Phong trào xây dựng gia đình văn hóa phải có chiều sâu và thiết thực

Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa được hình thành cách đây hơn nửa thế kỷ, đến nay đã nhân rộng khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ðã có nhiều gia đình đạt chuẩn, được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa. Ðáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới, phong trào cần phải nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực.

Xây dựng gia đình văn hóa dựa trên những giá trị gia đình truyền thống.

Xây dựng gia đình văn hóa dựa trên những giá trị gia đình truyền thống.

Ðứng vững trên nền gia đình truyền thống

Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, ở nơi nào phong trào xây dựng gia đình văn hóa, biết khai thác và phát huy những giá trị của gia đình truyền thống sẽ có sức lôi cuốn mạnh mẽ nhân dân tham gia. Gia đình truyền thống Việt Nam đã kết tinh những tinh hoa văn hóa dân tộc như lòng yêu nước, yêu quê hương, luôn hướng về quê cha đất Tổ, có hiếu với bố mẹ, ông bà, anh chị em hòa thuận, vợ chồng thủy chung... đã tạo nên nền nếp gia phong đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc từ đời này sang đời khác. Trong tình hình hiện nay, mặt trái kinh tế thị trường với lối sống thực dụng tôn thờ đồng tiền đang tiến công vào mỗi gia đình hủy hoại đạo lý và truyền thống văn hóa dân tộc. Ðã xảy ra tình trạng nhiều gia đình đổ vỡ, vợ chồng, anh chị em đâm chém nhau vì tiền, vì tranh chấp tài sản. Tình trạng ly hôn ngày càng tăng, nạn bạo lực gia đình ngày càng nhức nhối. Cho nên việc giữ vững nền tảng gia đình truyền thống là vô cùng cần thiết. Xây dựng gia đình văn hóa vừa phải kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của mỗi gia đình Việt Nam, vừa kết hợp với những giá trị tiên tiến của gia đình hiện đại như bình đẳng giới, ít con để nâng cao chất lượng cuộc sống... Tất cả hướng tới thực hiện mục tiêu làm cho gia đình thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người với những giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp mà mỗi thành viên trong gia đình phải noi theo. Trong tất cả các gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc đều có một điểm chung là gia đình rất hòa thuận, giữ được nền nếp gia phong, bố mẹ vượt qua khó khăn của cuộc sống hằng ngày, dồn sức cho con ăn học nên người.

Bà Hồ Thị Hiệp, đại diện một gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc ở tỉnh Ðồng Nai cho biết: "Trong các hoạt động của con người thì đạo đức là yếu tố luôn được quan tâm vì nó góp phần cho sự tồn tại và phát triển xã hội bền vững. Ðạo đức góp phần hoàn thiện nhân cách con người, giúp các cá nhân có ý thức và năng lực sống thiện, sống có ích, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào và rộng hơn là nhân loại. Một cá nhân thiếu đạo đức thì phẩm chất, năng lực khác không còn ý nghĩa. Sự tan vỡ của một số gia đình hiện nay thường có nguyên nhân từ việc chạy theo, coi trọng vật chất, chủ quan, xem thường các quy tắc, chuẩn mực đạo đức trong gia đình". Khai thác và phát huy các giá trị của gia đình truyền thống chính là xây dựng tư tưởng đạo đức con người theo văn hóa dân tộc sẽ làm cho phong trào xây dựng gia đình văn hóa đi vào chiều sâu hợp với ý nguyện người dân.

Gắn kết phong trào với hoạt động xã hội

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa sẽ có hiệu quả thiết thực khi gắn kết với xã hội bằng những việc làm cụ thể. Trong danh sách tôn vinh những gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc đã xuất hiện những điển hình tiên tiến với những công việc rất cụ thể mà xã hội quan tâm, có thể lấy công việc đặt tên gọi cho gia đình như: Gia đình tam, tứ đại đồng đường chung sống hòa thuận; Gia đình khuyến học, hiếu học; Gia đình giúp xóa đói, giảm nghèo; Gia đình làm tốt công tác từ thiện; Gia đình hiến đất đai, vườn tược để làm đường giao thông, xây dựng trường học, thiết chế văn hóa; Gia đình thể thao và phát triển kinh tế du lịch; Gia đình phát triển kinh tế; Gia đình bảo tồn văn hóa truyền thống... Chính những hoạt động xã hội cụ thể này đã làm cho nội dung phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng với những kết quả thiết thực không chỉ đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mọi gia đình mà còn đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa được coi là yếu tố nội sinh quan trọng có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ thực hiện thành công các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của từng địa phương. Nhờ gắn kết với nhiệm vụ cụ thể của từng địa phương, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã có được sự khác biệt giữa các vùng, miền, thành phố, nông thôn, miền núi, duyên hải, hải đảo... tránh được tình trạng chung chung hình thức. Trong thực tế, không phải địa phương nào cũng làm tốt điều này. Một số nơi, nhận thức của cấp ủy Ðảng, chính quyền và nhân dân về vị trí và vai trò của gia đình văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chưa đúng mức và đồng bộ, còn có biểu hiện xem nhẹ công tác này và coi đây là nhiệm vụ riêng của ngành văn hóa.

Việc xây dựng gia đình văn hóa cần gắn kết chặt chẽ với công việc xây dựng làng văn hóa, thôn, ấp, bản văn hóa. Ðiều đó vừa là chỗ dựa, vừa tạo điều kiện cho gia đình hòa nhập với xã hội, tránh tình trạng "đèn nhà ai, nhà nấy rạng". Việc thực hiện quy ước, hương ước cộng đồng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, nếp sống văn hóa nơi công cộng, bài trừ tệ nạn xã hội... tạo ra môi trường văn hóa, vun đắp "tình làng nghĩa xóm". Gắn với hoạt động xã hội, gia đình văn hóa mới thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội.

Một trong những nhân tố quyết định đến hiệu quả của phong trào xây dựng gia đình văn hóa là sự gắn kết với các chương trình hoạt động liên quan của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể, được các cấp ủy, chính quyền xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Ðó là điều kiện để phong trào phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, lâu dài và bền vững.

NGUYỄN THU HIỀN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/vanhoa/nghe-doc-xem/item/21926702-phong-trao-xay-dung-gia-dinh-van-hoa-phai-co-chieu-sau-va-thiet-thuc.html