Phong trào 'Bình dân học vụ số' sẽ được dẫn dắt bởi lợi ích mà công nghệ số mang lại

Ông Nguyễn Nhật Quang, Hội đồng Sáng lập VINASA - Hiệp hội phần mềm và Công nghệ thông tin Việt Nam nhìn nhận, 'Bình dân học vụ số' sẽ được dẫn dắt bởi lợi ích mà công nghệ số mang lại. Do đó về phía doanh nghiệp, muốn phục vụ cho toàn dân thì chắc chắn phải tạo ra các hệ thống, công cụ thuận tiện, dễ sử dụng và mang lại lợi ích cho người dân.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, ông Nguyễn Nhật Quang, Hội đồng Sáng lập VINASA - Hiệp hội phần mềm và Công nghệ thông tin Việt Nam đã đề xuất nhiều giải pháp để có thể triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” hiệu quả, sâu rộng.

Cần triển khai toàn dân, toàn diện phong trào “Bình dân học vụ số”

- Thưa ông Nguyễn Nhật Quang, ông có thể chia sẻ về tầm quan trọng của phong trào “Bình dân học vụ số” trong việc nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số nói chung và AI nói riêng?

Ông Nguyễn Nhật Quang: Bối cảnh, xu hướng chung trên toàn cầu hiện nay là về số hóa hay chuyển đổi số, hình thành môi trường số. Rất nhiều hoạt động của chính quyền, doanh nghiệp, người dân chuyển sang môi trường số. Nếu người dân không thích nghi được với môi trường số đó, không được trang bị năng lực số (gồm nhận thức, kiến thức, kỹ năng số) phù hợp để kết nối được trên môi trường số thì sẽ bị bỏ lại phía sau - điều này không đúng với đường lối phát triển của chúng ta. Do đó, phải cấp tốc triển khai bình dân học vụ số.

Trước khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia thì ngày 2.9.2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.

 Ông Nguyễn Nhật Quang, Hội đồng Sáng lập VINASA - Hiệp hội phần mềm và Công nghệ thông tin Việt Nam. Ảnh: Duy Thông

Ông Nguyễn Nhật Quang, Hội đồng Sáng lập VINASA - Hiệp hội phần mềm và Công nghệ thông tin Việt Nam. Ảnh: Duy Thông

Có thể nói, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là phương thức chính để đất nước ta phát triển, đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Để làm được việc này, chúng ta triển khai xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên, nếu người dân không có năng lực số phù hợp sẽ không thể tham gia xây dựng chính quyền số, không tham gia được vào nền kinh tế số, xã hội số. Như vậy, chuyển đổi số cũng không thành công.

Chuyển đổi số lấy người dân làm trung tâm, đồng thời cũng xác định người dân là chủ thể chính thực hiện cuộc cách mạng về chuyển đổi số. Vì vậy, việc phổ cập kiến thức, kỹ năng, thái độ hay nhận thức cho toàn dân về công nghệ số nói chung, công nghệ AI và những công nghệ khác là cực kỳ cấp thiết và quan trọng.

Nếu nhìn lại năm 1945, phong trào “Bình dân học vụ” hướng tới mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt vùng miền. Vậy với phong trào “Bình dân học vụ số”, chúng ta cũng phải triển khai toàn dân, toàn diện.

Khởi đầu là “Bình dân học vụ số”, nhưng đích đến cần xây dựng được xã hội học tập

- Thưa ông, việc phổ cập AI cho đại chúng là một thách thức lớn, đặc biệt là với những người chưa từng có cơ hội tiếp cận công nghệ số. Theo ông, phong trào “Bình dân học vụ số” sẽ có những tác động gì đối với việc xây dựng một xã hội số có khả năng ứng dụng AI một cách rộng rãi?

Ông Nguyễn Nhật Quang: Khi triển khai “Bình dân học vụ số” trên toàn dân, chúng ta cần học hỏi từ kinh nghiệm của phong trào “Bình dân học vụ” trước đây.

Thời “Bình dân học vụ”, ngân quỹ chỉ có thể chi trả lương được tối đa 1.000 giáo viên, trong khi số giáo viên cần thiết tối thiểu là 100.000. Vì vậy, phần nhiều giáo viên đi dạy lúc bấy giờ đều không nhận lương. Chúng ta cũng áp dụng cách “người biết một chữ dạy cho người biết nửa chữ”, tức là toàn dân đi học nhưng cũng là toàn dân đi dạy, người đã biết dạy cho người chưa biết. Nếu nhất định phải là giáo viên, phải có chứng chỉ học hàm, học vị mới được đi dạy thì sẽ không thể trở thành phong trào, cách mạng toàn dân.

Với phong trào “Bình dân học vụ số” hiện nay tại Việt Nam, nhiều nơi đã triển khai tổ chuyển đổi số cộng đồng, dựa trên đoàn thanh niên, học sinh, sinh viên đi dạy cho cộng đồng dân cư; trong từng gia đình thì con cái dạy cho cha mẹ, ông bà. Tôi cho rằng đây cũng là một sáng kiến rất hay. Thanh niên thường tiếp cận công nghệ số nhanh hơn; học sinh cấp hai, cấp ba đã bắt đầu sử dụng máy tính thành thạo thì có thể đi dạy cho ông bà, cha mẹ.

Trên thực tế, đã có nhiều sáng kiến triển khai ngay trước khi chúng ta chính thức đặt ra phong trào “Bình dân học vụ số”. Tới nay, khi Đảng đặt ra việc phát động phong trào thì cần hệ thống hóa và triển khai ở quy mô lớn hơn, nhân rộng từ các sáng kiến của địa phương để trở thành phong trào toàn quốc. Rõ ràng, mọi miền đều phải có “Bình dân học vụ số”.

Thời xưa, người dân sáng tạo ra những cách khác nhau, khá bình dân và dễ hiểu để học chữ, như: "o" tròn như quả trứng gà, "ô" thì đội mũ "ơ" thì thêm râu. Ngày nay khi áp dụng với “Bình dân học vụ số”, nếu chúng ta mời một giáo sư đến dạy năng lực số cho bà con ở vùng sâu, vùng xa, đôi khi họ có thể thấy khó để hiểu được. Nhưng bằng cách người dân dạy người dân, người học được một chút dạy cho người chưa biết thì nhân dân sẽ sáng tạo ra rất nhiều hình thức để dạy cho nhau về năng lực số.

 Khi triển khai “Bình dân học vụ số” trên toàn dân, cần học hỏi từ kinh nghiệm của phong trào “Bình dân học vụ” trước đây. Hình minh họa: Báo Công an Đà Nẵng

Khi triển khai “Bình dân học vụ số” trên toàn dân, cần học hỏi từ kinh nghiệm của phong trào “Bình dân học vụ” trước đây. Hình minh họa: Báo Công an Đà Nẵng

- Theo ông, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, để hiện thực hóa các mục tiêu của bình dân học vụ số, nội dung cần được thiết kế như thế nào? Đâu là yếu tố then chốt để thực hiện thành công bình dân học vụ số, vì mọi vấn đề triển khai trong thực tế đều có mặt trái, hạn chế, khó khăn và thách thức?

Ông Nguyễn Nhật Quang: Tôi muốn nhấn mạnh về những khó khăn, thách thức khi chúng ta triển khai “Bình dân học vụ số”. Thông thường, chúng ta muốn làm nhanh, quy mô rộng lớn thì phải tổ chức phong trào, phân chỉ tiêu rồi thi đua giữa các đơn vị, địa phương với nhau để đạt được chỉ tiêu đó. Tới khi đạt được chỉ tiêu, nhiều người cảm giác rằng đã hoàn thành nhiệm vụ rồi. Phong trào “Bình dân học vụ số” đương nhiên cũng nằm trong tổng thể đó.

Tuy nhiên, có một đặc điểm cần lưu ý, đó là năng lực số là khái niệm rất “động”. Có thể hôm nay kiến thức, kỹ năng này là có năng lực, nhưng một thời gian sau lại trở nên lạc hậu và lạc hậu rất nhanh, bởi lẽ các công nghệ mới ra đời liên tục, đặc biệt với công nghệ về AI.

Bản thân năng lực số phải được cập nhật liên tục, nên phong trào “Bình dân học vụ số” nếu muốn đạt được tính bền vững, muốn thật sự trở thành động lực để phát triển kinh tế xã hội của đất nước thì phải chuyển dần thành việc xây dựng một xã hội học tập nói chung. Điều này có nghĩa người dân phải ý thức được việc học liên tục thay vì học rồi, biết rồi là xong; hay các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền khi hoàn thành chỉ tiêu là hoàn thành nhiệm vụ.

Phong trào “Bình dân học vụ số” phải là quá trình liên tục, trở thành văn hóa học tập liên tục, xã hội học tập. Văn hóa học tập suốt đời phải ngấm vào từng người dân, chuyển từ phong trào ban đầu thành văn hóa. Theo tôi, đây là thách thức rất lớn.

Môi trường số nói chung, AI nói riêng là công cụ rất tốt để học tập. Trước đây, một người nông dân hiểu ruộng đất, hiểu cây cỏ của mình có thể ấm no nhưng nay không chỉ thế. Các nghề nghiệp thay đổi liên tục nên người dân cần học nhiều kiến thức, kỹ năng khác nữa. Năng lực số rất quan trọng để giúp chúng ta học nhiều kiến thức, kỹ năng khác, bởi trên môi trường số rất nhiều tri thức, là môi trường tốt nhất để tạo ra và phân phối tri thức trên quy mô lớn cho toàn dân. Do đó, câu chuyện năng lực số phải đặt trong tổng thể này, để nâng cao dân trí, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp nói chung.

Điều này đương nhiên là văn hóa học tập suốt đời và phải xây dựng thành xã hội học tập, phải trở thành hệ giá trị. Khởi đầu là “Bình dân học vụ số”, nhưng đích đến cần là xây dựng được xã hội học tập. Chúng ta phải chuyển đổi số chính hoạt động “Bình dân học vụ số”, phải dùng môi trường số, dùng MOOCs (các khóa học trực tuyến mở đại trà), các nền tảng học mở, dùng công nghệ số để dạy, để tổ chức việc học tập và trang bị năng lực số.

 Năng lực số là khái niệm rất “động”. Hình minh họa

Năng lực số là khái niệm rất “động”. Hình minh họa

Nếu có những công cụ tốt, người dân sẽ có động lực để học

- Trong phong trào "Bình dân học vụ số", mục tiêu giúp mọi người dân, từ khu vực thành thị đến nông thôn đều có thể tiếp cận và sử dụng công nghệ số rất quan trọng. Theo ông, các doanh nghiệp công nghệ thuộc VINASA có thể làm gì để đảm bảo rằng phong trào này bao quát được tất cả mọi người, đặc biệt là những đối tượng chưa từng sử dụng công nghệ số, từ đó nâng cao hiệu quả của phong trào?

Ông Nguyễn Nhật Quang: VINASA tập hợp khoảng 700 doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam hiện nay.

Tôi rất ngạc nhiên khi việc người dân, kể cả bà con vùng sâu vùng xa hay nhiều người cao tuổi 80, 90 tuổi vào mạng đọc báo hàng ngày, nhận lương hưu thông qua tài khoản ngân hàng, nhắn tin, gọi điện qua các ứng dụng,... đã trở nên rất bình thường, phổ biến. Khi chúng ta đi chợ, thậm chí mua một mớ rau, uống một cốc trà đá cũng có thể thanh toán bằng E-Banking, QR code. Như vậy, nếu các doanh nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số như chúng tôi tạo ra sản phẩm, hệ thống tốt, giao diện tốt và hữu ích thì người dân sẽ tiếp cận rất nhanh.

Ngày nay, một người bán rau không chấp nhận thanh toán bằng QR code, doanh thu chắc chắn bị giảm đi; trong khi đó những hàng bên cạnh cho thanh toán bằng QR code lại bán được. Như vậy, người dân sẽ tìm cách học ngay. Câu chuyện “Bình dân học vụ số” sẽ được dẫn dắt bởi lợi ích mà công nghệ số mang lại. Nhà bên cạnh dùng công nghệ số đem tới lợi nhuận khi kinh doanh, thì nhà bên này không cần vận động cũng sẽ tìm cách học hỏi.

Vì vậy, về phía doanh nghiệp, chúng tôi xác định khi muốn phục vụ cho toàn dân thì chắc chắn phải tạo ra các hệ thống, công cụ thuận tiện, dễ sử dụng và đặc biệt phải mang lại lợi ích cho người dân, từ đó mới giúp người dân có động lực để nâng cao năng lực số. Học sẽ mang lại lợi ích, học là tiết kiệm, học có thể kết nối khi con cháu đi làm xa. Nếu có những công cụ tốt, người ta sẽ có động lực để học.

Ngoài ra, cũng có nhiều doanh nghiệp làm công tác đào tạo, cung cấp giải pháp để trang bị kiến thức, kỹ năng về công nghệ số cho người dân trên tất cả vùng miền.

Tôi tin tưởng rằng, phong trào “Bình dân học vụ số” ra đời sẽ có tác dụng rất nhanh và lan tỏa rất nhanh.

- Trân trọng cảm ơn ông Nguyễn Nhật Quang đã chia sẻ!

Nguyễn Liên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phong-trao-binh-dan-hoc-vu-so-se-duoc-dan-dat-boi-loi-ich-ma-cong-nghe-so-mang-lai-post410818.html