnh truyền nhiễm với số lượng lớn những người bị nhiễm trong một cộng đồng hoặc một khu vực trong vòng một thời gian ngắn, thường là hai tuần hoặc ít hơn.
Bệnh truyền nhiễm có 3 đường lây lan đó là đường tiếp xúc, đường giọt bắn và đường không khí. Bệnh có khả năng lây lan trong cộng đồng bằng nhiều đường khác nhau hoặc đôi khi chỉ lây bằng một đường. Các bệnh truyền nhiễm thường có thể trở thành các vụ dịch với số lượng người mắc rất lớn và thường diễn biến theo các giai đoạn: Nung bệnh, khởi phát, toàn phát, lui bệnh và hồi phục. (Thí dụ bệnh dịch hạch, bệnh tả, bệnh sốt rét, bệnh tay - chân - miệng,…)
Đậu mùa khỉ (Monkey pox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do virus đậu mùa khỉ gây ra, bệnh có thể lây truyền từ động vật sang người, cũng có thể lây truyền từ người sang người.
Nguyên nhân: Nguy cơ lây bệnh đậu mùa khỉ có thể liên quan đến giọt bắn ở đường hô hấp lây khi các tác nhân gây bệnh chứa trong các giọt nhỏ bắn ra khi người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện đi vào kết mạc mắt, niêm mạc mũi, miệng của người tiếp xúc truyền bệnh từ người sang người trong 1 khoảng cách ngắn 14-30 mcm, cũng có thể lây qua đường không khí xảy ra do các giọt bắn li ti chứa tác nhân gây bệnh < 5mcm khi người bệnh ho, hắt hơi phát tán vào trong không khí. Bệnh đậu mùa khỉ cũng có khả năng lây qua đường không khí khi tiếp xúc gần, sống chung hay dùng chung đồ với người bệnh.
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người bị suy giảm miễn dịch có thể có triệu chứng nghiêm trọng hơn và có nguy cơ dẫn đến tử vong. Các biến chứng bao gồm nhiễm trùng da thứ phát, viêm phổi, lú lẫn và các vấn đề về mắt. Theo những phân tích y khoa, bệnh đậu mùa khỉ có 3 con đường lây nhiễm chính cần lưu ý đó là lây nhiễm qua vết xước, vết cắn mà động vật cắn đã nhiễm virus, người ăn thịt động vật đang nhiễm bệnh và người tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Triệu chứng: Sau khi cơ thể nhiễm virus từ 5 đến 21 ngày xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng như sốt cao, đau đầu, đau cơ, sưng hạch bạch huyết, phát ban kèm ngứa ngáy,... bệnh có thể kéo dài 2 đến 4 tuần. Ban xuất hiện đầu tiên ở mặt và lan rộng sang các bộ phận còn lại trên cơ thể. Lúc đầu mụn có mủ nước xuất hiện lưa thưa sau đó sẽ phát tán và số nốt tăng lên, bên trong mỗi nốt mụn chứa đầy dịch mủ. Song song với tổn thương da là tổn thương đường hô hấp hay niêm mạc mắt, mũi, miệng.
Yếu tố dịch tễ: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra những cảnh báo về nguy cơ bùng phát mạnh bệnh đậu mùa khỉ trên toàn thế giới. Hiện bệnh đã xuất hiện ở nhiều nước như Anh, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha, ghi nhận khoảng 16 ngàn trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 75 quốc gia. Ở Việt Nam, trong ngày 6/10/2023, TP.HCM đã phát hiện thêm 4 ca mắc đậu mùa khỉ mới, đưa tổng số ca nhiễm lên 13 ca. Trong số những ca mắc, có một ca được phát hiện tại Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 7/2023 và hai ca là trường hợp xâm nhập.
Các chính sách y tế vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh không ngừng để có thể phòng ngừa và ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh cho những người khỏe mạnh. Các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh cần theo dõi, xem xét chuyển tuyến điều trị là giảm thị lực; giảm ý thức, hôn mê, co giật; suy hô hấp; chảy máu, giảm số lượng nước tiểu và các dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn.
Cận lâm sàng: Virus gây nên căn bệnh đậu mùa khỉ thuộc chi Orthopoxvirus trong họ virus Poxviridae. Xét nghiệm sinh học phân tử (PCR hoặc tương đương) với các bệnh phẩm dịch hầu họng (giai đoạn khởi phát), dịch nốt phỏng (giai đoạn toàn phát) đối với ca bệnh nghi ngờ để xác định căn nguyên theo quy định của Bộ Y Tế.
Vắc-xin phòng ngừa: Vắc-xin riêng cho đậu mùa khỉ vẫn đang trong quá trình nghiên cứu điều chế. Vắc-xin đậu mùa trước đây cũng có thể phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên hiệu quả của vắc-xin đậu mùa giảm dần theo thời gian. CDC Hoa Kỳ khuyến cáo cần tiêm phòng ngay trong vòng 2 tuần kể từ khi tiếp xúc với nguồn bệnh.
Nguyên tắc điều trị: Theo Quyết định số 2099/QĐ-BYT, bệnh đậu mùa khỉ ở thể nhẹ chủ yếu điều trị triệu chứng, dinh dưỡng, cân bằng nước điện giải để nâng cao thể trạng và hỗ trợ tâm lý. Các thuốc sử dụng như hạ sốt, giảm đau, chăm sóc tổn thương da, mắt miệng. Trong bệnh viện sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu theo khuyến cáo của WHO như Tecovirimat, Cidofovir, Brincidofovir, Globulin miễn dịch tĩnh mạch. Đối tượng sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu là ở những trường hợp nặng trên bệnh nhân đặc biệt như trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch.. Tất cả đều phải tuân thủ y lệnh của bác sĩ chuyên khoa.
Các biện pháp phòng tránh:
- Người khỏe, tránh tiếp xúc với vật dụng, bề mặt có nguy cơ nhiễm vius đậu mùa khỉ như khăn trải giường, quần áo của người bị bệnh. Không tiếp xúc trực tiếp với người, động vật bị bệnh bằng giải pháp cách ly, đeo khẩu trang khi ra đường.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc với các dung dịch sát khuẩn tay sau khi tiếp xúc với người, động vật nghi ngờ nhiễm bệnh; vệ sinh răng miệng bằng nước muối sinh lý NaCl 0,9%, Chlohexidin…; vệ sinh hô hấp bằng keo ong hay các chế phẩm có Menthol, Pseudoephedrine,…
- Khi đã có mụn cần bảo vệ da bằng các thuốc bôi có chứa hoạt chất như xanh Methylen, Clotrimazol, Betamethason, Gentamicin.
- Trong bệnh viện tránh nhiễm chéo bằng việc tuân thủ các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn giữa người bệnh với thân nhân và với nhân viên y tế. Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi chăm sóc người bệnh như khẩu trang, găng tay y tế. Thực hiện cách ly, điều trị người bệnh tại cơ sở y tế.
- Các cơ sở y tế thực hiện đánh giá nguy cơ phơi nhiễm theo quy định để có biện pháp xử trí phù hợp./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/phong-tranh-benh-dau-mua-khi-a164469.html