Phong trào thi đua yêu nước thúc đẩy Thủ đô phát triển

Thành phố Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 (ngày 29-5-2008) của Quốc hội khóa XII về 'Điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan' đứng trước nhiều thời cơ nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.

Với quyết tâm phấn đấu giữ vững vị trí “đầu tàu” về nhiều lĩnh vực, từ thành phố đến cơ sở đã sôi nổi triển khai các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Các đại biểu của Cụm thi đua số VIII giao lưu tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt thành phố Hà Nội năm 2023.

Các đại biểu của Cụm thi đua số VIII giao lưu tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt thành phố Hà Nội năm 2023.

Khí thế thi đua mới, đồng đều và rộng khắp

Hai năm sau khi thành phố Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, tại Đại hội Thi đua yêu nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2005-2010 (ngày 28-8-2010), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu đã nêu rõ, để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, với vai trò vị trí đặc biệt của Thủ đô, Đảng bộ, chính quyền các cấp của thành phố Hà Nội cần tiếp tục thực hiện phong trào thi đua yêu nước gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thường xuyên quan tâm phát hiện nhân tố mới, điển hình mới, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo bước chuyển mạnh về chất trong phong trào thi đua yêu nước của thành phố.

Tiếp đó, tại Đại hội Thi đua yêu nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2010-2015 (ngày 2-10-2015), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, thành phố Hà Nội cần phấn đấu giữ vị trí “đầu tàu” về môi trường kinh doanh, phục vụ nhân dân tốt hơn, phải có giải pháp căn cơ để tạo môi trường kinh doanh tốt nhất của cả nước.

Với tâm thế mới, sức mạnh mới, thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước rộng khắp. Vừa tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua lớn của cả nước, thành phố Hà Nội tiếp tục duy trì phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” - phong trào đã trở thành nếp sống văn hóa, bản sắc riêng của Hà Nội; đồng thời không ngừng đổi mới trong quá trình triển khai thực hiện.

Điển hình là năm 2015, thành phố phát động cuộc thi phát hiện và viết về điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt. Cuộc thi được duy trì hằng năm và thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, qua đó nhiều điển hình mới là người lao động trực tiếp được biểu dương, khen thưởng.

Bước sang giai đoạn 2015-2020, thành phố Hà Nội quan tâm ban hành kịp thời các chương trình, kế hoạch chỉ đạo về công tác thi đua khen thưởng. Thành phố tập trung sửa đổi, bổ sung 11 quy chế, quy định về công tác thi đua, khen thưởng, trong đó nổi bật là ban hành Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND ngày 7-7-2020 của HĐND thành phố về mức chi đặc thù lĩnh vực thi đua - khen thưởng; Quy định về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn thành phố; Quy chế về phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền nhân rộng và thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt; Quy chế khen thưởng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Đồng thời, thành phố đã ban hành các văn bản hướng dẫn có tính chuyên môn sâu, như công tác khen thưởng HĐND các cấp, công tác khen thưởng với các tổ chức hội trên địa bàn thành phố… Đây là cơ sở pháp lý giúp các địa phương, đơn vị của Thủ đô triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng một cách thống nhất.

Sự đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các phong trào thi đua từ thành phố đến cơ sở đã góp phần tạo ra khí thế thi đua mới, đồng đều và rộng khắp. Các phong trào thi đua mới do Trung ương, thành phố phát động như: “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, “An toàn thực phẩm”... đều nhận được sự tham gia hưởng ứng của các cấp, ngành và đông đảo tầng lớp nhân dân.

Tính riêng giai đoạn 2015-2020, đã có hơn 5.000 cá nhân người tốt, việc tốt tiêu biểu được thành phố biểu dương, khen thưởng và hơn 30.000 cá nhân người tốt, việc tốt được các quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và đơn vị thuộc thành phố biểu dương khen thưởng, trong đó hầu hết là người lao động trực tiếp.

Góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân

Có thể thấy, phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng của thành phố Hà Nội qua các giai đoạn đã góp phần quan trọng cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Đặc biệt, thành phố phát động các phong trào theo chủ đề của năm rất thiết thực, đúng trọng tâm, trọng điểm như: “Năm trật tự và văn minh đô thị”, “Năm kỷ cương hành chính”…, mang lại hiệu quả thiết thực như bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; nâng cao Chỉ số cải cách hành chính; thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp hơn. Qua đó, giúp kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng hướng; diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại; chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô từ thành thị đến nông thôn được nâng cao, cải thiện rõ rệt.

Trong năm 2021, thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết phòng, chống đại dịch Covid-19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phong trào thi đua đặc biệt: “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động, thành phố Hà Nội đã phát động phong trào thi đua đặc biệt “Toàn dân đoàn kết, chung sức thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” trên địa bàn thành phố. Phong trào thi đua đặc biệt này đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Hiệu quả từ các phong trào thi đua còn được minh chứng rõ nét trong thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Nếu như năm 2010, toàn thành phố có 166/386 xã (đạt 43%) xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thì đến hết năm 2021 đã có 382/382 (đạt 100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành Chương trình giai đoạn 2021-2025; tính đến năm 2022 toàn thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến trong năm 2023 sẽ đạt 100% huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, thành phố đã có tổng số 111 xã nông thôn mới nâng cao, vượt 38 xã so với mục tiêu của chương trình.

Phong trào thi đua để lại nhiều dấu ấn trong công tác giảm nghèo. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, hết năm 2022, thành phố giảm được 1.582 hộ nghèo, đạt 218,8% kế hoạch. Toàn thành phố hiện có 16/30 quận, huyện không còn hộ nghèo, gồm: Cầu Giấy, Ba Đình, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì.

Mới đây, căn cứ sự chỉ đạo của Trung ương, thành phố tiếp tục phát động các phong trào thi đua theo từng lĩnh vực, mặt công tác, tập trung vào những vấn đề lớn, trọng tâm. Điển hình là thành phố đã tổ chức hội nghị “Cam kết tiến độ và ký kết giao ước thi đua trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội”; ban hành Kế hoạch về tổ chức phong trào thi đua “Thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ tài chính” trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025; ban hành Kế hoạch tổ chức phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” trên địa bàn thành phố…

Theo Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội Nguyễn Công Bằng, công tác thi đua, khen thưởng của thành phố luôn chú ý vào những việc khó, việc mới để tạo ra môi trường thi đua cũng như động viên các cấp, ngành, địa phương, cá nhân tích cực tham gia. Qua đó, thực hiện được 3 mục tiêu: Mở rộng được các đối tượng tham gia thi đua; nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong tổ chức các phong trào thi đua; huy động tổng hợp các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng năm và từng giai đoạn.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phong-trao-thi-dua-yeu-nuoc-thuc-day-thu-do-phat-trien-636065.html