Phòng tránh nguy cơ tử vong do ngộ độc nấm

Qua thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), từ năm 2014 - 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc, làm 35 người mắc, 2 người tử vong. Gần đây nhất, vào tháng 5/2019, tại xóm Diều Bồ, xã Tân Minh (Đà Bắc) xảy ra 1 vụ, 3 trường hợp mắc ngộ độc nấm. Mặc dù trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều cảnh báo về nguy cơ tử vong do ngộ độc nấm, nhưng một bộ phận người dân vùng núi của tỉnh như Đà Bắc, Mai Châu, Lạc Sơn, ân Lạc... vẫn giữ thói quen đi rừng, hái nấm tự nhiên về ăn.

Kết quả nghiên cứu của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, tỷ lệ tử vong do ngộ độc nấm rất cao (trên 50%), thậm chí có những vụ sau khi ăn phải nấm độc, cả nhà đều tử vong. Nguy hiểm là vậy, nhưng người dân chưa có kiến thức phân biệt nấm lành và nấm độc. Nấm độc tự nhiên thường mọc nhiều vào mùa xuân hè, gồm nhiều loài khác nhau, và rất khó phân biệt loại nấm không chứa độc tố (có thể ăn được), với loại nấm chứa độc tố có thể gây chết người khi ăn phải. Vì vậy, để an toàn, người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng đã biết chắc chắn chủng loại, nguồn gốc nấm. Tuyệt đối không thu hái, chế biến và ăn nấm lạ, nấm hoang dại, kể cả nấm màu trắng, có đủ các phần của thể quả (mũ, phiến, cuống, vòng cuống, bao gốc). Lưu ý, những loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc. Ngoài ra, ngay cả với loại nấm ăn được cũng nên sử dụng khi còn tươi, tránh để ôi thiu, dập nát, có thể hình thành độc tố mới gây độc.

Theo đồng chí Bùi Quang Huấn, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, vấn đề nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong phòng tránh nguy cơ ngộ độc do nấm độc cần được đẩy mạnh. Chi cục ATVSTP vừa có Công văn số 62/ATTP-NV, ngày 5/5/2020 về việc tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc do nấm độc. Theo đó, đề nghị Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường thông tin, tuyên truyền phòng, chống ngộ độc do nấm độc đến tận hộ gia đình, những người ở trên nương rẫy, ở sâu trong rừng, đồng bào dân tộc thiểu số, kết hợp tuyên truyền cho học sinh ở các trường học. Trường hợp nghi ngờ ngộ độc do ăn phải nấm độc, hoặc xuất hiện các triệu chứng ngộ độc liên quan đến việc ăn nấm, phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Các Trung tâm Y tế huyện, thành phố đẩy mạnh công tác giám sát ca bệnh, nguy cơ do ngộ độc nấm để phát hiện sớm, triển khai kịp thời các biện pháp dự phòng ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng. Chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lượng, phương tiện, vật tư, thuốc, hóa chất để kịp thời cấp cứu, điều trị bệnh nhân, và khắc phục giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc do nấm độc xảy ra, đặc biệt chú ý các biện pháp sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời. Căn cứ tình hình thực thế địa phương để đề xuất tổ chức, triển khai lớp tập huấn về ngộ độc thực phẩm do động vật, thực vật độc.

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/219/141491/phong-tranh-nguy-co-tu-v111ng-do-ngo-doc-nam.htm