Phòng truyền thống huyện Bình Lục - Cơ sở để xây dựng bảo tàng đồng chiêm

Theo đồng chí Lê Xuân Huy, Bí thư Huyện ủy Bình Lục, Phòng truyền thống huyện khi đi vào hoạt động sẽ trở thành nơi giáo dục truyền thống cho nhân dân địa phương, nhất là thế hệ trẻ; giúp mọi người nhận thức rõ việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử mà cha ông ta đã để lại và tầm quan trọng của giáo dục truyền thống trong công tác xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương.

Theo đồng chí Lê Xuân Huy, Bí thư Huyện ủy Bình Lục, Phòng truyền thống huyện khi đi vào hoạt động sẽ trở thành nơi giáo dục truyền thống cho nhân dân địa phương, nhất là thế hệ trẻ; giúp mọi người nhận thức rõ việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử mà cha ông ta đã để lại và tầm quan trọng của giáo dục truyền thống trong công tác xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương.

Bình Lục hiện có tổng số 376 di tích, trong đó 39 di tích được Nhà nước xếp hạng (22 di tích cấp quốc gia, 17 di tích cấp tỉnh), tiêu biểu là: Di tích cách mạng đình Triều Hộ, đình chùa Cổ Viễn, Di tích lưu niệm Từ đường Nguyễn Khuyến, Khu lưu niệm Cát Tường – nơi ghi dấu kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và động viên cán bộ, nhân dân đắp đập Cát Tường, đình Cả, xã Vũ Bản - nơi thờ Thái sư Trần Thủ Độ, người có công lớn trong việc sáng lập ra triều Trần... Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là khôi phục, phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống, phục dựng các lễ hội, các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian... phù hợp với cơ chế thị trường được xem là một trong những nhiệm vụ, giải pháp hàng đầu có ý nghĩa quan trọng, quyết định sự thành công của mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của huyện Bình Lục. Vậy nên chủ trương xây dựng phòng truyền thống Bình Lục được sự thống nhất cao trong cấp ủy, chính quyền huyện, sự đồng thuận lớn của nhân dân.

Năm 2021, Nhà hội trường đa năng và phòng truyền thống huyện Bình Lục đã được khởi công xây dựng, bao gồm các phòng: Phòng Truyền thống lịch sử văn hóa, phòng chiếu phim tư liệu, phòng trưng bày chuyên đề, phòng trưng bày chuyên đề văn hóa địa phương, phòng trưng bày chuyên đề nông nghiệp cổ truyền, 02 kho hiện vật. Hội trường đa năng khoảng 250 chỗ ngồi, phòng khách vip, phòng ăn buffet…

Một góc đình làng Ngọc Lũ (Bình Lục). Ảnh: Chu Uyên

Theo đồng chí Lê Xuân Huy, Bí thư Huyện ủy Bình Lục, Phòng truyền thống huyện khi đi vào hoạt động sẽ trở thành nơi giáo dục truyền thống cho nhân dân địa phương, nhất là thế hệ trẻ; giúp mọi người nhận thức rõ việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử mà cha ông ta đã để lại và tầm quan trọng của giáo dục truyền thống trong công tác xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương. Từ đây, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, chất lượng các phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa” có bước tiến mới, tạo môi trường sống lành mạnh, phong phú và giàu bản sắc dân tộc, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống của dân tộc đối với thế hệ sau; góp phần lan tỏa sâu rộng những hình ảnh đẹp về vùng đất, con người và truyền thống của quê hương Bình Lục.

Hiện UBND huyện Bình Lục đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin (VH&TT) phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện, UBND các xã, thị trấn phát động công tác sưu tầm hiện vật trong cán bộ, đảng viên và nhân dân gắn với giá trị văn hóa đất và người Bình Lục qua nhiều thời kỳ; huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện hiến tặng các hiện vật có giá trị lịch sử - văn hóa, xã hội. Đồng thời, nhờ Bảo tàng tỉnh hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ Phòng VH & TT trong quá trình sưu tầm, bảo quản, nhằm làm nổi bật được giá trị truyền thống trong mỗi hiện vật, tư liệu.

Phòng truyền thống được Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống yêu nước - truyền thống đấu tranh cách mạng với nhiều chiến công oanh liệt qua nhiều giai đoạn lịch sử và được xem như một dấu ấn, một nét riêng biệt, niềm tự hào của quê hương Bình Lục. Đó là thiết chế văn hóa đặc biệt, không đơn thuần là nơi trưng bày các tư liệu, hiện vật, hình ảnh mà còn là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Qua đó, mang lại cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ của huyện cùng với du khách gần xa có cái nhìn tổng quát nhất về lịch sử hình thành, phát triển cũng như những đặc trưng, thành tựu tiêu biểu nhất của vùng đất và con người huyện Bình Lục qua các thời kỳ lịch sử.

Trong tương lai, phòng truyền thống sẽ trở thành điểm kết nối quan trọng giữa du lịch làng nghề với du lịch văn hóa lịch sử cách mạng trên địa bàn huyện. Du khách có thể tới tham quan Phòng truyền thống huyện, đến Từ đường Nguyễn Khuyến thắp hương cụ Tam Nguyên Yên Đổ, thưởng lãm khung cảnh ao thu, đến Khu lưu niệm Cát Tường - nơi ghi dấu kỷ niệm Bác Hồ trực tiếp xuống động viên, cổ vũ cán bộ, đảng viên, nhân dân đang lao động tại công trường đắp đập Cát Tường (xã An Mỹ), trực tiếp trao cờ thi đua "Đơn vị chống hạn khá nhất" cho huyện Bình Lục và tặng Huy hiệu của Người cho những cá nhân xuất sắc trong phong trào chống hạn tỉnh Hà Nam; đến thăm làng nghề truyền thống sừng mỹ nghệ Đô Hai, làng nghề rượu Vọc (xã Vũ Bản), làng nghề dũa cưa Đại Phu (xã An Đổ)…

Phòng truyền thống huyện sau khi hoàn thiện sẽ là nơi lưu giữ và trưng bày các hiện vật, hình ảnh, tư liệu về quá trình hình thành và phát triển của mảnh đất và con người Bình Lục qua các thời kỳ lịch sử, giúp mọi người hiểu được sự hình thành, phát triển của huyện, sự thay đổi tên gọi và địa giới hành chính; truyền thống yêu nước chống xâm lược và đấu tranh cách mạng của nhân dân Bình Lục; dụng cụ sản xuất nông nghiệp truyền thống, các sản phẩm tái hiện nghề và làng nghề truyền thống, một số sản phẩm của công ty, doanh nghiệp, sản phẩm OCOP tiêu biểu và đa dạng, phong phú, hình ảnh ghi lại nét đẹp trong lao động sản xuất; những danh nhân, nhân vật lịch sử - những người con ưu tú của quê hương; hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đậm đặc, phong phú có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật; những danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng Đảng bộ và nhân dân huyện Bình Lục; Bình Lục trên con đường đổi mới và phát triển, trở thành huyện kiểu mẫu xứng đáng với niềm vinh dự là miền quê từng được Bác Hồ về thăm.

Phòng truyền thống dành không gian trang trọng để giới thiệu ảnh chân dung các đồng chí lãnh đạo huyện và các tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Nhà giáo Nhân dân, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng qua các thời kỳ. Những con người ấy chính là niềm tự hào, là đại diện, minh chứng thuyết phục nhất về vùng đất Bình Lục… Tất cả cho thấy hành trình và nét nổi bật trong sự phát triển kinh tế của huyện Bình Lục qua các thời kỳ, trên các lĩnh vực: nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, thương mại…

Du khách tham quan sẽ càng thêm thấu hiểu, trân trọng, cảm phục trước truyền thống cách mạng và đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc, giữ vững quốc phòng - an ninh của các thế hệ người dân nơi này. Vẫn còn đó âm vang của tiếng trống Bồ Đề nơi diễn ra cuộc biểu tình thị uy hưởng ứng cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đó là âm vang của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí chiến đấu kiên cường, mưu trí, dũng cảm. Cuộc khởi nghĩa đã trở thành một sự kiện lịch sử đáng nhớ, niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Lục nói riêng, Hà Nam nói chung. Cùng với âm vang trống lệnh, từng hiện vật, tư liệu sẽ như những thước phim quay chậm từ quá khứ hiển hiện trước mắt người xem, thì thầm kể chuyện đất và người Bình Lục kiên trung, anh hùng.

Tính đến thời điểm này, Bình Lục là địa phương thứ hai trong tỉnh đã khởi công xây dựng phòng truyền thống nhằm mục đích phát huy được vai trò quan trọng trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa - lịch sử của quê hương, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Việc xây dựng Phòng truyền thống chính là cơ sở để phát triển thành Bảo tàng đồng chiêm sau này, nhằm xây dựng và lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, kết nối văn hóa địa phương, phát triển du lịch.

Hoàng Oanh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/trang-binh-luc/chuyen-de/phong-truyen-thong-huyen-binh-luc-co-so-de-xay-dung-bao-tang-dong-chiem-81795.html