Phong trào thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo của Hội Người mù Thanh Hóa
Thực hiện phong trào thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, các cấp hội người mù trong tỉnh đã tích cực phối hợp với chính quyền các xã, phường, thị trấn điều tra, khảo sát, nắm tình hình đời sống hội viên để tuyên truyền, vận động người mù tham gia sinh hoạt hội; lấy lao động sản xuất làm nòng cốt để hoạt động, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên.
Lớp học vi tính tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề cho người mù khai giảng tháng 9-2020.
Hiệu quả thiết thực từ phong trào
Cùng với thực hiện các phong trào tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập cộng đồng, chương trình hành động việc làm, xóa đói giảm nghèo, các cấp hội trong tỉnh đã đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo trong hội viên.
Xác định sản xuất tăm và dịch vụ tẩm quất là những nghề chính và mũi nhọn, giúp người mù có việc làm, có thu nhập ổn định, tự nuôi sống bản thân và phụ giúp cho gia đình, các cấp hội đặc biệt quan tâm đến các yếu tố thúc đẩy sản xuất, dịch vụ như: ý thức tổ chức kỷ luật, tay nghề, chất lượng sản phẩm, thị trường tiêu thụ; đồng thời tích cực liên hệ với chính quyền địa phương để có kinh phí xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất nơi làm việc và sản xuất tập trung. Các cấp hội cũng đặc biệt quan tâm công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hội viên. Trong 5 năm qua, Tỉnh hội đã đào tạo nghề cho 1.100 lượt hội viên với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng. 100% học viên được đào tạo nghề có việc làm thường xuyên tại các cơ sở sản xuất tập trung của hội hoặc tự tạo việc làm tại gia đình với thu nhập ổn định, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thực hiện chương trình “Hành động việc làm, xóa đói giảm nghèo” do Hội Người mù Việt Nam phát động, Hội Người mù Thanh Hóa đã phát động trong toàn hội phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo; đẩy mạnh sản xuất, dịch vụ, đem lại doanh thu ngày càng tăng cao. Từ năm 2016 đến nay các cấp hội trong tỉnh đã tổ chức các loại hình sản xuất dịch vụ tẩm quất cổ truyền và tăm tre với tổng doanh thu đạt gần 72 tỷ đồng; tạo việc làm ổn định cho hàng trăm hội viên với thu nhập bình quân đạt 2,6 triệu đồng/người/tháng. Riêng nghề tẩm quất cổ truyền cho thu nhập trên 4 triệu đồng/người/tháng, góp phần nâng nguồn doanh thu từ sản xuất dịch vụ của hội luôn chiếm từ 13 – 15% tổng doanh thu của Hội Người mù Việt Nam.
Ông Phạm Ngọc Quyết, Chủ tịch Hội Người mù Thanh Hóa, cho biết: Cùng với sản xuất tập trung, phong trào thi đua phát triển kinh tế gia đình gắn với vay vốn quốc gia giải quyết việc làm cũng được triển khai thực hiện có hiệu quả. Hiện Tỉnh hội đang quản lý 2,41 tỷ đồng kênh Trung ương Hội. Ngoài vốn vay do hội đứng ra làm chủ dự án, các hội viên trên địa bàn đã chủ động tham gia vay vốn từ các tổ chức đoàn thể địa phương để mua sắm phương tiện sản xuất, phát triển chăn nuôi, trồng trọt hoặc buôn bán nhỏ, đem lại hiệu quả kinh tế.
Những tấm gương “tàn nhưng không phế”
Qua thực tiễn lao động sản xuất đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình đóng góp cho tổ chức hội và cả cộng đồng. Về tập thể phải kể đến Hội Người mù TP Thanh Hóa và các huyện hội Hoằng Hóa, Nga Sơn, Thọ Xuân... đây là những đơn vị luôn dẫn đầu về doanh thu, tạo nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho hội viên. Về cá nhân tiêu biểu là hội viên Lê Thanh Phong (Hội Người mù huyện Nông Cống). Với khát khao được sống và làm việc, phát triển kinh tế bằng chính trí tuệ, sức lực của mình, năm 2012 được sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè, anh mạnh dạn mở cơ sở tôn sắt Thanh Phong. Dù buổi đầu đi vào hoạt động gặp rất nhiều khó khăn, nhưng bằng sự nhạy bén và nghị lực, anh Phong đã xây dựng và đưa thương hiệu tôn sắt Thanh Phong phát triển mạnh không chỉ trong huyện mà còn mở rộng thị trường ở nhiều huyện khác trong tỉnh. Hiện anh đang sở hữu 2 cơ sở sản xuất tại huyện Nông Cống và Như Thanh với doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Riêng năm 2019 doanh thu đạt 37 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập từ 7 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Hay như hội viên Lê Văn Nam ở xã Hoằng Đại (TP Thanh Hóa), sau khi được tham gia học vi tính tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề cho người mù, anh đã tìm tòi học hỏi thêm, mở tiệm internet vừa làm dịch vụ, vừa đào tạo nghề cho những người cùng cảnh ngộ. Hiện anh Nam đã trở thành “hiệp sĩ công nghệ thông tin”, chuyên lĩnh vực thiết kế các trang quảng cáo trên mạng với doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Với anh Hà Xuân Thục, hội viên Hội Người mù huyện Thọ Xuân đã tự mình cải tiến nồi hơi tự chế để đưa vào xông hơi cho khách, giá thành chỉ khoảng 30% so với giá bán trên thị trường. Cơ sở tẩm quất cổ truyền do anh tự quản lý đã giúp đỡ 5 người mù khác có việc làm ổn định với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Sau khi trừ các khoản chi phí mỗi năm anh Thục tích lũy được cho bản thân và gia đình 160 triệu đồng. Anh Thục cho biết: Với người bình thường tìm việc đã khó, người mù tìm việc lại càng khó hơn. Nếu không có sự hỗ trợ, động viên, khích lệ kịp thời của hội thì bản thân rất khó để bứt phá và hội chính là điểm tựa để người khiếm thị vươn lên phát triển kinh tế, hòa nhập cộng đồng.
Với mục tiêu “Vì hạnh phúc người mù”, các cấp hội người mù trong tỉnh đã đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động hội để có điều kiện chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của hội viên. 5 năm qua các huyện hội đã phối hợp với MTTQ huyện, cấp ủy, chính quyền địa phương và gia đình dòng họ làm được 50 ngôi nhà Đại đoàn kết cho hội viên với số tiền hơn 2 tỷ đồng; tổ chức thăm hỏi 49.892 lượt hội viên với tổng số tiền chăm sóc trên 6 tỷ 327 triệu đồng và 500 tấn gạo; tỷ lệ đói nghèo giảm từ 42% năm 2015 xuống còn 30% cuối năm 2019.