Phong trào Đồng khởi 1960 – Bước ngoặt của cách mạng miền nam

Sáng 19-12, tại tỉnh Bến Tre, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo T.Ư, Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia, chủ đề: 'Phong trào Đồng khởi 1960 – Bước ngoặt của cách mạng miền nam'.

Phong trào Đồng khởi năm 1960 tại Bến Tre. (Ảnh tư liệu)

Phong trào Đồng khởi năm 1960 tại Bến Tre. (Ảnh tư liệu)

Dự hội thảo có các đồng chí: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước; Trương Vĩnh Trọng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng; Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng; Phan Văn Mãi, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cùng lãnh đạo các ban, ngành T.Ư, địa phương, nhân chứng lịch sử, nhà khoa học.

Hội thảo có gần 80 tham luận của các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, địa phương. Các đồng chí lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử; các cơ quan nghiên cứu; các nhà khoa học trong và ngoài quân đội. Nội dung các tham luận có chất lượng, bảo đảm tính khách quan, khoa học, có đóng góp mới về lý luận và thực tiễn, tập trung làm rõ các kinh nghiệm, bài học vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu tại hội thảo, Đại tá Phan Văn Thậm (SN 1933), nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre - nhân chứng lịch sử trong phong trào Đồng khởi, kể lại: “Năm 1958, tôi được tổ chức phân công tham gia nội tuyến, hoạt động trong lòng địch, học tập cách sử dụng vụ khí, nắm tình hình nội bộ, âm mưu, thủ đoạn của địch báo ra bên ngoài để bảo vệ cán bộ. Ngày 17-1-1960, được sự chỉ đạo của cấp trên, tôi tham gia phong trào Đồng khởi tại công sở đóng tại ấp Thanh Thủy (xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày), nhanh chóng chiếm đóng công sở, kêu gọi tiểu đội dân vệ đầu hàng, thu 12 khẩu súng. Đêm 17-1-1960, hàng nghìn đồng bào trương băng cờ, đốt đuốc họp mít-tinh mừng thắng lợi. Ta tổ chức các đội vũ trang hỗ trợ quần chúng nổi dậy ở hai xã Phước Hiệp và Bình Khánh. Từ đó, các đơn vị vũ trang tập trung của huyện và tỉnh ra đời. Đây là vốn quý, là kinh nghiệm sáng tạo vô giá đầu tiên trong phong trào Đồng khởi năm 1960 ở Bến Tre”.

Thiếu tướng Đoàn Thanh Xuân, Phó Chính ủy Quân khu 9 khẳng định, phong trào Đồng khởi của nhân dân miền nam nói chung, đồng bằng sông Cửu Long nói riêng làm chính quyền Diệm tan rã từ cơ sở, ngày càng bị cô lập, suy yếu. Qua phong trào Đồng khởi, lực lượng ta phát triển mạnh mẽ. Phong trào đồng khởi là bước nhảy vọt quan trọng đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân đồng bằng sông Cửu Long. Đó là trí tuệ, là sáng tạo lớn về hình thức đấu tranh cách mạng quần chúng. Phong trào Đồng khởi đã lùi xa hơn nửa thế kỷ, song âm hưởng và những bài học kinh nghiệm vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận lòng dân, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.

Thượng tướng Đỗ Căng, Phó Tổng cục trưởng Chính trị (Bộ Quốc phòng) cho rằng, thắng lợi phong trào Đồng khởi đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của phong trào cách mạng miền nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, từ đấu tranh chính trị là chủ yếu sang sang kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; từ khởi nghĩa từng phần tiến lên đấu tranh cách mạng. Phong trào Đồng khởi là một hiện tượng lịch sử độc đáo, sáng tạo của cách mạng miền nam nói riêng và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung.

Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Quốc phòng khẳng định, công lao chiến đấu, hy sinh, giành thắng lợi của đồng bào, chiến sĩ miền nam trong phong trào Đồng Khởi góp phần to lớn vào thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam. Những kinh nghiệm, bài học được rút ra từ phong trào Đồng khởi của 60 năm trước cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng để tạo nên các cuộc “Đồng khởi mới”, phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đi đến thành công, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Đồng chí Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, năm 1960, Đảng bộ Bến Tre chỉ có 18 chi bộ với 162 đảng viên đã vượt qua khó khăn, mạnh dạn phát động phong trào Đồng khởi vào ngày 17-1-1960, mở màn và đột phá ở ba xã: Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh của huyện Mỏ Cày. Sau đó nổ ra đồng loạt khắp địa bàn và toàn miền nam. Gần 60 năm qua, sự kiện Đồng khởi của Bến Tre vẫn luôn in đậm trong lòng người dân cả nước. Tinh thần Đồng khởi ấy được phát huy vào công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển quê hương, làm thay da đổi thịt mảnh đất cù lao vốn đã bị chia cắt, trở thành vùng đất thu hút sự quan tâm, chú ý của các nhà đẩu tư, bạn bè trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, cách đây 60 năm, với khí thế “triều dâng, thác đổ”, quần chúng cách mạng đã vùng lên đấu tranh, tạo nên phong trào Đồng khởi trên khắp miền nam, phá vỡ một mảng lớn chính quyền địch ở nông thôn, đẩy chính quyền Sài Gòn vào tình thế khủng hoảng, bị động về chiến lược, đồng thời góp phần làm phá sản các kế hoạch chiến tranh của đế quốc Mỹ. Thắng lợi của phong trào Đồng khởi đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của phong trào cách mạng, đưa cách mạng miền nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, từ đấu tranh chính trị là chủ yếu chuyển sang kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang, tạo nên bước ngoặt trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Theo Phó Chủ tịch nước, trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm thực tiễn của đồng bào, chiến sĩ miền nam trong hơn bốn năm đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh, tháng 1-1959, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng lần thứ 15 (khóa II, mở rộng) đã xác định lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp lực lượng vũ trang đánh đổ chính quyền Mỹ - Diệm, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân ở miền nam. Dưới ánh sáng của Nghị quyết 15, nhân dân và các lực lượng vũ trang liên tiếp vùng lên, tạo nên phong trào Đồng khởi thu hút hàng chục triệu lượt quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh đánh đổ chính quyền địch ở cơ sở, làm chủ một vùng rộng lớn từ Nam Trung Bộ đến Tây Nguyên, Nam Bộ; giáng đòn bất ngờ vào các kế hoạch chiến tranh của đối phương, làm cho chính sách xâm lược thực dân kiểu mới của Mỹ ở miền nam Việt Nam rơi vào tình thế bế tắc, mở ra bước ngoặt của cách mạng miền nam, góp phần bảo vệ và củng cố miền bắc.

Phó Chủ tịch nước khẳng định, kỷ niệm 60 năm phong trào Đồng khởi là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nhìn lại sự kiện lịch sử trọng đại này, tự hào về những chiến công của các thế hệ cha anh đã lập nên trong phong trào Đồng khởi nói riêng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung; đúc rút những bài học kinh nghiệm, bài học lịch sử để vận dụng, phát huy tạo nên khí thế “Đồng khởi mới” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự hội thảo.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự hội thảo.

Hội thảo “Phong trào Đồng khởi 1960 – Bước ngoặt của cách mạng miền nam”.

Hội thảo “Phong trào Đồng khởi 1960 – Bước ngoặt của cách mạng miền nam”.

HOÀNG TRUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/42634102-phong-trao-dong-khoi-1960-%E2%80%93-buoc-ngoat-cua-cach-mang-mien-nam.html