Thời điểm này, các loại cây trồng vụ xuân đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến phức tạp, một số cây trồng đã xuất hiện sâu bệnh hại. Trước tình hình đó, cơ quan chuyên môn và người dân chủ động triển khai các biện pháp chăm sóc, phòng trừ.
Nông dân thị trấn Cao Phong (Cao Phong) làm cỏ, vệ sinh gốc cây cam giúp cây giữ ẩm, dễ hấp thu dinh dưỡng. Chị Bùi Thị Hiệu, viên chức Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kim Bôi cho biết: Ở một số khu vực, bệnh khô vằn tiếp tục gây hại mạnh trên các giống nhiễm, ruộng trũng, bón thừa đạm, bệnh nhiễm nặng gây thối nhũn từng vạt lúa. Tập đoàn rầy được dự báo có thể tăng mật độ gây hại trên lúa trà muộn, mật độ phổ biến từ 300 - 500 con/m2, cao 750 - 1.000 con/m2 gây cháy từng ổ nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời...Bên cạnh đó, sâu keo mùa thu (SKMT), châu chấu, bệnh đốm lá nhỏ, bệnh khô vằn... cũng xuất hiện và gây hại rải rác trên ngô xuân giai đoạn chín sữa - chín sáp. Để đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng khi thu hoạch, huyện đã chỉ đạo cơ sở thực hiện theo hướng dẫn của trung tâm về quy trình kỹ thuật phòng trừ các loại sâu bệnh, đối tượng gây hại lúa vụ xuân 2022. Đồng thời, khuyến cáo nông dân bám sát đồng ruộng, kịp thời phát hiện những đối tượng sâu bệnh hại phát sinh sớm để có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Vụ xuân năm 2022, toàn tỉnh gieo cấy 16.858 ha lúa, đạt 108,5% kế hoạch. Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, hiện toàn tỉnh có 74ha lúa nhiễm bệnh bạc lá; 284ha nhiễm bệnh khô vằn; chuột cũng tiếp tục gậy hại trên lúa giai đoạn chắc xanh - chín sáp trên tổng diện tích 73ha. Ngoài ra, một số đối tượng sâu bệnh hại khác như rầy nâu, sâu đục thân... cũng xuất hiện và có khả năng tăng dần mật độ gây hại trên các trà lúa. SKMT cũng gây hại trên diện tích ngô xuân hè giai đoạn 5 - 7 lá; sâu cắn lá, sâu đục thân, đục bắp gây hại trên ngô xuân giai đoạn trỗ cờ, thâm râu - chín sáp. Trên cây có múi, bệnh vàng lá thối rễ xuất hiện và gây hại cục bộ những vườn không chủ động nước, kém chăm sóc; bọ trĩ, bệnh sẹo, loét, nhện nhỏ gây hại mạnh tại các vùng trồng tập trung tại huyện Lạc Thủy, Tân Lạc, Kim Bôi. Bệnh khảm lá sắn tiếp tục phát sinh, gây hại tại vùng ổ bệnh cũ, tổng diện tích nhiễm 120ha, tập trung nhiều nhất ở các huyện Lạc Sơn, Yên Thủy... Để bảo vệ tốt các trà lúa, cũng như cây trồng vụ xuân nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh hại gây ra, Sở NN&PTNT đề nghị các huyện, thành phố yêu cầu đơn vị chuyên môn tăng cường bám sát cơ sở để chỉ đạo sản xuất, khuyến cáo và hướng dẫn nông dân kiểm tra đồng ruộng, điều tra, theo dõi diễn biến mật độ, tỷ lệ hại của các đối tượng tại từng thời điểm để phát hiện, xử lý theo hướng dẫn. Đối với diện tích trồng cây màu, các địa phương cần theo dõi các đối tượng, đặc biệt là SKMT gây hại trên diện tích trồng ngô rải vụ, không tập trung. Đồng thời, thực hiện quyết liệt các biện pháp ngăn chặn bệnh khảm lá hại sắn... Đồng chí Vũ Thị Anh Đào, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật cho biết: Cùng với tăng cường chỉ đạo sản xuất đến các địa phương, cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp cũng tăng cường phối hợp và tổ chức thanh, kiểm tra, xử phạt trường hợp kinh doanh vật tư nông nghiệp kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ theo quy định, đặc biệt với các cơ sở kinh doanh sắn giống. Ngoài ra, thời điểm này, toàn tỉnh vừa trải qua những trận mưa kéo dài, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển, sinh trưởng của lúa và cây màu. Vì vậy, các đơn vị cần tích cực chỉ đạo, phân công cán bộ chuyên môn thường xuyên bám sát cơ sở, phối hợp các cơ quan truyền thông, thông tin tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, khắc phục kịp thời ảnh hưởng của thời tiết bất thuận trên lúa và cây trồng khác để đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất đã đề ra từ đầu vụ. Thu Hằng