Phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân
Đến ngày 4/5, toàn tỉnh có 7 nghìn héc-ta lúa xuân trỗ bông, đạt 28% diện tích. Ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh khuyến cáo nông dân chủ động phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ ở những ruộng có mật độ sâu cao, ruộng bướm dồn khi sâu non bằng các thuốc đặc hiệu như Vitarko 40WG, Voliam Targo 063SC, Silsau 4.0EC, 5.0EC, Dylan 5WG, Comda Gold 5WG…. Thời gian phun trừ khoảng từ ngày 8/5 - 15/5. Rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ lứa 2 xuất hiện ở giai đoạn lúa làm đòng - trỗ với mật độ rầy cao cần phòng trừ ngay bằng các thuốc nội hấp như: Chess 50WG, Chatot 600WG, Afta 300WP, SagoMetro 50WG… Để phòng trừ rầy đạt hiệu quả cao, trên ruộng phải có nước từ 2 - 3cm.
Chủ động phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trên diện tích đã nhiễm bệnh đạo ôn hại lá, đặc biệt trên các giống lúa nhiễm như nếp các loại, Q5, Thiên ưu 8… nhất là thời điểm lúa trỗ gặp mưa, độ ẩm cao. Phun phòng bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như Filia 525SE, Bankan 600WP, Kennedy 75WP, Dojione 40EC, Lúa vàng 20WP, Trizole 75WP… phun khi lúa trỗ được 3 - 5% diện tích. Đối với trà lúa trỗ sau ngày 10/5, nếu thời tiết nắng nóng, độ ẩm không khí thấp thì không cần phun phòng trừ. Bệnh khô vằn phát triển và gây hại gia tăng cần phòng trừ những nơi tỷ lệ bệnh cao bằng các thuốc: Tilt super 300EC, Sagograin 300EC, Nevo 330EC, Anvil 5SC… Bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn xuất hiện cần chủ động phòng trừ sớm bằng các thuốc như: Totan 200WP, Ychatot 900SP, Xanthomix 20WP… Phòng trừ sâu đục thân bướm hai chấm nơi xuất hiện mật độ ổ trứng cao trên 0,3 ổ/m2 bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như Vitarko 40WG, Voliam Targo 063SC, Dupont Prevathon 5SC, 35WG. Diện tích nhiễm lúa cỏ (lúa ma) cần ngắt bỏ những dảnh lúa ma mọc xen kẽ với các khóm lúa để giảm nguồn lan truyền sang vụ sau, đồng thời giảm khả năng cạnh tranh dinh dưỡng với cây lúa.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202305/phong-tru-sau-benh-hai-lua-xuan-17805c3/