Phong trào thi đua 'Dân vận khéo' ở Kim Bảng

Tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua 'Dân vận khéo', huyện Kim Bảng đã tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình 'Dân vận khéo' trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa phương.

Những mô hình tiêu biểu

Mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” tại xã Nguyễn Úy, Thanh Sơn (Kim Bảng) là một trong các mô hình “Dân vận khéo” được Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh công nhận trong giai đoạn từ năm 2021-2023. Qua 5 năm triển khai thực hiện mô hình đã tác động tích cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng, nhận thức, phong cách làm việc, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên, công chức xã. Đa số cán bộ, công chức niềm nở, gần gũi, thân thiện với người dân trong giao tiếp, ứng xử, tận tình hướng dẫn, giúp đỡ, không biểu hiện tiêu cực, gây phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết công việc cho người dân. Nhân dân ghi nhận đánh giá cao, phát huy được vai trò của người dân trực tiếp tham gia góp ý xây dựng mô hình, qua đó tác động tích cực đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị của địa phương.

Cụ thể, đã giải quyết được 986 hồ sơ đúng hạn đạt 100%; gửi 198 thư chúc mừng hạnh phúc, 90 thư chia buồn, lấy phiếu đánh giá hài lòng của người dân 589/589 phiếu đạt 100%. Tổ chức 10 cuộc đối thoại người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân trên địa bàn thu hút 1.420 người tham dự, tổ chức 9 cuộc đối thoại với nhân dân tại các thôn.

Kết quả xây dựng mô hình "Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ" tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức về vị trí, vai trò của công tác dân vận, góp phần đổi mới nội dung, phương thức thực hiện công tác dân vận của chính quyền xã, tập trung nâng cao đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm và phong cách phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức. Từng bước chuyển chính quyền quản lý sang phục vụ thân thiện, trọng dân, gần dân, thực sự vì nhân dân.

Một góc xã nông thôn mới kiểu mẫu Thanh Sơn (Kim Bảng).

Một góc xã nông thôn mới kiểu mẫu Thanh Sơn (Kim Bảng).

Mô hình “Tổ hợp tác nuôi ong lấy mật” của Hội Nông dân xã Liên Sơn được xây dựng muộn hơn mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”, song tính hiệu quả đã được khẳng định rõ nét.

Chị Nguyễn Thanh Hương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Sơn cho biết: Được sự nhất trí của Thường trực Đảng ủy xã Liên Sơn, năm 2022, Hội Nông dân xã đã hướng dẫn xây dựng mô hình “Tổ hợp tác nuôi ong lấy mật" và tuyên truyền, vận động thu hút được 26 hội viên nông dân tham gia thực hiện; số lượng và chất lượng đàn ong tăng, đạt 970 đàn, sản lượng năm 2022 ước đạt hơn 7 tấn mật, trị giá hơn 1,5 tỷ đồng. Mô hình đạt hiệu quả tốt, tạo việc làm ổn định cho 26 hội viên nông dân và khoảng 52 hội viên lao động theo mùa vụ; nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình với tổng thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

Đến năm 2024, mô hình được nhân rộng, kết nạp thêm 7 hội viên, nâng tổng số hội viên tổ hợp tác là 33 hội viên, số lượng và chất lượng mật tăng, đạt 9,8 tấn mật, trị giá hơn 1,9 tỷ đồng. Hoạt động của tổ hợp tác nuôi ong đã góp phần phát triển kinh tế địa phương, tăng thu nhập cho hội viên, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, thực hiện chủ trương của Đảng về việc phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Thực hiện Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng và di chuyển mồ mả riêng lẻ về nghĩa trang tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Quyết định số 03/2022/QĐ-UBND ngày 6/02/2022 của UBND tỉnh Hà Nam về việc ban hành quy định chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng và di chuyển mồ mả riêng lẻ về nghĩa trang tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Nam và các văn bản chỉ đạo của tỉnh, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã tham mưu Thường trực Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện ban hành các kế hoạch, công văn chỉ đạo về việc di chuyển các phần mộ riêng lẻ về nghĩa trang tập trung trên địa bàn huyện, đồng thời phân công từng cán bộ trong cơ quan phối hợp với các phòng, ban của UBND huyện và các xã, thị trấn để tổ chức triển khai thực hiện.

Mô hình “Di chuyển mộ riêng lẻ về nghĩa trang tập trung” được Phòng xây dựng và tổ chức thực hiện. Trong 4 năm (2021 - 2024), toàn huyện đã di chuyển được 7.398 mộ với tổng số tiền 67.416.790.288 đồng. Mô hình đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã chủ động trong việc di chuyển các phần mộ của gia đình về nghĩa trang tập trung. Mô hình đã góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, chủ trương của Đảng về việc tạo mặt bằng sạch thu hút đầu tư của huyện.

Mô hình “Trồng dưa thương phẩm giá trị kinh tế cao” của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Lê Hồ được triển khai thực hiện từ năm 2021. Đảng ủy xã giao cho HTXDVNN xã thực hiện mô hình “Rau củ quả an toàn”. HTX đã xây dựng kế hoạch và thực hiện mô hình tại một hộ ông Nguyễn Tiến Đạo, thôn Đồng Thái với diện tích là 1,5 sào, thực hiện quy trình sản xuất VietGAP. Qua quá trình thực hiện mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế và bảo đảm sức khỏe cộng đồng. HTXDVNN được Đảng ủy tiếp tục chỉ đạo mở rộng diện tích mô hình sản xuất, phối hợp với cấp ủy, trưởng thôn Đồng Thái để chỉ đạo nhân dân thực hiện mô hình. Năm 2021, có 11 hộ tham gia và ký cam kết thực hiện mô hình. Năm 2022, phát triển thêm 17 hội viên. Năm 2023, phát triển thêm 5 hội viên mới, năm 2024, kết nạp thêm 7 hội viên, nâng tổng số hội viên là 40 hộ; sản lượng tăng lên 43ha. Mô hình trồng dưa thương phẩm giá trị kinh tế cao duy trì trồng 3 vụ/năm, ước tính đạt 47.200.000 đồng/sào/năm. Sản phẩm dưa thương phẩm được đóng túi, dán tem đưa vào tiêu dùng ở các siêu thị thành phố Phủ Lý, Hà Nội, Hội chợ Nông sản sạch an toàn và đề nghị các cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Các mô hình trên là mô hình khá điển hình trong số nhiều mô hình “Dân vận khéo” được xây dựng ở Kim Bảng, có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, góp phần tích cực hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng ở địa phương. Giai đoạn 2021-2023, thực hiện mô hình có 45 tập thể, 24 cá nhân điển hình tiên tiến được khen thưởng “Dân vận khéo”.

Duy trì, nhân rộng các mô hình hiệu quả

Tiếp tục duy trì, xây dựng, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”, năm 2024, các cấp, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện đã bám sát các chủ trương, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của huyện; tập trung tuyên truyền vận động và tổ chức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”. Trên cơ sở rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” năm 2023, huyện giao chỉ tiêu, xây dựng tiêu chí, thẩm định xây dựng mô hình trên các lĩnh vực hiện đang tiếp tục duy trì thực hiện.

Để bảo đảm hiệu quả các mô hình, năm 2024, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua "Dân vận khéo" huyện hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị tập trung rà soát, đánh giá hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” những năm trước; loại bỏ đối với các mô hình hoạt động kém hiệu quả, hình thức, đồng thời nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả. Kết quả, tổng số có 171 mô hình đang được duy trì thực hiện, trong đó: Lĩnh vực phát triển kinh tế 27 mô hình (mới 5, nhân rộng 22); lĩnh vực văn hóa – xã hội 95 mô hình (trong đó mới 12 mô hình, nhân rộng 83 mô hình); lĩnh vực an ninh, quốc phòng 25 mô hình (trong đó mới 3 mô hình, nhân rộng 22 mô hình); xây dựng hệ thống chính trị 21 mô hình (trong đó mới 2 mô hình, nhân rộng 19 mô hình).

Qua thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” các tầng lớp nhân dân đã tích cực thi đua lao động, sản xuất; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, bảo vệ môi trường; xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông nông thôn, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị địa phương. Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” cấp xã, cấp huyện đã công nhận 69 mô hình tiêu biểu cấp xã, cấp huyện, trong đó: Lĩnh vực phát triển kinh tế 15 mô hình; lĩnh vực văn hóa – xã hội 26 mô hình; lĩnh vực an ninh, quốc phòng 10 mô hình; xây dựng hệ thống chính trị 18 mô hình. Còn 102 mô hình đang duy trì hoạt động nhưng chưa được xét công nhận cấp cơ sở, cấp huyện. Đến nay, các mô hình góp phần quan trọng vào hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, xây dựng huyện trở thành đô thị loại IV và thị xã Kim Bảng trước năm 2025.

Thu Thảo

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/xay-dung-dang-chinh-quyen/phong-trao-thi-dua-dan-van-kheo-o-kim-bang-127853.html