Phòng, tránh suy dinh dưỡng béo phì và thừa cân ở trẻ
Hưởng ứng tuần lễ: “Dinh dưỡng và phát triển” từ ngày 16 – 23.10.2022
Suy dinh dưỡng thể béo phì và thừa cân hiện nay là vấn đề phổ biến ở các vùng đô thị và nông thôn. Vì vậy, cần có dự phòng thừa cân và béo phì một cách chủ động thông qua các hoạt động giáo dục, tư vấn và hướng dẫn ăn uống.
Theo số liệu điều tra của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể béo phì và thừa cân ở trẻ em trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng cao trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2020 tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể béo phì và thừa cân chiếm 10,8%, năm 2021 chiếm 9,5% trong số trẻ dưới 5 tuổi. Theo bác sĩ Phạm Thị Phương, Trưởng khoa Dinh dưỡng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), nếu như trước đây chủ yếu là suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân, thì hiện nay suy dinh dưỡng thể béo phì và thừa cân trở thành gánh nặng dinh dưỡng không kém phần phức tạp và nan giải. Trẻ em béo phì và thừa cân có nguy cơ mắc nhiều bệnh, đặc biệt bệnh mãn tính khi ở tuổi trưởng thành hoặc dễ tiến triển nặng khi mắc bệnh.
Qua kết quả giám sát dinh dưỡng tại cơ sở của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho thấy, các gia đình đều quan tâm chăm sóc trẻ, nhưng nhiều gia đình chăm sóc chưa thực sự đúng cách, nghiêng về các thực phẩm giàu chất đạm trong khẩu phần ăn của trẻ dẫn đến thiếu hụt vi chất do không cân đối. Chị Nguyễn Thị Thu ở phường Hiến Nam (thành phố Hưng Yên) cho biết, “con tôi rất thích ăn các món rán, uống nước có ga. Hiện nay có nhiều thực phẩm chế biến sẵn mà trẻ rất thích, dễ mua, có thể ăn bất cứ lúc nào, như: Gà rán, xúc xích, thịt nướng, trà sữa, các loại nước có ga, bánh kẹo… Tôi thường chiều theo sở thích của con nên cũng ít ép ăn rau, củ”. Nhiều người vẫn giữ quan niệm béo là khỏe, muốn con cháu phải bụ bẫm. Theo bà Trần Thị Tình, ở xã Thiện Phiến (Tiên Lữ), trẻ phải được ăn nhiều thịt, cá thì mới to khỏe, béo tốt. Vì vậy, trong bữa ăn, bà Tình ép cháu ăn thịt, cá hơn mà ít khuyến khích ăn, rau, củ, quả. Bác sĩ Phạm Thị Phương giải thích, trẻ béo phì và thừa cân dễ bị thiếu hụt can xi là vì khi ăn nhiều thịt, thận phải làm việc nhiều, như vậy sẽ đào thải nhiều can xi. Nhiều phụ huynh lầm tưởng chỉ những trẻ gầy còm mới biếng ăn mới là suy dinh dưỡng mà chưa hiểu được béo phì và thừa cân cũng là một thể suy dinh dưỡng. Trẻ béo phì thường chỉ thích ăn nhiều thực phẩm giàu năng lượng (chất béo, chất đường, tinh bột, đạm). Ngược lại, những trẻ này ít thích ăn các thực phẩm giàu vi chất quan trọng như sắt, kẽm, can xi, phốt pho, các vitamin và khoáng vi lượng... Hậu quả là cơ thể trẻ bị thừa năng lượng dẫn đến béo phì nhưng lại thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu, gọi là suy dinh dưỡng thể ẩn. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nguyên nhân dẫn đến trẻ béo phì, thừa cân do gen di truyền chiếm khoảng 23%, còn lại do các nguyên nhân về chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, hợp lý; thiếu hoạt động thể chất; một số rối loạn gen hiếm gặp gây béo phì nghiêm trọng ở trẻ...Để phòng, tránh béo phì, thừa cân cho trẻ, theo bác sĩ Phạm Thị Phương, cần cho trẻ ăn cân đối, đa dạng các loại thực phẩm, tăng cường ăn cá, hải sản; ăn nhiều rau xanh và hoa quả ít ngọt; giảm bớt gạo, thay bằng khoai, ngô là những thức ăn cơ bản giàu chất xơ; nên uống sữa không đường hoặc ít đường; hạn chế các món rán, xào, nên ưu tiên các món luộc, hấp, kho; ăn đều đặn, đúng giờ, ăn đủ 3 bữa, nên cho trẻ ăn trước 20 giờ; không uống các loại nước ngọt đóng chai, nước ngọt có ga, hạn chế các loại bánh kẹo, đường mật, kem; tăng cường vận động thể lực, hạn chế ngồi lâu một chỗ; theo dõi cân nặng và chiều cao định kỳ của trẻ; cho trẻ ngủ sớm (nên ngủ trước 22 giờ) và ngủ đủ giấc…