Phong trào khởi nghiệp giúp phụ nữ ổn định cuộc sống
Huyện Lấp Vò
ĐTO - Thời gian qua, phong trào phụ nữ khởi nghiệp được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Lấp Vò triển khai, thực hiện, qua đó góp phần giúp hội viên, phụ nữ tạo việc làm, thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Năm 2017, khi được Hội LHPN xã Bình Thành, huyện Lấp Vò phát động thực hiện phong trào khởi nghiệp, cô Phan Thị Kim Tươi (SN 1968) ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Thành đã chọn khởi nghiệp với sản phẩm cóc dẻo. Phải mất gần 3 tháng làm thử nghiệm, cô làm thành công sản phẩm cóc dẻo. Đến năm 2018, cô chính thức cho ra đời sản phẩm cóc dẻo và đăng ký nhãn hiệu với tên cóc dẻo Út Hậu có 2 hương vị cay và ngọt. Lúc đầu, số lượng cóc dẻo làm ra không nhiều, 5 - 10 ngày cô mới làm 1 lần, khoảng chừng 5kg, số lượng đặt hàng còn hạn chế, chủ yếu tiêu thụ trong xã. Nhờ kiên trì, chịu khó nên đến nay, vào thời gian cao điểm, trung bình mỗi ngày, cô làm khoảng 100 - 150kg cóc tươi. Nghề làm cóc dẻo giúp cô có thu nhập bình quân khoảng 3-5 triệu đồng/tháng (tùy theo tháng có đơn hàng ít hay nhiều). Để phát triển sản phẩm tốt hơn, cô cũng được Hội LHPN xã giới thiệu vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với số tiền 50 triệu đồng để đầu tư máy sấy, lò sên,...; tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Cô Tươi chia sẻ: “Nhờ nghề làm cóc dẻo, tôi có thu nhập ổn định hàng tháng, được đi nhiều nơi, học hỏi thêm nhiều điều mới, chứ không như trước kia chỉ quanh quẩn ở nhà. Thời gian tới, tôi sẽ nghiên cứu để làm sản phẩm ngon hơn, làm thêm mít sấy để khách hàng có nhiều sự lựa chọn, giúp sản phẩm đứng vững trên thị trường”. Ở tuổi 58, cô Nguyễn Thị Ảnh ngụ ấp An Lợi A, xã Định Yên, huyện Lấp Vò sáng tạo để cho ra những sản phẩm mới từ hoa Atiso phục vụ người tiêu dùng. Năm 2018, cô sưu tầm giống cây Atiso về trồng trong vườn nhà. Khi thu hoạch lứa hoa đầu tiên, cô nấu nước dùng thử, từ đó cô có ý tưởng chế biến sản phẩm từ hoa Atiso đỏ. Sản phẩm đầu tiên cô chế biến là sirô Atiso đỏ, sau đó, cô tiếp tục chế biến ra các loại mứt rồi đến nước ép và gần đây là trà sấy khô từ hoa Atiso. Cơ sở của cô có các sản phẩm như: sirô Atiso; mứt Atiso các vị: hạnh, ớt, gừng; trà Atiso sấy khô... Để sản phẩm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, cô Ảnh đầu tư thêm máy sấy, máy ép miệng bọc, nhãn mác, bao bì,... Nhờ sự hỗ trợ của địa phương và sự nỗ lực của bản thân, đến nay, sản phẩm của cô Ảnh được khách hàng ưa chuộng và tin dùng. Sản phẩm được bày bán ở Làng Khởi nghiệp Sa Đéc (TP.Sa Đéc), một số điểm dừng chân trong, ngoài tỉnh. Hàng tháng, sau khi trừ các chi phí, cô có thu nhập từ 6-8 triệu đồng, giúp tăng thu nhập cho gia đình.
Bà Lâm Thị Ngọc Huyền - Chủ tịch Hội LHPN xã Định Yên cho biết: “Cô Ảnh là một trong những hội viên tiêu biểu đi đầu trong phong trào khởi nghiệp của phụ nữ ở địa phương. Đặc biệt, cô Ảnh còn góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong phụ nữ học tập. Thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ tiếp tục tạo điều kiện để cô Ảnh phát triển, mở rộng sản xuất, góp phần tạo thêm việc làm cho lao động nữ ở địa phương”.
Nhằm biểu dương tinh thần của cô Ảnh trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp, vừa qua, cô vinh dự được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen với danh hiệu “Phụ nữ tiêu biểu” năm 2019; UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Phụ nữ vượt khó khởi nghiệp” năm 2019.