Phòng tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế
Quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng cùng với việc tham gia ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do mang đến cho hàng hóa Việt Nam nhiều cơ hội lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, tranh chấp và gian lận thương mại là một vấn đề tồn tại trong giao dịch thương mại quốc tế mà các doanh nghiệp xuất khẩu luôn phải đề phòng.
Trên thực tế, không ít doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối diện với tình trạng bị lừa gạt, chịu thiệt hại về tài sản, hàng hóa. Tình trạng lừa đảo qua mạng không chỉ diễn ra ở khu vực Trung Đông, châu Phi mà ngày càng phổ biến và diễn ra ngay cả tại các thị trường lớn, có uy tín, mức độ rủi ro thấp như Mỹ, châu Âu...
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương cho biết, các lừa đảo và tranh chấp mà doanh nghiệp thường phải đối mặt là do không có điều kiện kiểm tra kỹ lưỡng về đối tác, lựa chọn phương thức thanh toán chưa phù hợp, có thể từ những gài cắm đầy tính toán từ đối tác trong hợp đồng mà doanh nghiệp Việt Nam vốn chưa có nhiều kinh nghiệm để có thể phát hiện ra. Bên cạnh đó, dù nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đứng hàng đầu thế giới nhưng đa phần các doanh nghiệp Việt Nam lại là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất thiếu kinh nghiệm về tranh chấp thương mại quốc tế. Hơn nữa, doanh nghiệp Việt Nam đã quá tin tưởng vào người môi giới.
Hiện nay, nhiều hợp đồng do người môi giới soạn thảo rất đơn giản, thiếu nhiều điều khoản quan trọng nhưng doanh nghiệp vẫn chấp nhận. Đáng e ngại hơn, doanh nghiệp cũng đã bỏ qua khâu kiểm tra đối tác trong khi đây là một yêu cầu bắt buộc khi giao dịch với đối tác mới. Vì thế, doanh nghiệp không nhận biết được những dấu hiệu rủi ro.
Đơn cử như tại thị trường Italy, bà Dương Phương Thảo, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Italy thông tin: Tình trạng lừa đảo diễn ra nhiều hình thức, với cả xuất khẩu và nhập khẩu. Hình thức lừa đảo phổ biến, gồm: Người mua phối hợp với đối tượng lừa đảo làm giả chứng từ chiếm đoạt giấy tờ gốc để chiếm đoạt hàng; doanh nghiệp Việt Nam mua hàng đã đặt cọc nhưng đối tác không giao hàng; công ty đối tác không giao hàng hoặc giao hàng không đạt tiêu chuẩn; hợp đồng ký cực kỳ sơ sài, đối tác không tuân thủ điều khoản.
Đại diện các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đều khuyến nghị doanh nghiệp soạn thảo hợp đồng chặt chẽ; cân nhắc sử dụng công ty tư vấn chuyên ngành để bảo đảm an toàn trong giao dịch. Liên quan đến môi giới, khi ký hợp đồng với môi giới cần làm rõ điều khoản về chi phí thu hồi tiền hàng, trách nhiệm xác định danh tính của người mua và không nên sử dụng hợp đồng môi giới soạn sẵn hoặc bên môi giới cung cấp.
Để hạn chế rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế, thời gian qua, Bộ Công Thương đã nhiều lần cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch với các doanh nghiệp nước ngoài cần phải thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để bảo đảm an toàn nhất. Các doanh nghiệp nên trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu rõ, nắm vững nội dung các điều khoản của hợp đồng, nghĩa vụ của mỗi bên, những trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường...
Theo ông Hoàng Minh Chiến, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất, nhập khẩu, Bộ Công Thương đề nghị các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục chủ động nắm bắt, cập nhật, chia sẻ các tình huống gian lận, lừa đảo thương mại; phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, các Vụ Thị trường và các đơn vị liên quan để cung cấp hiệp hội, doanh nghiệp tham khảo, đúc rút kinh nghiệm. Bộ Công Thương yêu cầu Vụ Thị trường ngoài nước, Cục Xuất nhập khẩu và Cục Phòng vệ thương mại phối hợp với hệ thống thương vụ hướng dẫn và hỗ trợ tối đa các hiệp hội, doanh nghiệp trong xử lý các vấn đề tranh chấp thương mại, lừa đảo.
KHÁNH AN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.