Phong tục thờ cúng tổ tiên : Cầu nối đưa đạo Phật đi vào lòng dân Việt

Tinh thần Phật giáo và phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt có mối liên hệ như thế nào trong dòng lịch sử? Phật giáo có thể đóng góp gì cho việc hiện đại hóa tang sự trong xã hội ngày nay? Đó là nội dung chính của cuộc trò chuyện giữa Giác Ngộ với nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn chia sẻ về lễ phục VN thời Nguyễn - Ảnh: Yên Hà

Nói về việc thờ cúng tổ tiên và quan niệm về “đời sống” sau cái chết trong truyền thống văn hóa Việt Nam, ông chia sẻ:

- Tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên có mặt trong văn hóa của dân tộc Việt Nam từ xa xưa, trước khi các tôn giáo, hệ tư tưởng như Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo truyền vào. Nho giáo không giải quyết được vấn đề đời sau, chỉ chú trọng hiện tại mà thôi; con người sống và phục vụ đời sống hiện tại, tập trung xây dựng một xã hội dựa trên cương thường, tránh bàn đến chuyện thần linh, ma quỷ. Lão giáo lại chủ trương siêu thoát thần tiên, tạm coi là đã tiết chế dục vọng, hướng tới một đời sống lành mạnh, gần với tự nhiên.

Riêng trong truyền thống Phật giáo, cái chết rất bình thường ngay từ ở Ấn Độ. Người chết rồi thì hỏa táng thả xuống sông, hay trên những vùng núi cao, người ta để xác cho chim ăn, tục đó vẫn duy trì cho đến hiện nay và họ cũng không có lăng mộ, đền đài. Tuy nhiên, khi các tôn giáo này du nhập vào Việt Nam, hầu như đều phải tôn trọng, không có sự phản bác nào với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt.

Thế kỷ XVII, khi đạo Thiên Chúa truyền vào Việt Nam, tôn giáo này không chấp nhận việc thờ cúng tổ tiên, chỉ đặt niềm tin và thờ phụng Thiên Chúa. Trong sách Phép giảng tám ngày của Linh mục Alexandre de Rhodes, có một điều được nhắc đến đó là người theo đạo Thiên Chúa phải tuyệt đối gạt bỏ các tôn giáo, tín ngưỡng khác. Bởi lý do đó, những chính quyền quân chủ trước đây cấm đoán nghiêm ngặt đạo Thiên Chúa vì cho rằng tôn giáo này khiến cho quần chúng Việt Nam đánh mất đi cái gốc văn hóa.

Nói như vậy để thấy rõ, đối với người Việt, sự thờ cúng tổ tiên rất quan trọng, vượt ngoài phạm vi tín ngưỡng, tôn giáo đơn thuần. Tam giáo Nho - Phật - Lão đều phải chấp nhận điều đó. Ngay tới sau này, Giáo hội Công giáo La Mã cũng nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề và có những cải cách cho phép tín hữu Công giáo Việt Nam được thờ cúng tổ tiên, phá bỏ bức tường ngăn cách người Việt với đạo Thiên Chúa.

Quan niệm “sống ở, thác về” đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt; ông có thể nói rõ hơn về quan niệm dân gian này?

- Người Việt coi trọng việc phụng thờ ông bà cha mẹ nhiều đời sau khi thác cũng ngang với phụng dưỡng cha mẹ ông bà còn sống. Họ luôn bị chi phối bởi niềm tin rằng “sống ở, thác về”: cõi âm của người chết là một thế giới chuyển tiếp từ cõi sống sang. Ông bà cha mẹ lìa đời thì trở về với tổ tiên họ tộc ở cõi âm, và dù có chết đi, vẫn quanh quẩn cùng con cháu. Từ đó mà có giỗ chạp, như một dịp để con cháu tưởng nhớ, làm những món ăn ngày xưa ông bà cha mẹ thích để dâng cúng. Ngày Tết, người ta tin ông bà cũng từ cõi âm về ăn Tết cùng con cháu, sáng pha trà tối dâng cơm như khi ông bà cha mẹ còn ở đời.

Phật giáo là một tôn giáo đã kết hợp với văn hóa Việt Nam qua quá trình lâu dài, biến chuyển và tạo nên những hình thái rất tốt đẹp, một trong số đó là cách thể hiện hiếu đạo. Đức Phật từng dạy rằng “Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật”.

Người Việt tin theo Phật và trong thực tế, sau khi cha mẹ qua đời, người Việt làm tang ma linh đình, lễ nghi phức tạp, xây dựng mồ mả đẹp đẽ chính là cách họ thể hiện niềm tin của mình.

Dưới đời Lý-Trần, khi Phật giáo thịnh hành, lệ hỏa táng rất thông dụng. Từ đời Lê trở về sau, khi Nho giáo chiếm vị trí chủ đạo, người Việt không còn chấp nhận chuyện thiêu đốt thân xác sau khi qua đời nữa. Việc xây lăng mộ kiên cố, to lớn cũng xuất phát từ đây. Nương theo thời thế, Phật giáo dần coi nghi lễ là một phương tiện báo hiếu, lồng ghép sự cầu nguyện vào bên trong và tùy theo khả năng mà người đời dốc tận lực để thực hiện những nghi lễ đó nhằm báo hiếu tổ tiên, phụ mẫu.

Như vậy, có phải người Việt luôn tin chết không phải là hết, thưa ông?

- Không biết những người trẻ hiện nay thế nào, riêng thế hệ chúng tôi hoặc thế hệ cha mẹ chúng tôi xưa, đa số không đặt nặng quan điểm về Đức Phật, Chúa, hay vị Thánh nào cả. Mỗi khi con cái đau ốm, việc họ làm là đốt hương khấn ông nội, ông cố hay bà cô nào đó… phù hộ. Họ coi những bậc tổ tiên sau khi quá vãng của mình như những vị thần, bởi chỉ thần thánh mới có quyền hạn thay đổi những gì liên quan tới sự sống ở dương gian. Người Việt tin rằng tổ tiên của mình có quyền hạn đối với con cháu, có thể phù hộ cho con cháu làm ăn may mắn, sức khỏe dồi dào,…

Trong văn hóa Phật giáo Việt Nam, cái chết và sự ứng xử với người quá cố cũng là một điều rất được chú trọng?

- Người Phật tử học Phật sẽ thấy nghiệp chi phối mọi sự thay đổi của đời sống, chấm dứt được nghiệp thì cũng thoát ra được vòng lẩn quẩn của đời sống. Chết rồi thì phải chuyển kiếp, theo nghiệp lực mà tái sinh. Nghiệp lực như một sức đẩy con người vào cõi khác tốt hơn hoặc xấu hơn, tùy mỗi người, không hề có sự thưởng phạt nào. Thế nhưng dù có là Phật tử, nghe giảng luân hồi, tái sinh, học về giáo lý của Phật, nhưng trong tiềm thức truyền từ đời này sang đời khác, người Việt vẫn bám víu vào niềm tin dân gian rằng mình luôn có ông bà cha mẹ ở bên, không mất đi bao giờ.

Cũng bởi không ai muốn niềm tin đó đứt đoạn, nên việc thờ cúng tổ tiên, giữ gìn mồ mả với văn hóa Việt Nam rất được coi trọng. Người Việt có thể cả đời không đi chùa, thờ Phật, nhưng khi cha mẹ qua đời, họ vẫn thỉnh nhà sư đến tụng kinh, cầu siêu độ, đó chính là cầu nối đem đạo Phật vào đời. Vấn vương suy nghĩ muốn báo hiếu, rất nhiều người chọn việc gửi di cốt ông bà cha mẹ vào chùa vì tin rằng ở đó, ông bà cha mẹ sẽ tiếp tục được gần gũi Phật pháp, nghe kinh kệ.

Chính vì vậy, vừa qua, khi những sự việc đáng tiếc liên quan tới di cốt được gửi trong chùa xảy ra, chúng ta đừng chối cãi rằng Phật giáo không tán đồng với tín ngưỡng thờ linh thờ cốt hay đó không thuộc về giáo lý của Phật. Như đã nói, đây là niềm tin riêng trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Người xưa cũng tin mồ mả, di hài, di cốt của tổ tiên là điều rất hệ trọng, tác động ngược lại với những người đang sống, “Không mả đố ả làm nên”. Nếu đi ngược lại với văn hóa dân tộc, Phật giáo sẽ mất đi chân đứng của mình trong nhân dân. Sở dĩ Phật giáo có được quần chúng đông đảo như ngày hôm nay, đó là bởi Phật giáo đã khéo léo dung hợp những niềm tin như vậy để tạo ra sự liên hệ mật thiết giữa chùa chiền, sư sãi với nhân dân.

Hướng về tổ tiên - đạo lý được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác...

Cho đến nay ở một số nơi, chẳng hạn tại khu vực miền Trung, đại đa số người dân vẫn đặt nặng chuyện tang nghi, mồ mả và rất sợ… hỏa táng. Theo ông, điều này liệu có quá bất cập trong một xã hội hiện đại?

- Theo tôi, vấn đề nằm ở việc “khai dân trí”. Nếu muốn dân trí phát triển, ngoài nền giáo dục chính thống, các tôn giáo cũng phải góp phần của mình vào việc này. Phật giáo vốn không đặt nặng vấn đề tang ma hiếu hỷ trong giáo lý nguyên thủy của mình; nhưng dưới chế độ quân chủ trong quá khứ, người ta buộc phải xây dựng, củng cố những điều kể trên bởi họ coi đó là biểu trưng của hiếu đạo. Hiện nay, khi xã hội đã mở mang, nhà chùa phải giúp cho Phật tử nhìn rõ về chuyện sống chết. Trước tiên, việc truyền giảng những giáo lý căn bản phải được thực hiện một cách thường xuyên, dễ hiểu để quần chúng nắm rõ, giảm thiểu những nghi lễ rườm rà, phức tạp khiến tuổi trẻ xa cách với chùa chiền, Phật pháp.

Trong tang sự, chính những nhà sư phải là biểu tượng của sự giản đơn. Nếu nhà sư không làm gương, vẫn thực hiện tang sự rườm rà, mộ tháp to lớn, thì tín đồ, quần chúng làm sao nghe theo? Ở cố đô Huế, nơi còn giữ tục lệ tang ma, chôn cất cầu kỳ, những nhà sư phải tiên phong trong việc hỏa táng. Ví dụ như Hòa thượng Trí Quang đã di huấn tổ chức tang sự đơn giản, ngắn ngày, không phúng điếu, không vòng hoa, thực hiện việc hỏa táng sau khi viên tịch, hay có thể Hòa thượng Nhất Hạnh, rồi đây, theo di nguyện, ngài cũng sẽ thực hiện việc này. Đó là những vị suốt cuộc đời đã đau đáu với việc chấn hưng Phật giáo, đến cuối cùng, bài học để lại của các ngài cũng là sự giản dị về tang sự.

Đồng thời, nếu chính quyền thấy đây là một điều cần thiết cho việc cải cách xã hội theo hướng hiện đại, cũng nên yểm trợ cho các tôn giáo xây dựng đài hỏa táng, tháp phổ đồng để việc hiện đại hóa tang sự phổ biến trong nhân dân.

Bất cứ tại đâu cũng phải có những bước khởi đầu. Ngay chính ở miền Nam những thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, các bậc danh tăng lãnh đạo Phật giáo lúc bấy giờ như quý Hòa thượng Thiện Hoa, Thiện Hòa đã chủ trương việc hỏa táng, xây dựng đài hỏa táng An dưỡng địa ở Phú Lâm và bản thân các ngài đã tiên phong trong việc hỏa táng sau khi viên tịch. Bởi các bậc lãnh đạo tinh thần vừa nói vừa làm mà việc hỏa táng dần phổ biến trong dân chúng miền Nam.

Là nhà nghiên cứu từng có quá trình dài tham gia vào lĩnh vực văn hóa của Giáo hội, ông có kiến nghị nào trong việc tổ chức hoạt động xã hội, tang ma trong thời đại hiện nay?

- Hiện tại, chúng ta đã đào tạo được một số lượng lớn Tăng Ni trẻ có trình độ, tạo lập những địa điểm tu học rất thuận lợi như Học viện Phật giáo Việt Nam hay chùa Thanh Tâm. Làm sao để sau khi những vị này học xong phải làm việc cho Giáo hội trong những lĩnh vực mà xã hội đang cần nhằm mục tiêu phổ biến Phật pháp để cải hóa đời sống.

Riêng với các vị Tăng Ni trẻ, khi nhận chùa, đầu tiên, họ phải xác định ngôi chùa mình nhận sẽ lễ bái, tu trì theo pháp môn gì, hoạt động chuyên biệt theo lĩnh vực gì: chăm sóc người già, nuôi dạy trẻ em hay chuyên lưu giữ tro cốt cho bá tánh. Ngay như việc lưu giữ tro cốt, nên dành cho những ngôi chùa có diện tích lớn, có khả năng xây cất những khu vực thờ tự rộng rãi, xây dựng tháp để tro cốt riêng. Đơn cử như chùa Vĩnh Nghiêm là nơi đã thực hiện việc này rất quy củ.

Hay trong lĩnh vực nuôi dạy trẻ, việc cần làm hiện nay đó là phải tìm những ngôi chùa, đặc biệt là các chùa Ni có không gian rộng rãi, phù hợp, có các sư cô đi học chuyên ngành mẫu giáo về, để thiết lập những cơ sở nuôi dạy trẻ chuyên nghiệp. Trong đó các vị Tăng có thể tham gia với vai trò điều hành, các vị Ni cũng có thể tham gia điều hành hoặc công tác trực tiếp. Các chùa bình thường khi tiếp nhận cô nhi, chỉ nên nhận nuôi trong vài tháng cho mạnh khỏe rồi đưa đến các cơ sở chuyên nghiệp nói trên. Tại các cơ sở này, trẻ con được nuôi dạy đến khoảng 10 tuổi, sau đó phân chia trẻ trai, trẻ gái sang những cơ sở riêng biệt để các cháu có khả năng phát triển. Chúng ta đừng nên để tình trạng nuôi dạy trẻ tự phát từ thời đất nước còn nhiều khó khăn tiếp diễn như hiện nay, để rồi phát sinh những tình trạng ngoài ý muốn.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!

"Sau khi qua đời, tổ tiên được con cháu thờ cúng một cách hiếu thảo. Mọi người Việt Nam đều tuân theo tục thờ cúng này, không hề miễn cưỡng, dù họ thuộc thứ bậc nào trong xã hội. Tội bất hiếu nặng nhất mà con trai phạm phải là không cúng ông bà, cha mẹ.

Người Việt Nam kính trọng cha mẹ đã qua đời như cha mẹ còn sống. Sau khi cha mẹ mất, con cái vẫn tiếp tục kính trọng và yêu quý cha mẹ. Thờ cúng tổ tiên không giống như đạo thờ các thần linh. Thờ cúng tổ tiên chỉ căn cứ ở lòng biết ơn và kính trọng những người đã sinh thành ra mình, nuôi nấng, dạy dỗ mình. Nguyên tắc đạo đức chi phối quan hệ giữa những người đang sống trong gia tộc vẫn tiếp tục, không thay đổi, sau khi từ biệt. Người ta coi cái chết đơn giản chỉ là buộc phải đi theo tổ tiên đã khuất của đại gia đình, sau một cuộc đời trần thế tương đối dài”.

Nguyễn Văn Huyên

Trích Văn minh Việt Nam

Nguyễn Phú Cường thực hiện / Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//sukien/diendanxaydung/2020/09/22/3bd2db/