Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Tuyên Quang
Tuyên Quang là một tỉnh miền núi có hơn 55% là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhằm hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở có được ngôi nhà kiên cố, ổn định để yên tâm phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, tỉnh đã ban hành đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 (đề án 308). Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt phong trào thi đua 'Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau'.
Theo Đề án 308, các hộ nghèo làm nhà ở mới được hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ; hộ sửa chữa nhà ở được hỗ trợ không quá 25 triệu đồng/nhà.
Riêng hộ nghèo thuộc diện chính sách được hỗ trợ 80 triệu đồng để làm nhà mới và 40 triệu đồng để sửa chữa nhà ở.
Gia đình ông Vi Văn Các, dân tộc Cao Lan ở thôn Hợp Hòa, xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên là một trong hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được hỗ trợ 50 triệu đồng theo Đề án 308 để làm nhà mới.
Ông Các chia sẻ: "Nhiều năm nay, gia đình tôi ở trong ngôi nhà cũ đã xuống cấp, mỗi khi mưa to, gió lớn là cả gia đình lại nơm nớp lo sợ. Sau khi rà soát, gia đình tôi được hỗ trợ tiền xây nhà, cùng với sự giúp đỡ của anh em họ hàng, bà con trong thôn, hiện gia đình tôi đang xây dựng nhà sàn bằng bê-tông với diện tích gần 100m2. Khi ngôi nhà hoàn thành, gia đình tôi có nhà mới để ở, đây là động lực rất lớn để gia đình tôi ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển kinh tế để thoát nghèo".
Ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, cán bộ cơ sở đã có nhiều cách làm hay, phù hợp với điều kiện thực tế để vận động, tuyên truyền các hộ nghèo nắm bắt cơ hội, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để xây dựng, sửa chữa nhà ở dột nát. Cán bộ cơ sở đứng ra bảo đảm, tín chấp cho các hộ nghèo ứng trước nguyên vật liệu cát, sỏi, xi-măng để xây, sửa nhà. Có căn nhà vững chãi, các hộ nghèo sẽ an cư và có động lực vươn lên, thoát nghèo, lo trả nợ.
Đồng chí Nguyễn Văn Cướng, Chủ tịch UBND xã Thượng Nông, huyện Na Hang kể lại: "Khi vận động gia đình ông Nguyễn Văn So, ở thôn Nà Ta làm nhà ở mới, ông So cứ lăn tăn mãi. Bởi gia đình quá nghèo, lại có người bị khuyết tật. Để tìm thêm nguồn tiền hỗ trợ, tôi đến nhà anh trai của ông So để kêu gọi giúp đỡ. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ tiền làm nhà. Do vậy, tôi đã đứng ra tín chấp cho hộ ông So vay vật liệu để làm nhà trước, trả tiền sau".
Đồng chí Chủ tịch xã chia sẻ, những ngôi nhà như nhà ông So, nếu chần chừ không làm thì có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Đứng trước tình cảnh ấy, cán bộ xã phải linh hoạt, dùng mọi phương pháp vận động, giúp đỡ để người dân có mái ấm an cư.
Bằng sức mạnh đại đoàn kết, sự linh hoạt, sáng tạo của các cấp ủy, chính quyền tại các địa phương, sau hơn 2 năm triển khai Đề án 308, tỉnh Tuyên Quang đã huy động được hơn 748 tỷ đồng từ các nguồn lực, hỗ trợ làm mới và sửa chữa được 7.076 ngôi nhà, đạt hơn 185% kế hoạch của cả giai đoạn.
Năm 2024, toàn tỉnh đã hỗ trợ làm mới thêm được 2.449 nhà. Những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo tỉnh Tuyên Quang có ý nghĩa quan trọng, tạo niềm tin và thúc đẩy sự nỗ lực, trách nhiệm của bản thân mỗi hộ nghèo trong xây dựng nhà ở và thoát nghèo bền vững.
Đồng chí Lê Ngọc Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang cho biết, để hoàn thành Đề án, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các huyện, thành phố chủ động tham mưu cho cấp ủy cùng cấp ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Đề án trên địa bàn; phối hợp với chính quyền, ngành chức năng và các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động và huy động nguồn lực thực hiện làm nhà ở cho hộ nghèo.
Đặc biệt, ưu tiên hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng, hộ nghèo tại các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới, hộ nghèo dân tộc H'Mông từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.
Bên cạnh đó, tỉnh gắn việc thực hiện phong trào "ba cùng" với nhân dân của cán bộ, công chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện Đề án số 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội.
Hoạt động đã tạo thành phong trào thiết thực, lan tỏa sâu rộng, mang lại hiệu quả, giúp hộ nghèo giảm được chi phí xây dựng nhà ở. Ngoài ra, các đơn vị thường xuyên tổ chức, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các cơ chế chính sách xóa nhà ở tạm, dột nát và tổ chức thực hiện Đề án tại địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cơ sở.
Việc thực hiện Đề án đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo phong trào sâu rộng và khơi dậy tinh thần đoàn kết, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo.
Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn dưới 10%, hoàn thành xóa nhà ở tạm, dột nát cho 100% hộ nghèo giai đoạn 2021 -2025 và thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Đồng chí Lê Ngọc Tân cho biết thêm, với ý thức trách nhiệm và tinh thần luôn hướng về người nghèo, các phong trào ủng hộ, giúp đỡ người nghèo trên địa bàn tỉnh ngày càng được triển khai thực hiện có hiệu quả. Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Mặt trận Tổ quốc các cấp với vai trò tập hợp, xây dựng, lan tỏa tinh thần đoàn kết trong cộng đồng từ đó giúp vận động, huy động nhiều nguồn lực để xóa nhà ở tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Mới đây, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban chỉ đạo.
Thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục phối hợp với chính quyền, các sở, ngành, tổ chức thành viên tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực thực hiện hiệu quả Đề án, tiếp tục rà soát, cập nhật đầy đủ, chính xác hộ nghèo đang ở nhà tạm, dột nát để xác định nhu cầu làm mới và sửa chữa nhà ở theo lộ trình. Nắm chắc hoàn cảnh hộ nghèo, lập danh sách hộ nghèo không có khả năng đối ứng hoặc kinh phí đối ứng ít, từ đó có phương án hỗ trợ cụ thể, phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Đặc biệt, tỉnh sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tích cực hưởng ứng phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025" theo Công điện số 102/CĐ-TTg ngày 6/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh để chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng, 80 năm ngày thành lập nước, 50 năm Ngày giải phóng miền nam thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phong-trao-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-o-tuyen-quang-post853489.html