Phòng trừ lúa cỏ

Hiện nay, lúa xuân đang trong giai đoạn đòng già - trỗ - đông sữa. Đây cũng là thời kỳ lúa cỏ (lúa ma) gây hại trên lúa. Qua kiểm tra đồng ruộng của ngành Nông nghiệp và PTNT cho thấy, lúa ma đã và đang gây hại tại một số địa phương như các huyện: Khoái Châu, Kim Động, Ân Thi và Phù Cừ gây thiệt hại cục bộ đến năng suất và chất lượng lúa xuân.

Cán bộ Chi cục BVTV kiểm tra, hướng dẫn nông dân xã Nguyễn Trãi (Ân Thi) phòng trừ cỏ lúa

Theo nhận định của ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh, lúa ma nhìn hình dạng rất giống lúa thường nhưng vào giai đoạn trỗ cây có xu hướng phát triển cao hơn lúa thường, trỗ bông và làm hạt sớm hơn lúa thường, hạt lúa lép và dễ rụng. Hạt lúa ma nhẹ nên dễ dàng phát tán nhờ nước và gió, hạt có thể tồn tại trong đất trong thời gian dài, đây là đặc điểm giúp lúa ma phát triển nhanh và mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Lúa ma phát triển song song với lúa thường, có xu hướng cạnh tranh dinh dưỡng với lúa thường, nếu ruộng bị hại nặng sẽ không cho năng suất.

Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết: Trước diễn biến lúa ma phát sinh nhanh và đe dọa đến năng suất lúa vụ xuân, chi cục đề nghị các địa phương và nông dân thực hiện nghiêm các biện pháp kỹ thuật để xử lý triệt để lúa ma bao gồm: Đối với diện tích lúa bị lúa ma gây hại với tỷ lệ thấp, tiến hành nhổ bỏ và tiêu hủy những cây lúa ma. Yêu cầu phải nhổ cả rễ hoặc cắt sát mặt ruộng. Đối với diện tích lúa bị lúa ma gây hại với tỷ lệ cao (trên 30% số dảnh) tiến hành tiêu hủy toàn bộ ruộng bằng cách cắt, phơi khô và đốt. Đối với những chân ruộng bị nhiễm nặng lúa ma mà phải tiêu hủy toàn bộ diện tích lúa thường, ở vụ tiếp theo cần làm đất xử lý bằng chế phẩm nấm trichoderma sau đó san phẳng như làm mạ để mồi lúa ma nảy mầm. Khi lúa được 3 - 5 lá tiến hành cày lật, làm nhuyễn đất để tiêu diệt. Biện pháp này phải làm lặp lại 2 - 3 lần để có thể tiêu diệt hết nguồn lúa ma được vùi trong tầng canh tác.

Cùng với các biện pháp kỹ thuật được triển khai đến các hộ nông dân, để hạn chế tác hại của lúa ma gây ra, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế, Trạm BVTV và đơn vị chuyên môn liên quan tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm các ruộng đang bị lúa ma gây hại, đề xuất biện pháp xử lý để hạn chế tối đa nguồn lây, bảo vệ sản xuất các vụ tiếp theo. Chỉ đạo các đoàn thể, hội tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nông dân thực hiện tốt các biện pháp xử lý khi phát hiện lúa ma gây hại. Chỉ đạo các cấp chính quyền cơ sở, các đoàn thể tập trung tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân khẩn trương, tích cực áp dụng triệt để các biện pháp kỹ thuật xử lý theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương có các chính sách hỗ trợ người dân trong quá trình áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý lúa ma theo hướng dẫn. Chỉ đạo các địa phương phải tuyệt đối tuân thủ các biện pháp kỹ thuật của cơ quan chuyên môn; đối với các trường hợp không tuân thủ, không có điều kiện để thực hiện (tuân thủ) các biện pháp kỹ thuật theo chỉ đạo thì phải linh hoạt, chủ động chỉ đạo, điều hành bảo đảm theo các yêu cầu kỹ thuật của cơ quan chuyên môn. Ngoài ra, Sở chỉ đạo Chi cục BVTV, Trung tâm Khuyến nông, các phòng, ban chuyên môn chỉ đạo cán bộ kỹ thuật tăng cường kiểm tra đồng ruộng, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân cách nhận diện lúa ma và lúa thường, tác hại của lúa ma đối với sản xuất lúa để nông dân nắm được và phối hợp tốt với chính quyền địa phương, đơn vị chuyên môn trong quá trình xử lý lúa ma. Huy động 100% cán bộ có chuyên môn về trồng trọt và BVTV thực hiện các nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật tại địa phương được phân công phụ trách, theo chỉ đạo của UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Đào Ban

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202205/phong-tru-lua-co-d913c1b/