Phong trào điện khí hóa có thể khiến giá dầu thô giảm mạnh

Có thể giá dầu thô giảm xuống mức 10 USD/thùng vào năm 2050 nếu phong trào điện khí hóa thị trường năng lượng thành công trên phạm vi toàn cầu.

Một báo cáo mà công ty nghiên cứu và tư vấn năng lượng Wood Mackenzie công bố dự báo rằng nếu các nhà lãnh đạo thế giới có hành động quyết liệt để giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C theo mục tiêu Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhu cầu dầu thô sẽ "giảm mạnh".

Nếu quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra nhanh chóng, Wood Mackenzie dự đoán từ nay đến năm 2050, thị trường năng lượng sẽ đẩy mạnh xu hướng điện khí hóa, và do đó mức độ sử dụng các nguồn nhiên liệu hydrocarbon gây ô nhiễm nhất như dầu thô sẽ giảm dần. Theo kịch bản này, nhu cầu dầu thô có thể giảm đến 70% vào năm 2050 so với mức hiện nay.

Wood Mackenzie dự báo nhu cầu dầu thô sẽ bắt đầu giảm từ năm 2023 và lao dốc nhanh chóng sau đó, với mức giảm khoảng 2 triệu thùng/ngày mỗi năm. Giá dầu thô có thể sẽ "liên tục lao dốc", trong đó giá dầu Brent tụt xuống còn khoảng 37 - 42 USD/thùng vào năm 2030.

Sau giai đoạn năm 2030, có thể giá dầu thô sẽ giảm sâu xuống mức 28 - 32 USD/thùng vào năm 2040. Tới năm 2050, giá dầu thô có thể giảm xuống mức 10 - 18 USD/thùng.

Gần 200 quốc gia/khu vực trên thế giới đã phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào năm 2015. Mục tiêu của hiệp định là giữ cho nền nhiệt toàn cầu không tăng quá 2 độ C và xa hơn là giới hạn mức tăng ở 1,5 độ C. Đến nay, hai mục tiêu đó vẫn là trọng tâm của cộng đồng quốc tế trước thềm Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 26 (hay COP26). Tuy nhiên, một số nhà khoa học cảnh báo rằng mục tiêu thứ hai là bất khả thi.

Hôm 26/2 năm nay, Liên Hợp Quốc đã công bố một báo cáo cho thấy cam kết hạn chế phát thải khí nhà kính của các nền kinh tế trên khắp thế giới vẫn còn "rất nhỏ bé" so với các biện pháp cần thiết để tránh những thiệt hại nghiêm trọng nhất nếu Trái đất nóng lên.

Bà Ann-Louise Hittle, Phó Chủ tịch cấp cao của Wood Mackenzie, nhấn mạnh rằng báo cáo mới của công ty bà chỉ là một kịch bản chứ không phải là "dự báo chính xác, gần với thực tế nhất".

"Mặc dù vậy, ngành dầu khí cũng không nên tự mãn. Những rủi ro liên quan tới chính sách chống biến đổi khí hậu và công nghệ liên tục cải tiến có thể gây thiệt hại lớn cho thị trường dầu mỏ", bà Hittle nhấn mạnh.

Mấy hôm trước, với kỳ vọng đại dịch COVID-19 sẽ yếu vào nửa cuối năm, liên minh dầu mỏ OPEC dự đoán nhu cầu dầu thô thế giới sẽ tăng 5,95 triệu thùng/ngày trong năm 2021, tương đương tăng 6,6% so với năm ngoái và tăng 70.000 thùng/ngày so với báo cáo tháng 3.

Động thái mới nhất của OPEC đánh dấu một sự chuyển biến tích cực so với những tháng trước đó, khi mà liên minh dầu mỏ nhiều lần hạ thấp dự báo nhu cầu vì nhiều nền kinh tế lớn phải tái phong tỏa hoặc phong tỏa kéo dài.

Nếu như kịch bản của Wood Mackenzie trở thành hiện thực, OPEC sẽ có nhiều mối lo cần phải giải quyết trong vài thập kỷ tới, chứ không chỉ là vấn đề nhu cầu trong thời kỳ đại dịch.

Nhã Vy

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/phong-trao-dien-khi-hoa-toan-cau-co-the-khien-gia-dau-tho-giam-manh-d20347.html