Hợp tác kinh tế Đà Nẵng - Thái Lan ngày càng hiệu quả thiết thực
Các lĩnh vực năng lượng sạch, dầu khí, logistics, bán lẻ, nông sản và xử lý tác thải công nghiệp... là những lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai bên... thông qua Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC)...
Các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác Thái Lan đã có nhiều hoạt động gặp gỡ, trao đổi về nhu cầu, tiềm năng, lợi thế, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh mới nhằm tăng cường hợp tác kinh tế thương mại, du lịch… để cùng nhau khai thác hiệu quả tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) tại sự kiện Gặp gỡ Thái Lan diễn ra trong các ngày 26-27/8 tại Đà Nẵng.
TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI GIAO THƯƠNG
Tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) từ Khon Kaen - Thái Lan, qua Lào, đến cảng Đà Nẵng thông thương rất thuận lợi. Vì vậy, Thành phố Đà Nẵng đã sáng kiến định kỳ tổ chức Hội chợ đầu tư, thương mại, du lịch EWEC vào tháng 8 hàng năm. Đây là dịp để doanh nghiệp các địa phương trên EWEC giới thiệu sản phẩm và kết nối giao thương.
Các hiệp hội doanh nghiệp Thái Lan luôn khuyến khích và thường xuyên tổ chức cho các doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, tham gia các hội chợ, triển lãm hàng hóa của nhau, nhằm tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch, cùng nhau khai thác hiệu quả EWEC. Nhờ đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có gần 145.000 khách Thái Lan đến Đà Nẵng du lịch (chiếm 7,2% tổng lượt khách quốc tế đến Đà Nẵng bằng đường hàng không và đường bộ), đứng thứ 3 trong top 10 thị phần khách quốc tế đến Đà Nẵng.
Phía chính quyền thành phố Đà Nẵng luôn hy vọng nhiều đối tác, doanh nghiệp Thái Lan sẽ đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh tại Đà Nẵng. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết chính quyền Đà Nẵng cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Thái Lan nói riêng đầu tư, kinh doanh có hiệu quả và sinh sống an bình tại thành phố Đà Nẵng.
Tháng 11/2022, Đà Nẵng và tỉnh Khonkaen đã chính thức ký kết Bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác với sự chứng kiến của Chủ tịch nước Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ Thái Lan. Từ đó, các đơn vị liên quan của tỉnh Khonkaen cùng phối hợp với Sở Ngoại vụ Đà Nẵng thảo luận và đưa ra các kế hoạch triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ hợp tác mà hai bên đã ký kết. Các chuyên gia, các hiệp hội doanh nghiệp Thái Lan tăng cường quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Đà Nẵng đến các doanh nghiệp, đối tác Thái Lan để các doanh nghiệp Thái Lan đến đầu tư, hợp tác kinh doanh tại Đà Nẵng nhiều hơn.
Hiện, Đà Nẵng đã và đang duy trì quan hệ hữu nghị và hợp tác thường xuyên với một số tỉnh của Thái Lan như: Mukdahan, Nakhon Phanom, Phuket, Chiang Mai.
Thành phố thường xuyên đón tiếp nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao Thái Lan thăm và làm việc, điển hình như: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan thăm và tìm hiểu tiềm năng vận tải trên Quốc lộ 8 và 12 nối Thái Lan, Lào và Việt Nam; Công chúa Thái Lan Maha Chakri Sirindhorn đến tham dự hội nghị quốc tế tại Đà Nẵng; Tiếp đoàn Phó Chủ tịch Hội đồng lập pháp quốc gia và đoàn nghị sĩ Thái Lan nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam. Tháng 3/202 đoàn Chủ tịch Thượng viện Thái Lan tới thăm Đà Nẵng; các đoàn chính quyền và doanh nghiệp các tỉnh Ubon Ratchathani, Mukdahan, Khonkaen, Sakon Nakhon, Sisaket tham dự các kì Hội chợ quốc tế về đầu tư, thương mại và du lịch Hành lang kinh tế Đông -Tây (EWEC).
Sở Công Thương và các doanh nghiệp của thành phố Đà Nẵng đã phối hợp nhiều đối tác tiêu biểu như Thương vụ Thái Lan tại Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy giao lưu thương mại, du lịch, đầu tư, gặp gỡ, tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh, nguồn cung ứng hàng hóa, mở rộng thị trường tại Thái Lan…
NHIỀU KẾT QUẢ HỢP TÁC KINH TẾ THƯƠNG MẠI
Cùng với quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế-thương mại giữa Đà Nẵng và các đối tác Thái Lan đã chứng kiến những thành công và đem lại hiệu quả thiết thực. Hiện, Thái Lan là một trong những thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp Đà Nẵng.
Theo số liệu của Sở Ngoại vụ Đà Nẵng, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu từ Đà Nẵng sang Thái Lan đạt 6 triệu USD; nhập khẩu từ Thái Lan đạt 42 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chính là cao su thành phẩm, lọc dầu - lọc gió, cần câu cá. Mặt hàng nhập khẩu chính là nguyên phụ liệu dệt may, cao su nguyên liệu hoặc tổng hợp, hóa chất, hạt nhựa - hạt dẻo, dược phẩm và các nguyên phụ liệu khác.
Tiêu biểu trong số doanh nghiệp của Đà Nẵng có quan hệ xuất nhập khẩu với Thái Lan là Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty CP Vinatex Đà Nẵng, Công ty CP Dệt may 29/3, Công ty TNHH Lafien Vina, Công ty TNHH Tiến Thắng, Công ty CP Dược Thiết bị Y tế Đà Nẵng, Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Miền Trung, Công ty TNHH Xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Duy Thành…
Trong hợp tác đầu tư, đến nay, giá trị đầu tư FDI từ Thái Lan vào Đà Nẵng đạt gần 64 triệu USD với 15 dự án còn hiệu lực, tập trung ở các lĩnh vực thương mại, bán lẻ, sản xuất, may mặc, thiết kế, xây dựng, công nghệ thông tin.
Tại các tọa đàm kết nối doanh nghiệp Đà Nẵng - Thái Lan, các doanh nghiệp nước bạn đã bày tỏ sự quan tâm tìm kiếm thêm nhiều cơ hội hợp tác, đối tác với các doanh nghiệp Đà Nẵng trong các lĩnh vực năng lượng sạch, dầu khí, logistics, bán lẻ, dịch vụ, may mặc, nông sản, nội thất, xử lý rác thải công nghiệp, sản phẩm công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, tư vấn, giáo dục.
Đặc biệt, kết quả về hợp tác du lịch, tính từ năm 2010, khách Thái Lan du lịch đến Đà Nẵng tăng trưởng tích cực thông qua tuyến đường bộ EWEC, sau khi khai trương cầu Hữu nghị bắc qua sông Mekong, và sau đó là việc thiết lập các đường bay trực tiếp Đà Nẵng - Thái Lan do Bangkok Airways, Air Asia, Vietjet Air khai thác.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, có gần 145.000 khách Thái Lan đến Đà Nẵng du lịch (chiếm 7,2% tổng lượt khách quốc tế đến Đà Nẵng) và đứng thứ 3 trong top 10 thị phần khách quốc tế đến Đà Nẵng. Thị trường khách Thái Lan tăng trưởng mạnh, vươn lên vị trí thứ 3 thay thế Nhật Bản trong cơ cấu quốc tịch khách du lịch đến Đà Nẵng.
Theo truyền thông Thái Lan, thành phố Đà Nẵng được nhiều du khách quốc tế nói chung và người Thái nói riêng lựa chọn bởi những sản phẩm ấn tượng, từ các di sản văn hóa thế giới, các bãi biển sạch đẹp, hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển, cảng biển và sân bay quốc tế đạt chuẩn đến cảnh quan đô thị thoáng đãng, không khí trong lành… Hoạt động xúc tiến, quảng bá và giới thiệu du lịch Việt Nam tại Thái Lan được liên tục đẩy mạnh thông qua việc tham dự các hội chợ du lịch, tổ chức roadshow xúc tiến du lịch, đón nhiều đoàn famtrip, các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ Thái Lan tới khảo sát điểm đến.
BỒI ĐẮP THÊM NIỀM TIN ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC VIỆT NAM-THÁI LAN
Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cho biết quan hệ hữu nghị Việt Nam-Thái Lan là tài sản hết sức quý giá của hai dân tộc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đặt những viên gạch đầu tiên. Thái Lan là quốc gia Đông Nam Á duy nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân trước khi từ nước ngoài trở về Việt Nam gây dựng sự nghiệp cách mạng. Trong hai năm hoạt động tại Thái Lan (1928 - 1929), Người đã đề ra chủ trương “Thái - Việt thân thiện” và dặn dò kiều bào Việt Nam giữ “quan hệ hữu nghị với người Thái”…
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nhìn nhận Đà Nẵng là thành phố có vị trí địa lý chiến lược, là cửa ngõ phía Đông mở ra Thái Bình Dương của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây nối với Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar; với hệ thống cơ sở hạ tầng đã và đang được đầu tư xây dựng một cách đồng bộ, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Chính quyền và doanh nghiệp Đà Nẵng luôn chủ động, tích cực trong việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bà Hằng cho biết Chính phủ Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Thái Lan kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam. Với sự đồng hành, hỗ trợ của các bộ/ngành Trung ương, trong đó có Bộ Ngoại giao và sự chung tay của bạn bè, đối tác, nhà đầu tư quốc tế, bà Hằng tin tưởng rằng các địa phương tham dự sự kiện Gặp gỡ Thái Lan tại Đà Nẵng sẽ là lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư Thái Lan trong thời gian tới.