Phong trào đấu tranh chính trị của thanh niên, sinh viên, học sinh nội thành Đà Lạt 1969 - 1975 (bài cuối)

Đêm 31/3/1975, vào khoảng gần nửa đêm, thành phố đang say ngủ bỗng giật mình bởi hàng loạt những tiếng nổ rung chuyển, lửa chớp sáng rực cả bầu trời Đà Lạt. Những người dân ở gần các cơ quan quân sự gọi nhau ùn ùn chạy ra phố tránh xa các căn cứ quân sự vì sợ đánh nhau.

Bài cuối: Đà Lạt khởi nghĩa

Như đã hẹn trước, chúng tôi từ một căn nhà ở đường An Dương Vương thuộc ấp Mỹ Lộc gần trường Chiến tranh Chính trị, cũng hòa vào dòng người di tản ra phố tập hợp tại nhà trọ anh Trần Đình Tài ở số 119B đường Hàm Nghi, trước cổng chùa Linh Sơn. Khi tôi và giao liên đến nơi thì Đinh Cẩn, Nguyễn Tâm Giám, Lê Ba cũng đã có mặt cùng với Trần Đình Tài, họ đang sôi nổi bàn bạc về tình hình và nhận định rằng ta đang pháo kích mở màn cho tiến công! Đến gần 2 giờ sáng, đạn pháo vẫn nổ ầm ào như một trận đánh lớn. Sát vách gỗ bên cạnh căn trọ của anh Tài là gia đình một người lính Sài Gòn, người chồng có lẽ vừa trốn khỏi đơn vị chạy về đập cửa hớt hải giục vợ con thu xếp đồ đạc “Lấy được gì thì lấy, còn lại bỏ hết, lệnh di tản ngay trong đêm nay!”, nhưng người vợ thì không muốn đi, họ cãi nhau! Lúc đó chúng tôi chỉ quan tâm đến thông tin “di tản” mà thôi, và lúc đó chúng tôi mới biết địch đốt các kho đạn để tháo chạy!

Anh em chúng tôi ra đường thì đã thấy các sắc lính, cảnh sát, công chức... với bầu đoàn thê tử, lếch thếch, lũ lượt kéo nhau chạy ra khỏi thành phố bằng đủ các loại phương tiện. Nón sắt, giày đinh, quần áo lính vung vãi khắp phố phường. Sau này được đọc bài viết của Đại tá Nguyễn Quốc Quỳnh, Giám đốc trường Chiến tranh Chính trị Đà Lạt kể lại mới biết thực ra họ có ý định di tản trước đó khoảng gần một tuần, họ thống nhất lập ra Bộ Chỉ huy hành quân gồm Thiếu tướng Lâm Quang Thơ, Giám đốc trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt làm Chỉ huy trưởng; Đại tá Nguyễn Hợp Đoàn Tỉnh, Thị trưởng Tuyên Đức - Đà Lạt và Đại tá Nguyễn Quốc Quỳnh cùng làm Chỉ huy phó, ám tín hiệu là khi có tiếng nổ ở trường Võ bị Đà Lạt và câu “Việt Cộng tấn công” trên sóng vô tuyến đó là lệnh di tản. Lúc đó lực lượng quân sự của chính quyền Sài Gòn có mặt tại Đà Lạt - Tuyên Đức kể cả các sắc lính của tỉnh và lính cũng như sinh viên sĩ quan trong các trường đại học quân sự khoảng trên dưới 2.000 quân với đầy đủ các loại vũ khí và phần lớn được đào tạo bài bản nhưng hình như họ không dám nghinh chiến và cái từ di tản chiến thuật như một loại bệnh dịch bắt đầu từ Ban Ma Thuột đã lây lan mạnh trong quân đội và chính quyền Sài Gòn ở các tỉnh! Cũng ngay trong đêm đó, Nhạn giao liên lẫn vào đoàn di tản xuôi về bàn đạp báo tin vào rừng địch đã rút chạy, anh em nội thành đang tổ chức khởi nghĩa. Sau này, khi đã vào thành, anh em trong các Đội Công tác kể lại rằng: “Chúng nó chạy ngay trước mũi súng của bọn mình, lúc ấy bọn mình đã áp sát ra đường rồi, nhưng không nổ súng vì lực lượng mình ít mà địch thì rất đông, nhưng quan trọng hơn là tránh nổ súng để giữ cho Đà Lạt không đổ nát”.

Sáng ngày 01/4/1975, chúng tôi tập hợp lực lượng tại sân trước của chùa Linh Sơn, đây là nơi hoạt động của Đoàn Sinh viên Phật tử, một tổ chức công khai hợp hiến, hợp pháp dưới chế độ Sài Gòn, nhưng đảng viên, đoàn viên của ta đã thâm nhập nắm và điều hành từ nhiều năm. Đoàn Sinh viên Phật tử Đà Lạt thường lấy nơi đây để tổ chức những đêm không ngủ và làm căn cứ để tổ chức các đợt xuống đường tranh đấu! Theo quy ước, sáng hôm đó toàn bộ anh em đảng viên, đoàn viên và những sinh viên, học sinh, những thanh niên cảm tình cách mạng, tích cực từ các phong trào đấu tranh trước đây đều có mặt. Anh Đinh Cẩn, quê Đà Nẵng, sinh viên Văn khoa năm tư, thành viên nhóm bí mật nội thành đã cùng với anh Sáu đưa gần một trung đội nhân dân tự vệ ấp Mỹ Lộc đã được chọn và chuẩn bị từ trước với đầy đủ vũ khí đến nhận nhiệm vụ. Anh Sáu là một thợ sửa chữa ô-tô là cơ sở cách mạng được cài cắm làm Liên toán trưởng Nhân dân Tự vệ ấp Mỹ Lộc, anh đã được huấn luyện quân sự khá bài bản ở quân trường của chế độ Sài Gòn. Anh Nguyễn Bạn đưa đến khoảng mười anh em nhân dân tự vệ khóm Mỹ Thành cũng là những cảm tình cách mạng chuẩn bị trước đến tập hợp trong đội quân mới lập gọi tên là TỰ VỆ THÀNH (tên gọi mà Đài Giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam thường nêu chỉ lực lượng nổi dậy ở các thành phố) có khoảng trên sáu mươi tay súng chia làm 2 trung đội. Giao cho anh Sáu và anh Nguyễn Tâm Giám mỗi người phụ trách một trung đội, anh Giám bố trí các tiểu đội đi chốt giữ các điểm ở trung tâm thành phố, anh trực tiếp đi kiểm tra và thường dẫn quân nổ súng xua đuổi những kẻ nhặt súng đi trộm cướp ở khu chợ.

Anh Nguyễn Tâm Giám quê Sông Cầu, Phú Yên. Năm 1968 sau khi thi đậu tú tài một thì trúng tuổi quân dịch, anh bị đưa đi huấn luyện ở trường sĩ quan Thủ Đức, ra trường một thời gian ngắn anh đào ngũ dùng giấy tờ với tên khác lên Đà Lạt thi đậu tú tài toàn phần rồi vào học Đại học Văn khoa Đà Lạt, tham gia hoạt động cách mạng bí mật nội thành với bí số B9, bí danh Thuần. Trung đội của anh Sáu có nhiệm vụ cơ động được sử dụng chiếc xe jeep đi tuần tra. Anh Sáu và anh Giám đã làm rất tốt công tác chỉ huy Tự vệ thành trong những ngày này. Chị Lê Thị Quyền, sinh viên năm thứ tư Khoa Hóa (bí số A1- bí danh Sáu), anh Trần Văn Cơ, anh Nguyễn Quang Nhàn trong tổ tuyên truyền đã dùng bộ âm thanh của Đoàn Sinh viên Phật tử Đà Lạt treo loa lên hiên chùa, phát đi tiếng nói của lực lượng bảo vệ thành phố kêu gọi đồng bào bình tĩnh, không nghe theo kẻ xấu xúi giục di tản, cùng phối hợp với lực lượng gìn giữ thành phố chống cướp bóc, đốt phá, bảo vệ tính mạng và tài sản của đồng bào. Kêu gọi công chức, sĩ quan, binh lính ra trình diện và nộp vũ khí. Anh Sáu và anh Cẩn dùng xe ô tô dẫn theo vài anh em vào trường Chiến tranh chính trị lấy về một xe súng đạn trang bị cho anh em, trong đó có cả một cây đại liên M30. Chỉ trong buổi sáng ngày một tháng tư đã có rất nhiều công chức, nhân dân tự vệ đến giao nộp vũ khí và đăng ký danh sách được nửa cuốn vở học trò.

Buổi chiều ngày 01/4/1975, chúng tôi chở toàn bộ số súng đạn thu được kéo nhau ra Khu Hòa Bình. Lấy rạp Hòa Bình làm trụ sở, dùng hệ thống máy tăng âm của rạp hát và loa đã có sẵn trên nóc rạp mà trước đây địch thường dùng để phát đi tiếng còi báo giờ giới nghiêm vào lúc 10 giờ mỗi tối và báo hết giờ giới nghiêm vào lúc 5 giờ mỗi sáng, tổ phát thanh thay phiên nhau đọc các thông báo kêu gọi đồng bào không di tản, ở yên tại chỗ phối hợp cùng với lực lượng Tự vệ thành bảo vệ tài sản, tính mạng của đồng bào. Đọc lời kêu gọi sĩ quan binh lính và công chức chính quyền Sài Gòn ra trình diện và nộp vũ khí.

Tại trụ sở (rạp Hòa Bình) có một tiểu đội trực bảo vệ và làm nhiệm vụ ngồi bàn thu vũ khí và lập danh sách những người đến nộp vũ khí do anh Nguyễn Tri Diện (B71), Cao Duy Hoàng (học sinh trường Trần Hưng Đạo, tham gia bí mật năm 1973 với bí số C8), Lê Ba (sinh viên năm 2 Chính trị Kinh doanh tham gia hoạt động bí mật với bí số B5) và chị Hà Thị Thúy đảm trách. Anh Đặng Đình Mùi đứng nhiều ngày liền giữ hai phuy xăng và làm nhiệm vụ cấp xăng cho các đơn vị dùng xe jeep và xe Honda đi làm nhiệm vụ.

Cây đại liên đặt trên lầu Hòa Bình hướng xuống bờ hồ đã được chú Quảng Nhẫn lắp dây đạn bắn nổ vang trời. Một tổ được bố trí tại rạp Ngọc Lan cũng hướng mắt xuống bờ hồ. Tiểu đội do chị Nguyễn Thị Nhung phụ trách dẫn xuống giữ Nha Địa dư, chị đã gặp ông Bửu Đồng vận động và cùng ông tổ chức cho anh em công nhân bảo vệ toàn vẹn máy móc thiết bị cho đến lúc bộ đội vào nhận bàn giao; anh Đinh Cẩn (C5) dẫn tiểu đội qua giữ Trung tâm Viễn thông, Ngân khố và Tòa Hành chánh tỉnh; anh Trần Đình Tài (B7) dẫn quân qua bảo vệ Viện Pasteur và lên nổ súng đuổi đám tàn quân cướp phá ở Kho Quân cụ; anh Nguyễn Việt Cường dẫn một số anh em đến giữ Viện Nguyên tử; anh Nguyễn Bạn chốt giữ Nhà máy đèn, anh Giám đi kiểm tra các chốt và thường có mặt ở Nhà máy đèn hỗ trợ cho anh Bạn; chị Trần Thị Huệ dẫn một số anh chị em lên Bệnh viện thuyết phục y bác sĩ yên tâm làm việc bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và bộ đội nếu có người bị thương, chị đã hoàn thành nhiệm vụ rất tốt, phần lớn y bác sĩ đều sẳn sàng hợp tác (chị Huệ là sinh viên năm tư Vạn vật ngày nay gọi là Khoa sinh, là thành viên của Đội SVHS hoạt động bí mật nội thành với bí số B61). Phần lớn những nơi anh em Tự vệ thành đến chốt giữ đều gặp gỡ nói chuyện và được nhân viên và công nhân nơi đó hợp tác cùng bảo vệ cho đến khi bộ đội và các cơ quan của thị ủy vào tiếp nhận quản lý.

Anh Sáu dùng xe jeep và đơn vị cơ động đi tuần tra trên các đường phố, bố trí bảo vệ nhà máy nước và các kho gạo, các anh liên tục nổ súng đuổi những người cướp gạo, tại kho gạo ở đường Võ Tánh (Bùi Thị Xuân bây giờ), anh Sáu phải dùng đến lựu đạn cay để giải tán những người hôi gạo. Khoảng 6 giờ chiều 01/4/1975, dì Ba Lê - Thị ủy viên từ căn cứ về đã có mặt ở thành phố và triệu tập họp tại nhà anh Trần Nghĩa, anh Diện phụ trách tổ tự vệ bảo vệ cuộc họp. Buổi họp quyết định thành lập “Ủy ban Nhân dân Khởi nghĩa Đà Lạt” gồm 4 người: Nguyễn Thị Hạ (dì Ba), Trần Nghĩa, Lê Thị Quyền và Nguyễn Trọng Hoàng. Nội dung hành động là: Tiếp tục kiểm soát tình hình; kêu gọi đồng bào bình tĩnh cùng phối hợp với Ủy ban Nhân dân Khởi nghĩa giữ gìn thành phố bảo vệ tính mạng và tài sản của đồng bào; bảo vệ các cơ quan quan trọng như chỉ đạo trước đây của Thị ủy; Nhân danh Ủy ban Nhân dân khởi nghĩa Đà Lạt kêu gọi sĩ quan binh lính, công chức chế độ Sài Gòn trình diện và nộp vũ khí ủy ban sẽ bảo vệ tính mạng của các bạn, vận động bà con may cờ và treo cờ ở mỗi gia đình.

Đêm 01/4/1975, cả thành phố bị mất điện, một công nhân nhà đèn đến báo tin là có một nhóm tàn quân người thượng tấn công nhà máy điện Suối Vàng và uy hiếp nhà đèn. Chúng tôi yêu cầu anh Sáu đưa quân lên giải tỏa và phối hợp với anh em công nhân khôi phục lại hoạt động của nhà máy, đến quá nửa đêm thì thành phố có điện trở lại. Cũng vào đêm 01/4 chúng tôi kiểm tra lại thì các phường, khóm đều đã đến đăng ký danh sách và nộp vũ khí chỉ còn riêng khóm An Lạc - nơi có địa danh nổi tiếng Dốc Nhà Bò, ở đây có khoảng 30 tay súng Nhân dân Tự vệ chưa nộp vũ khí. Anh em nhận định đây là khu vực khó vì từ ấp trưởng đến đội viên Nhân dân Tự vệ đều khá cứng cỏi, lại có nhiều tay thuộc dạng anh chị. Chúng tôi họp Chi đoàn trên lầu Rạp Hòa Bình trong ánh sáng lờ mờ của trời đêm, Chi đoàn quyết định giao cho anh Giám dẫn một Tiểu đội vào gặp Ấp trưởng vừa phân tích thuyết phục vừa răn đe về trách nhiệm mà bản thân ông phải gánh chịu sau này, nếu ông chống lại yêu cầu của Ủy ban Nhân dân Khởi nghĩa Đà Lạt. Sau một đêm, đúng 8 giờ sáng ngày 02/4/1975 một trung đội của ấp An Lạc xếp hàng dọc, súng vác vai ra nộp tại Hòa Bình hết sức trật tự và nghiêm túc. Nhìn hình ảnh khá ấn tượng này, trong lòng tôi vô cùng vui vì chúng tôi đã kiểm soát được tình hình tốt hơn.

Khoảng 10 giờ sáng ngày 02/4/1975, chúng tôi quyết định treo cờ giải phóng và băng-rôn đón mừng quân giải phóng trên nóc rạp Hòa Bình. Lá cờ Mặt trận nửa xanh nửa đỏ với ngôi sao vàng là do chị Thu Uy may, chị là cơ sở cách mạng đang làm việc tại Văn phòng Air Việt Nam chi nhánh Đà Lạt. Những ngày đó chị đã tìm được vải đỏ và vải vàng nhưng không tìm mua được vải màu xanh, chị đã quyết định cắt chiếc áo dài màu thanh thiên nhân viên hàng không của chị để làm nửa xanh của lá cờ, mọi người xúc động, có người nói vui “Chị đã hóa thân chị vào lá cờ của Mặt trận Giải phóng miền Nam”, lá cờ đó hiện ở Nhà Bảo tàng tỉnh. Dải băng-rôn trải trên nền lầu một nhà của anh Mai Thái Lĩnh, do các anh Trần Văn Cơ, Hoàng Mạnh Tiến, Thái Ngô Cư dùng cọ và sơn đỏ viết “Hoan hô quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam”. Nhà chị Thu Uy và nhà anh Lĩnh liền vách nhau ở đường Duy Tân, nay là 3/2, mặt sau đi vào con hẻm nhỏ dọc theo tường rào trường Đoàn Thị Điểm. Chúng tôi đóng kín cửa trước, dùng lối đi phía sau, sử dụng 2 nhà này làm nơi hậu cần, phục vụ ăn uống, y tế, may cờ, viết biểu ngữ. Lúc này, anh Lĩnh đang ở trong căn cứ, những người em của anh đang ở Sài Gòn, chị Thu Uy giữ chìa khóa nhà anh Lĩnh, sau này mới biết anh bị vướng mìn bị thương nên sau khi tiếp quản Đà Lạt vài ngày anh em mới quay lại đón anh và Nguyễn Đông Chính về. Anh Chính cũng là một học sinh thành viên Chi đoàn nội thành thoát ly ra rừng, anh bị thương cùng lúc với anh Lĩnh. Có thể nói những ngày này nhiều người dân Đà Lạt mà chủ yếu là các chị các mẹ tiểu thương ở chợ Đà Lạt hết sức phấn chấn tự giác chở gạo, rau, cung cấp thực phẩm và tới tham gia nấu ăn phục vụ cho lực lượng khởi nghĩa giống như những năm tranh đấu của sinh viên học sinh trước đây vậy!

Giờ phút quyết định treo cờ thật xúc động! Tôi giao chú Quảng Nhẫn chạy vào nhà chị Thu Uy thông báo việc treo cờ, lập tức hàng trăm tiếng hò reo “Giải phóng, Đà Lạt giải phóng rồi!”. Đứng trên lầu Hòa Bình tôi nhìn thấy chú Quảng Nhẫn cầm lá cờ xanh đỏ sao vàng chạy trước, anh Trần Văn Cơ, anh Nguyễn Quang Nhàn kéo tấm biểu ngữ dài chạy sau và rất đông người chạy tiếp theo họ chạy như đang xung phong, vừa chạy vừa hò reo “Giải phóng... Đà Lạt giải phóng...!”. Hàng trăm người dân quanh khu Hòa Bình cùng hưởng ứng hò reo vang dậy cả trung tâm thành phố. Một số anh em Tự vệ thành bắc ghế, dựng thang, chú Quảng Nhẫn một thành viên bí mật nội thành trong bộ đồ nâu ngắn của một tu sĩ Phật Giáo, thoăn thoát trèo lên treo lá cờ trên nóc rạp Hòa Bình. Cùng lúc, anh Cơ, anh Nhàn, cũng leo lên giúp Quảng Nhẫn treo cờ đồng thời treo tấm biểu ngữ “Hoan hô quân giải phóng Miền Nam Việt Nam” bên dưới lá cờ. Từ lúc đó, cờ Mặt trận bắt đầu xuất hiện rải rác ở nhiều dãy phố.

Đến buổi chiều ngày 02/4, chúng tôi dùng xe Honda đi quan sát thấy hầu như mọi nhà đều treo cờ, có nhà treo ngược nửa xanh trên, đỏ dưới, có nhà treo cờ đỏ sao vàng, có nhà treo cờ đỏ búa liềm, thậm chí ở đường Phan Đình Phùng chúng tôi còn thấy có vài ba lá cờ ngôi sao lớn ở một góc xung quanh có mấy ngôi sao nhỏ… Có lẽ đó là mấy hiệu buôn của Hoa Kiều muốn nói lên tinh thần đồng chí đồng minh gì đó! Thôi thì lúc này đúng sai về cách treo cờ không quan trọng, quan trọng là nhân dân hưởng ứng với lá cờ treo trên nóc rạp Hòa Bình là tốt rồi! Có thể nói thành phố rợp bóng cờ vào đúng ngày 02/4/1975. Từ đó tình hình an ninh trật tự của thành phố trở nên yên bình hẳn, bọn trộm cướp cơ hội, các đám tàn quân... lặn mất, những tiếng súng bắn phá bừa bãi cũng thưa dần!

Khoảng 10 giờ sáng ngày 03/04/75 anh em chốt ở đầu thành phố chạy xe máy về báo là bộ đội đang tiến vào.

Một tay lái chiếc Honda dame, một tay cầm khẩu AR15 tôi chạy xuống bờ hồ, đến bên này đầu cầu Ông Đạo thì gặp đơn vị bộ đội đầu tiên, khoảng một trung đội đang hàng một đi rất thưa tiến vào thành phố có lẽ là lính của Quân khu 6, lúc này khoảng 10 giờ sáng ngày 03/4/1975. Người đi đầu chĩa cây K54 vào tôi yêu cầu nộp vũ khí, tôi chỉ vào băng vải đỏ trên cánh tay nói “Tự vệ thành, tự vệ thành!”, anh hỏi lại “Đúng tự vệ thành không?” và không chờ tôi trả lời anh đã nói luôn “Đưa mũi súng lên trời, không được đưa ngang!” và tôi quay lại cùng các anh lên khu trung tâm thành phố. Những tiếng reo hò đón mừng vang dậy, người dân vây quanh các anh vừa tò mò, vừa thích thú chuyện trò, hỏi thăm đủ điều! Có anh lính trẻ vác cây B40 được bà con xúm lại đông nhất quan sát hỏi han, đầy ngưỡng mộ, các anh trả lời và nói chuyện hiền khô, mọi người tỏ ra khâm phục những anh lính Việt Cộng có phong cách hiền hậu, lễ phép, thậm chí là nhút nhát trong giao tiếp, nhưng lại là những người hùng đã từng trải qua những trận đánh tóe lửa với đội quân giàu nhất thế giới, được trang bị mạnh nhất thế giới. Và họ đã chiến thắng! Một lúc sau bộ đội tiến lên Khu Hòa Bình đông hơn, một người dáng thấp đậm đeo súng ngắn bên hông, có chiến sĩ bảo vệ đi theo. Ông cố kiễng chân trên lề phố để nói chuyện với đồng bào, rất đông người vây xung quanh, bỗng một chiếc taxi lấn vào sát trước mặt ông, người lái xe bước xuống đỡ ông bước lên mui xe. Ông nói lời chào mừng đồng bào, thông báo về tin chiến thắng ở các chiến trường và tóm tắt một số chính sách của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đối với vùng mới giải phóng, ông nói giọng miền trung trọ trẹ hơi nặng. Sau này được biết đó là Thượng tá Đinh Sĩ Uẩn, Phó Chính ủy Quân khu VI.

Sáng 04/4/1975, các chú lãnh đạo Thị ủy Đà Lạt đến giới thiệu ông Nguyễn Ký là Chính trị viên Thị đội và anh Phạm Trọng Ngân, Quyền Thị đội trưởng trực tiếp điều hành công việc của chúng tôi. Nhìn đống súng đạn cao ngất xếp đầy cả dãy hành lang phía bên trong cánh cửa sắt của rạp hát, ông Ký nói: “Các cháu để súng đạn, lựu đạn, mìn... chung với nhau thế này là rất nguy hiểm, trong lúc anh em mình lại ngồi làm việc ở tầng trên, chỉ cần một tàn thuốc lá là chết hết!”. Sau đó ông giao toàn bộ số vũ khí thu được mấy ngày qua cho Quân khu 6 đem 3 xe GMC đến chở đi.

Dân miền Nam nói chung mà đặc biệt là giới trí thức, giới sinh viên học sinh ở đô thị, hầu hết đều được nghe, được biết đến tên tuổi các vị Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam; Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam; tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh quân Giải phóng Miền Nam; nữ tướng Nguyễn Thị Định, Phó Tư lệnh quân Giải phóng Miền Nam; bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam... Những tên tuổi ấy một thời được báo chí Sài Gòn, báo chí phương Tây thường xuyên nêu danh và giới trí thức ở đô thị Miền Nam nhắc đến tên với sự ngưỡng mộ những nhà trí thức yêu nước đã từ bỏ cuộc sống đô thành ra bưng biền đi kháng chiến. Những tên tuổi một thời có sức hiệu triệu lớn! Riêng cánh hoạt động nội thành chúng tôi ngưỡng mộ họ như những con người huyền thoại của cuộc kháng chiến, và không nghĩ rằng mình có ngày được gặp mặt. Nhưng sau Đà Lạt giải phóng khoảng hơn một tuần thì đoàn của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam do Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát dẫn đầu đến Đà Lạt. Anh em nội thành có người được tham dự buổi đón tiếp tại khách sạn Palace, một số anh em được Thị ủy trưng dụng tham gia bảo vệ vòng trong, anh em vô cùng phấn khởi được tiếp xúc với vị lãnh đạo cao nhất của Chính phủ Lâm thời Miền Nam, một con người luôn tươi cười với nụ cười cởi mở và thân thiện.

Sáng ngày 14/4/1975, trên một vạn người từ các khóm, ấp, khu phố với cờ, hoa trên tay kéo về sân vận động dự lễ mừng Đà Lạt giải phóng, Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát đã tham dự buổi lễ cùng đồng bào, ông đọc diễn văn chào mừng Đà Lạt giải phóng và tặng thưởng cho quân dân thành phố Đà Lạt Huân chương Thành đồng hạng nhất.

Quang cảnh cuộc mit-tinh ngày 14/4/1975 chào mừng Đà Lạt giải phóng. Ảnh: Tư liệu

Quang cảnh cuộc mit-tinh ngày 14/4/1975 chào mừng Đà Lạt giải phóng. Ảnh: Tư liệu

Trong buổi mitting mừng chiến thắng này, lá cờ mặt trận to treo trên cao và chạy dài hết cả cái phông phía sau Đoàn Chủ tịch, mọi người hướng về lá cờ mặt trận. Tốp ca 4 người gồm anh Nguyễn Quang Nhàn, Trần Văn Cơ, chị Hoàng Thị Minh và một giọng ca rất khỏe của Đài Phát thanh tỉnh từ chiến khu về. Anh Nhàn là giáo viên trường Hùng Vương, là nhạc sĩ Nguyễn Việt Quang, bí số C3, được kết nạp bí mật vào Đoàn tại nhà số 2A đường Cộng Hòa, anh Nhàn và anh Cơ là 2 cây văn nghệ nổi tiếng một thời trong phong trào sinh viên học sinh Đà Lạt, một ngón đàn rộn ràng, thôi thúc, một giọng hát hừng hực khí thế xách động xuống đường. Mỗi lần tiếng đàn và giọng hát của hai anh vang lên trong những đêm không ngủ là hàng trăm sinh viên hòa theo vang động cả trời đêm Đà Lạt; chị Minh - một đoàn viên ở khóm Đa Cát, là cơ sở nội thành của Đội Công tác hướng Tây bắc, chị đã từng bị bắt đi tù do bị tình nghi hoạt động cộng sản. Anh Quang Nhàn đệm guitar gỗ, cả nhóm hát sống bài “Giải phóng Miền Nam”. Tiếng đàn, tiếng hát qua mấy cụm loa sắt vang xa trên những rặng thông già trong khí thế hào hùng! Buổi chào cờ cách mạng diễn ra trên sân vận động Đà Lạt đơn giản nhưng nghiêm trang và nhiều cảm xúc! Có lẽ đây là buổi chào cờ đầu tiên mà cũng là duy nhất trên thành phố Đà Lạt với lá cờ mặt trận giải phóng và bài hát “Giải phóng Miền Nam”. Sau lễ chào cờ, Chị Nguyễn Thị Nhung dẫn đoàn thiếu nhi tiến lên khán đài tặng hoa cho cho Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát, các thành viên Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cùng các vị trong Đoàn Chủ tịch .

Những ngày tiếp sau chúng tôi được Thị ủy điều động từng nhóm xuống cơ sở xây dựng chính quyền khóm, ấp. Sau đó thành lập Thành đoàn Đà Lạt thuộc Thành ủy, phần lớn số anh em nội thành đều về công tác tại Thành đoàn, trụ sở đầu tiên ở đường Nguyễn Trường Tộ, nay là đường Hồ Tùng Mậu. Trưa ngày 30/4/1975 nghe Đài thông báo tin chiến thắng, quân ta đã cắm cờ trên dinh Độc lập, chúng tôi đã nhảy múa, hò hét như điên dại trong niềm vui như trong đời không có gì vui hơn thế!

Đà Lạt giải phóng hầu như nguyên vẹn, không đổ nát, không đổ máu. Ngoại trừ vụ một tên cướp xỉa súng vào cửa sắt bắn chết một em bé 14 tuổi đang ở trong nhà tại đường Phan Đình Phùng, được người dân báo tin, lực lượng tự vệ thành đã vây bắt được tên cướp xích vào lan can hành lang cửa trước rạp hát và giao cho bộ đội vào ngày 03/4. Vụ một máy bay phản lực từ Phan Rang lên ném trái cháy xuống trúng chuồng ngựa Dinh Tỉnh trưởng và vụ một nhóm theo đóm ăn tàn tự xưng tổ chức Liên Tôn hòng tranh dành ảnh hưởng để giữ một số vai trò mà họ cho là sẽ có trong Chính phủ 3 thành phần, cũng tốn một ít thời gian cho Thị ủy phải giải quyết trong những ngày đầu giải phóng!

Những ngày quân quản, một lần ngồi ăn cơm tối cùng chú Tư Ngọc (đồng chí Mai Xuân Ngọc, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Đà Lạt lúc bấy giờ) tại nơi ở cũng là nơi làm việc của chú, trong câu chuyện về giải phóng Đà Lạt, ông cho biết trong lúc phải lo cho cả chiến trường miền Nam, nhưng Trung ương cũng đã dành những suy tính cho riêng Đà Lạt. Tinh thần chỉ đạo của Trung ương là cố giữ cho Đà Lạt nguyên vẹn, không đổ nát vì đây là một trong những thành phố đẹp nhất của đất nước ta. Bởi vậy cách của chúng ta là đánh vây ép bên ngoài kết hợp với nổi dậy bên trong làm cho địch hoảng hốt tháo chạy chứ không phải dội bom đạn vào thành phố. Và ông tâm đắc: “Một ý chỉ đạo chiến tranh rất nhân văn!”.

Những năm tháng chiến tranh vừa qua bom đạn nhiều tới mức nhiều hơn cả bom đạn của tất cả các cuộc chiến tranh trong lịch sử của đất nước ta cộng lại. Sự đối kháng về chính trị cũng gay gắt, khốc liệt hơn bao giờ hết. Nhưng Đà Lạt không sứt mẻ, hư hỏng; lòng người Đà Lạt không phân tán, văn hóa Đà Lạt vẫn giữ được nét đẹp cho bốn phương ngưỡng mộ. Thiên nhiên và văn hóa Đà Lạt một thời như bền vững trước bao biến cố. Chiến tranh đã không tàn phá được Đà Lạt, mà hòa bình lại làm hỏng đi thì chẳng những là có tội lớn với tiền nhân mà còn có lỗi không nhỏ với với hậu thế!!!

Hồi ký: TRỌNG HOÀNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202504/phong-trao-dau-tranh-chinh-tri-cua-thanh-nien-sinh-vien-hoc-sinh-noi-thanh-da-lat-1969-1975-bai-cuoi-5b46581/