Phòng tránh vấn nạn quấy rối tình dục, làm gì để không 'rối'?

Thực tế đã và đang cho thấy, các nạn nhân bị quấy rối tình dục (QRTD) gần như không có sự phản kháng hoặc có sự phản kháng yếu ớt. Điều này làm cho những kẻ quấy rối tiếp tục các trò đùa vô văn hóa của mình mà không nghĩ rằng đó là hành vi trái đạo đức, thậm chí trái pháp luật.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tháng 5/2023, Tổ chức Action Aid đã công bố một nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam từng bị QRTD từ lời nói khiếm nhã cho đến hiếp dâm là 87%, con số này thậm chí còn cao hơn Ấn Độ, Campuchia và Bangladesh. Ở một quốc gia luôn đề cao và trân trọng giá trị truyền thống như Việt Nam thì con số trên phản ánh một thực tế đáng buồn.

Tỷ lệ phụ nữ Việt Nam từng bị QRTD từ lời nói khiếm nhã cho đến hiếp dâm là 87%, theo Tổ chức Action Aid

Tỷ lệ phụ nữ Việt Nam từng bị QRTD từ lời nói khiếm nhã cho đến hiếp dâm là 87%, theo Tổ chức Action Aid

Và đáng buồn, cũng như lo ngại hơn nữa khi các nạn nhân bị QRTD gần như không có sự phản kháng hoặc có sự phản kháng yếu ớt. Theo thống kê, chỉ hơn 20% số người bị QRTD có phản ứng và 1,5% nói với gia đình, bạn bè, 11% báo với người thẩm quyền còn lại lựa chọn im lặng. Điều này làm cho những kẻ quấy rối tiếp tục các trò đùa vô văn hóa của mình mà không nghĩ rằng đó là hành vi trái đạo đức, thậm chí trái pháp luật.

Trong khi đó hành lang pháp lý ở Việt Nam có đủ các quy định để nghiêm trị các hành vi này. Khoản 9, Điều 3, Bộ luật Lao động 2019; Điều 84 Nghị định 145/NĐ-CP năm 2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động đã quy định rõ, QRTD tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận.

QRTD ngoài xã hội, trong đó có quấy rối tình dục trên không gian mạng thì hiện tại Việt Nam và trên thế giới chưa có khái niệm hay định nghĩa cụ thể. Nhưng dù là hình thức nào thì các hành vi QRTD vẫn luôn khiến các nạn nhân bị tổn thương, ám ảnh và gây ra nhiều hệ lụy. Do đó, cần có các động thái để giúp nạn nhân hiểu biết và nhận thức được về những điều nên làm và cách thức ứng phó khi đối mặt với tình huống QRTD.

Trong thời gian vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) đã tổ chức chuỗi thảo luận trực tuyến “Rối và Gỡ” – một không gian thảo luận cởi mở và tôn trọng nhằm cung cấp các kiến thức và thông tin cần thiết về vấn đề QRTD. Tiếp nối, vào lúc 14h ngày 8/5/2024 (thứ tư), buổi thảo luận thứ 2 với chủ đề “Bị quấy, làm gì để không rối” sẽ được tổ chức với link đăng ký tham gia: https://forms.gle/up6cMrLeDmGVKa1f8.

Theo bà Nguyễn Thu Thúy, chuyên gia về giới CSAGA và cũng là người điều hành buổi thảo luận, với chủ đề “Bị quấy, làm gì để không rối”, buổi thảo luận sẽ là cơ hội lắng nghe chia sẻ của chuyên gia về cách nhận biết hành vi QRTD; có thông tin và kỹ năng để ứng phó khi đối mặt với tình huống QRTD; xây dựng kỹ năng tự bảo vệ bản thân khỏi các hành vi QRTD, để từ đó hình thành những điều nên làm và cách thức ứng phó khi đối mặt với tình huống QRTD. Để bảo mật danh tính và sự riêng tư, người tham gia có thể sử dụng biệt danh thay cho tên thật, theo bà Thúy.

Ngoài buổi thảo luận trên, chuỗi thảo luận trực tuyến “Rối và Gỡ” của CSAGA còn bao gồm các chủ đề thú vị khác như: Gỡ “rối” cùng con giúp các bậc cha mẹ đồng hành cùng con, giúp con nhận biết và phòng tránh QRTD, diễn ra vào- ngày 17/5/2024; Thấy “quấy” - làm gì để gỡ “rối” cung cấp những kiến thức và kỹ năng cần thiết để xử lý và hỗ trợ khi chứng kiến tình huống QRTD, diễn ra vào ngày 24/5/2024; Quy trình gỡ “rối” trong công sở là buổi thảo luận về các nguyên tắc và quy trình xử lý vụ việc QRTD tại nơi làm việc, diễn ra vào ngày 31/5/2024.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/phong-tranh-van-nan-quay-roi-tinh-duc-lam-gi-de-khong-roi-post511600.html