Phòng tránh bệnh lây qua đường tình dục

Chỉ riêng Bệnh viện Da liễu TP HCM hiện trung bình mỗi ngày tiếp nhận khám gần 400 lượt các bệnh lây qua đường tình dục, tăng cả trăm ca

Đến khám ngay ngày đầu làm việc của Bệnh viện Da liễu TP HCM sau kỳ nghỉ Tết, nam thanh niên N.V.T. (20 tuổi) được các bác sĩ chẩn đoán viêm niệu đạo do lậu.

Mắc bệnh vì không có biện pháp bảo vệ

T. đến khám trong tình trạng tiết dịch niệu đạo. Khai thác bệnh sử, các bác sĩ mới biết do thời gian nghỉ Tết dài ngày anh cảm thấy cô đơn nên tìm kiếm bạn tình qua mạng. Sau khi thỏa thuận, T. và cô gái hẹn gặp nhau. Chủ quan tin bạn tình "sạch sẽ", T. không sử dụng biện pháp bảo vệ. Vài ngày sau quan hệ, anh bị đau rát khi đi tiểu và bắt đầu tiết dịch mủ.

Một trường hợp khác là nam thanh niên T.Đ.M. (30 tuổi), đến khám trong tình trạng ngứa vùng lỗ tiểu, tiểu rát buốt, tiết dịch mủ. Bệnh nhân cho biết anh đã quan hệ tình dục qua đường miệng và nghĩ rằng sẽ an toàn. Tại bệnh viện, các bác sĩ xác định bị mắc bệnh lậu anh mới tá hỏa.

BSCKII Đoàn Văn Lợi Em, Trưởng Khoa Lâm sàng 3 - Bệnh viện Da liễu TP HCM, thăm khám cho bệnh nhân

BSCKII Đoàn Văn Lợi Em, Trưởng Khoa Lâm sàng 3 - Bệnh viện Da liễu TP HCM, thăm khám cho bệnh nhân

Thống kê của Bệnh viện Da liễu cho thấy sau kỳ nghỉ Tết, số người bệnh đến khám và điều trị gia tăng. Đáng lưu ý, nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục tăng mạnh ở nam giới. Nếu trước Tết lượt bệnh nhân khám các bệnh lây qua đường tình dục khoảng 280-300 ca thì nay trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám cho gần 400 lượt, tăng khoảng hàng trăm ca.

Lý giải nguyên nhân bệnh lây truyền qua đường tình dục tăng sau Tết, BSCKII Bùi Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết Tết năm nay nghỉ kéo dài nhiều ngày, nhiều người tìm kiếm sự giải trí, thư giãn sau những ngày làm việc, học tập căng thẳng, trong đó có quan hệ tình dục. Tuy nhiên, không có biện pháp bảo vệ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh, cũng như lây truyền bệnh tình dục cho người khác. "Dự báo trong những ngày tới lượng người tới khám bệnh lây truyền qua đường tình dục sẽ tăng cao hơn" - BS Hà thông tin.

Ảnh hưởng khả năng sinh sản

ThS-BS Lê Anh Tuấn, Khoa Nam học - Bệnh viện Bình Dân (TP HCM), cho biết bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp là hội chứng tiết dịch niệu đạo. Đây là hiện tượng dịch hay mủ chảy từ lỗ niệu đạo, đồng thời còn xuất hiện các triệu chứng như tiểu buốt và khó. Kế đến là tổn thương loét ở cơ quan sinh dục hoặc loét ở hậu môn khi quan hệ đồng giới, thường gặp như giang mai, lậu... Khi nhiễm trùng niệu đạo phát triển sẽ gây ra thêm bệnh lý kèm theo như viêm tinh hoàn. Chưa kể bị ghẻ, viêm gan B, C...

"Không chỉ quan hệ đường dương vật, âm đạo mà quan hệ bằng miệng, tay cũng vẫn có khả năng nhiễm bệnh. Những bệnh lý qua đường tình dục sẽ gây tổn thương cơ quan sinh dục. Tất cả tổn thương đều có nguy cơ ảnh hưởng khả năng sinh sản khiến giảm chất lượng tinh trùng, tắc đường dẫn tinh, tắc ống dẫn trứng... Bên cạnh đó, ảnh hưởng đến tâm lý vì khi mắc bệnh nhiều người lo lắng, suy sụp, điều này cũng gián tiếp ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống" - BS Tuấn cảnh báo.

Theo BSCKII Đoàn Văn Lợi Em, Trưởng Khoa Lâm sàng 3 - Bệnh viện Da liễu TP HCM, các bệnh lây qua đường quan hệ tình dục chủ yếu điều trị triệu chứng ngoài da, khi mắc thì phải mang mầm bệnh suốt đời, hễ sức đề kháng yếu là tái phát.

Triệu chứng chung của bệnh lây truyền qua đường tình dục gồm: phụ nữ ra huyết trắng bất thường (có màu hay có mùi lạ), nam giới chảy mủ hoặc ra dịch đục ở đầu dương vật và thường kèm theo tiểu rát, buốt. Ngoài ra, nữ giới hay ra huyết giữa kỳ kinh hoặc nhìn thấy máu sau khi quan hệ tình dục. Bên cạnh đó, các vết lở loét hay mụn nước xuất hiện ở bộ phận sinh dục, sưng tấy và đau ở vùng sinh dục, nổi các nốt chồi sùi, u nhú vùng sinh dục...

Các chuyên gia cảnh báo bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể dẫn đến những biến chứng và gây hậu quả nghiêm trọng như: viêm vùng chậu, vô sinh, thai ngoài tử cung, tổn thương cơ quan nội tạng, ung thư cơ quan sinh dục, thậm chí gây tử vong…

BS Lợi Em nhấn mạnh không phải bệnh lây truyền qua đường tình dục nào cũng có thể điều trị khỏi. Chẳng hạn, với viêm gan siêu vi B, Herpes và nhiễm HIV, hiện nay chỉ có thuốc ức chế, kìm hãm, không cho virus phát triển chứ chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn. Còn đối với bệnh giang mai, lậu, sùi mào gà, hạ cam mềm…, cần phát hiện sớm và điều trị đúng để tránh các biến chứng về sau. Lưu ý, cả bạn tình cũng cần được thăm khám, điều trị để tránh lây nhiễm và mắc bệnh trở lại.

Để phòng ngừa bệnh lây truyền qua được tình dục cần giữ lối sống chung thủy, một vợ một chồng. Không quan hệ tình dục với nhiều người. Nếu có quan hệ tình dục với người mới, cần tìm hiểu và thảo luận cởi mở về lịch sử tình dục trước khi tham gia vào bất kỳ hoạt động tình dục nào. Sử dụng bao cao su cho mỗi lần quan hệ tình dục. Tránh các hành vi tình dục rủi ro cao gây tổn thương da và niêm mạc vì nguy cơ mắc bệnh lây truyền cao hơn. Chủ động tiêm ngừa các vắc-xin phòng ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục như ngừa HPV, viêm gan B. Chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ để được tầm soát, phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời.

Thời gian ủ bệnh lâu

Theo ThS-BS Lê Anh Tuấn, Khoa Nam học - Bệnh viện Bình Dân, các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thời gian ủ bệnh và phát hiện khác nhau. Đối với bệnh lậu, Chlamydia, trung bình 2 tuần sau khi quan hệ tình dục không an toàn. Giang mai thời gian ủ bệnh đến phát bệnh có thể kéo dài từ 3 tháng. Một số bệnh như viêm gan B, C... nhiễm rất lâu mới có triệu chứng.

Bài và ảnh: HẢI YẾN -

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phong-tranh-benh-lay-qua-duong-tinh-duc-196240221210352333.htm