Phòng tránh cận thị cho học sinh

Theo những tài liệu đã công bố gần đây của các cơ quan chức năng, cận thị hiện đang là một bệnh phổ biến đáng lo ngại trong học sinh ở nước ta. Khám mắt cho 1.000 học sinh thì khoảng 400 em bị cận thị. Nhiều em cận thị nặng, 5 đến 6 đi ốp trở lên, hầu hết đều mắc bệnh trong quá trình học tập. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do lớp học thiếu ánh sáng.

 Bố trí ánh sáng lớp học hợp lý góp phần phòng tránh cận thị cho học sinh -Ảnh: MAI LÂM

Bố trí ánh sáng lớp học hợp lý góp phần phòng tránh cận thị cho học sinh -Ảnh: MAI LÂM

Qua số liệu quan trắc tại một số trường phổ thông, ít nhiều chúng tôi đều thấy bộc lộ những nhược điểm, như: Sự phân bố ánh sáng tự nhiên trong phòng không đều, mảng tường giữa các cửa sổ lớn, vị trí cửa sổ quá cao và chiều sâu phòng học lớn trong điều kiện chiếu sáng một bên... Đối với những ngôi trường cũ, kết cấu trần nặng nề, phòng lại nhiều cột và thường có một số vị trí bị tối. Việc cải tạo để khắc phục các nhược điểm này ít được quan tâm.

Ở các trường học mới xây dựng, độ rọi đồng đều hơn do vị trí và hình thức cửa sổ được bố trí hợp lý, kết cấu trần, sàn cũng đơn giản, gọn gàng hơn. Tại các vị trí quan trọng trong lớp học như bảng, bàn giáo viên, bàn học sinh, nói chung đều đạt tiêu chuẩn ánh sáng tự nhiên. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào một số chỉ tiêu khác thì vẫn còn chưa đạt, ví dụ như độ chói ở các bề mặt. Đây là tiêu chuẩn mà nước ngoài đã có quy định chi tiết đến từng bề mặt bên trong lớp học, thậm chí đến bề mặt các đồ vật trong phòng. Chẳng hạn ở Anh, quy định hệ số phản xạ của trần là 0,80 - 0,85, của phần tường trên bảng là 0,40 - 0,70, bàn giáo viên 0,35 - 0,50, bàn học sinh 0,30 - 0,40, bảng 0,15 - 0,20...

Việc giải quyết màu sắc trong lớp học một cách chi tiết đến từng vị trí, từng mảng tường sẽ tạo được ánh sáng phản xạ thích hợp, bảo đảm cho học sinh nhìn rõ bảng, rõ vở, không bị chói lóa... để bảo vệ mắt và còn gây được tâm lý bình tĩnh, tự tin trong quá trình học tập ở trên lớp. Trong thực tế, chúng ta có thể bảo đảm được yêu cầu trên bằng cách chọn lựa vật liệu có màu sắc thích hợp. Nhưng việc sử dụng màu sắc và vật liệu trát, ốp bề mặt bên trong lớp học ở ta hiện nay còn quá đơn giản.

Cũng trên quan điểm ánh sáng và màu sắc, thuật ngữ “bảng đen” chỉ còn mang tính ước lệ. Hiện nay trên thế giới, hầu như các trường không dùng bảng đen mà dùng bảng màu xanh lá cây, vì màu đen cho hệ số phản xạ thấp (dưới 0,1) nên tỉ lệ độ chói giữa mảng tường cạnh bảng với nền bảng và chữ viết (phấn trắng) quá lớn. Học sinh khi phải nhìn lâu hàng giờ sẽ bị chói và chống mỏi mắt. Việc sử dụng màu sắc bàn học cũng có tầm quan trọng. Dùng bàn gỗ mộc hoặc có màu sáng như hầu hết các trường học hiện nay, không bảo đảm được tỉ lệ cần thiết giữa độ chói sách vở với độ chói mặt bàn.

Để phòng tránh cận thị cho trẻ, các trường học nên có một số điều chỉnh sau: Tăng thêm chiều cao phòng học (để 3,3 m là thấp, ít có tác dụng cho chiếu sáng sâu vào khoảng giữa lớp); không để khoảng tường giữa các ô cửa sổ quá lớn như hiện nay (nên làm dãy ô cửa sổ chạy dọc hai bên tường). Các lớp học nên thiết kế theo phương án hành lang hai bên, hoặc phần ô văng che chắn cửa sổ ở phía không có hành lang cần phải kéo ra thêm 1 m (để tránh chói lóa cho hai dãy bàn học sinh kê sát tường). Không nên chia cấp học đơn thuần về mặt quản lý mà phải chia theo các tiêu chí đồng bộ về cơ sở trường, lớp và chú trọng hơn nữa vào thiết kế và sản xuất bàn ghế cho phù hợp với cơ thể học sinh theo từng lứa tuổi.

Thay đổi hoàn toàn tập quán dùng bảng đen phấn trắng sang sử dụng bảng màu xanh lá cây đồng loạt là phù hợp với điều kiện, tiện nghi thị giác. Kết hợp việc trồng cây che nắng ở sân trường với việc lấy ánh sáng vào lớp học một cách hợp lý (chẳng hạn chọn giống cây như bàng, có tán rộng xanh mát về mùa hè, mùa đông rụng lá để không ảnh hưởng việc lấy ánh sáng vào các phòng học). Cùng với các yếu tố về màu sắc thì hình dáng phòng học, cụ thể là tỉ lệ giữa chiều dài (chiều sâu) và chiều rộng, có một ý nghĩa khá quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng chiếu sáng tự nhiên. Tỉ lệ này (khi tường và trần của lớp học quét màu sáng) tốt nhất là 1,5: 1; tương ứng với diện tích cửa sổ để lấy ánh sáng so với diện tích sàn là 1:5.

Thạch Bích Ngọc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=169295&title=phong-tranh-can-thi-cho-hoc-sinh