Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu (Kỳ 7)
Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc cuốn sách 'Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu' của PGSTS Cao Văn Liên, do NXB Thanh Niên ấn hành.
Kỳ 7
SỰ KHỦNG HOẢNG CỦA CHẾ ĐỘ PHONG KIẾN VIỆT NAM THẾ KỶ XVI, XVIII, XVIII
Qua 600 năm giành độc lập, chế độ phong kiến Việt Nam được xây dựng và phát triển toàn diện mà đỉnh cao là thời Lê Sơ thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI (1428-1527). Bước vào thế kỷ XVI, chế độ phong kiến Việt Nam bắt đầu phản động, tha hóa. Xu hướng đi xuống của chế độ này được biểu hiện ở sự hủ bại, thối nát của giai cấp cầm quyền. Từ triều đình trung ương đến quan lại các cấp chính quền địa phương đều mục ruỗng. Vua quan miệt mài trong các cuộc trác táng, trụy lạc, xa xỉ và phè phởn, vung phí tiền bạc của nhà nước, của nhân dân. Vua Lê Uy Mục (1505-1509) được người đương thời gọi là vua quỉ, Vua Lê Tương Dực (1510-1516) được gọi là vua lợn. Bọn quí tộc đua nhau cướp đoạt ruộng đất của nông dân để xây cất cung điện, nhà cửa. Một chế độ độc đoán, chuyên quyền dẫn tới kẻ nào nắm quyền lực sẽ nắm được quyền cướp đoạt, chi phối kinh tế. Đúng như F. Ăngghen nói: Quyền lực chính trị bản thân nó không sản sinh ra kinh tế nhưng nó có tác dụng cướp đoạt kinh tế. Vì lẽ đó bọn mọt dân ra sức mua quan bán tước, kiên quyết phải làm quan bằng mọi giá để cướp bóc, đục khoét nhân dân. Quyền lực có thể giúp cho bọn mọt dân có thể cướp đoạt được mọi thứ còn là nguyên nhân dẫn tới cuộc đấu tranh khốc liệt trong nội bộ giai cấp cầm quyền để tranh giành quyền lực, dẫn tới xung đột, nội chiến giữa các tập đoàn phong kiến triền miên, liên tục, gây tổn hại, chết chóc, đau thương khổ cực vô cùng tận cho nhân dân, phá hoại sự thống nhất đất nước.
Những năm 20 của thế kỷ XVI tập đoàn phong kiến mạnh nhất khi đó là họ Mạc thâu tóm hết quyền hành vào tay. Tháng 12 năm 1526 Mạc Đăng Dung giết vua Lê Chiêu Tông. Ngày 15 thánh 6 năm 1527 Mạc Đăng Dung buộc vua Lê Cung Hoàng phải nhường ngôi cho Dung, sau đó vua và hoàng thái hậu bị Dung giết chết. Khi đó Lê Cung Hoàng mới 21 tuổi, ở ngôi được 5 năm.
Như vậy thời Lê Sơ kể từ lúc chiến thắng quân Minh, Lê Thái Tổ lên ngôi vua năm 1428 đến Lê Cung Hoàng trải qua 10 đời vua, trị vì 100 năm. [1] Thời Lê Sơ kết thúc mở ra một trang mới trong lịch sử phong kiếnViệt Nam. Thời kỳ thịnh trị chấm dứt, thời kỳ suy thoái, nội chiến bắt đầu với cục diện Nam-Bắc triều là biểu hiện đầu tiên.
Việc Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê chỉ vì quyền lợi ích kỷ của bản thân, của gia đình, dòng họ nên làm cho mâu thuẫn nội bộ giữa các tập đoàn phong kiến càng thêm gay gắt. Các tập đoàn phong kiến khác tìm cách chống đối nhà Mạc. Nguyễn Kim, một cựu thần nhà Lê đã tôn phò Lê Duy Ninh, con của Lê Chiêu Tông lên ngôi vua tức là Lê Trang Tông, thành lập Nam Triều ở vùng núi phía tây Thanh Hóa, giáp biên giới Lào-Việt. Với Lê Trang Tông, thời Lê Trung Hưng bắt đầu. Tháng 12 năm 1540 Nguyễn Kim kéo quân từ đất Lào đánh chiếm Nghệ An. Cuối năm 1543 Nam Triều chiếm Tây Đô (Thanh Hóa), cuộc nội chiến Nam-Bắc Triều bắt đầu và kéo dài gần 60 năm (1533-1592). Trong 60 năm Nam-Bắc Triều đã đánh nhau 38 trận lớn nhỏ, có những trận quân số mỗi bên huy động lên 10 vạn người, tàn sát nhau khủng khiếp. Năm 1545 Nguyễn Kim kéo quân đến Ninh Bình thì bị nội gián nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đánh thuốc độc chết. Khi đó hai con trai của Nguyễn Kim còn nhỏ nên toàn bộ quyền lực ở Nam Triều vào tay con rể là Trịnh Kiểm. Năm 1570 Trịnh Kiểm chết, con là Trịnh Tùng thay thế. Ngày 25 tháng 11 năm 1592 quân Trịnh phá tan quân Mạc ở Kim Thành, Thạch Hà (Hải Dương). Vua cuối cùng của nhà Mạc là Mạc Mậu Hợp bị giết chết. Nhà Mạc diệt vong. Từ Mạc Đăng Dung đến Mạc Mậu Hợp nhà Mạc trải qua 5 đời vua, trị vì 66 năm[2]. Cục diện Nam-Bắc Triều kết thúc. Trịnh Tùng đem vua Lê về Thăng Long nhưng không trao chính quyền cho vua Lê mà biến triều đình nhà Lê thành hư vị. Trịnh Tùng buộc vua Lê phong cho mình làm Đô đốc nguyên súy Tổng quan quốc chính thượng phụ, tước Bình an vương. Trịnh Tùng chỉ cho vua Lê thu thuế 1.000 xã, 5000 quân túc vệ, 7 con voi và 20 chiếc thuyền rồng. Trịnh Tùng cho thiết lập một triều đình riêng-Phủ chúa và một bộ máy hành chính riêng thâu tóm toàn bộ quyền lực vào tay. Cục diện Vua Lê-Chúa Trịnh manh nha từ thời Nam-Bắc triều bây giờ thành sự thực. Mâu thuẫn giữa hai tập đoàn phong kiến Lê -Trịnh thường bùng phát với xu hướng triều đình nhà Lê bị chèn ép, nhiều vua Lê bị chúa Trịnh giết hại. Năm 1572 Trịnh Tùng đã giết chết vua Lê Anh Tông (Lê Duy Bang) ở Lỗi Dương (Thanh Hóa) khi nhà vua mới 42 tuổi. Năm 1595 trước sự áp chế quá đáng của Trịnh Tùng, vua Lê Kính Tông mưu giết chúa Trịnh. Việc bại lộ, nhà vua bị Trịnh Tùng giết hại năm mới 32 tuổi. Từ đó các vua Lê đành nuốt hận nhưng phải hoàn toàn khuất phục
Trong khi cục diện Nam-Bắc Triều chưa kết thúc thì mâu thuẫn trong các tập đoàn phong kiến Nam Triều Trịnh -Nguyễn đã bùng phát. Sau khi thâu tóm quyền hành vào tay, Trịnh Kiểm đã giết chết em vợ là Nguyễn Uông (con cả Nguyễn Kim). Tính mệnh Nguyễn Hoàng, em Nguyễn Uông cũng bị đe dọa. Nghe theo lời Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (một giải Hoành Sơn có thể dung thân muôn đời), Nguyễn Hoàng nhờ chị gái là Nguyễn Thị Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin Kiểm cho Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa. Trịnh Kiểm đồng ý với hi vọng Nguyễn Hoàng sẽ chết trong vùng đất khắc nghiệt.
(Còn nữa)
CVL
[1] :Quỳnh Cư-Đỗ Đức Hùng:Các triều đại Việt Nam, sách đã dẫn, tr. 175-176.
[2] :Quỳnh Cư-Đỗ Đức Hùng: Các triều đại Việt Nam, sách đã dẫn, trang 194.