Phòng tuyến tỷ giá vẫn đang chịu áp lực lớn
Tỷ giá USD/VND duy trì ổn định trong tháng qua, bất chấp xu hướng tăng giá của nhiều đồng tiền khác so với USD, cho thấy áp lực mất giá của VND vẫn hiện hữu trong bối cảnh triển vọng chính sách thuế quan còn bất định, và theo nhận định của VDSC, đồng nội tệ có thể mất giá 3-5% trong cả năm 2025...

Theo khảo sát của Thương Gia, tỷ giá trung tâm hôm nay (28/5) được Ngân hàng Nhà nước tăng trở lại 12 đồng, lên mức 24.947 VND/USD. Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 23.700 - 26.194 VND/USD. Tỷ giá mua bán tham khảo cũng được Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước nâng tương ứng lên phạm vi 23.750 - 26.144 VND/USD.
Tại các ngân hàng quốc doanh, tỷ giá USD của VietinBank tăng nhẹ trên cả ba loại hình giao dịch. Cụ thể, tỷ giá mua tiền mặt và mua chuyển khoản lên mức 25.765 VND/USD; trong khi tỷ giá bán ra cũng tăng tương ứng, đạt 26.125 VND/USD.
Tỷ giá USD tại Vietcombank được ghi nhận ở mức mua tiền mặt là 25.710 VND/USD, mua chuyển khoản là 25.740 VND/USD, và bán ra là 26.100 VND/USD. Đồng USD giữ nguyên tỷ giá ở cả ba chiều mua tiền mặt, mua chuyển khoản và bán ra.
Tương tự, tỷ giá USD tại BIDV giữ nguyên so với phiên trước. Cụ thể, cả ba loại giao dịch đều không thay đổi: mua tiền mặt và mua chuyển khoản ở mức 25.740 VND/USD, trong khi bán ra vẫn được niêm yết ở mức 26.100 VND/USD.
Tại các ngân hàng tư nhân, tỷ giá USD tại Sacombank tiếp đà tăng thêm 23 đồng ở cả hai chiều mua - bán. Theo đó, tỷ giá mua tiền mặt và chuyển khoản đồng loạt đạt 25.735 VND/USD, trong khi chiều bán ra được niêm yết ở mức 26.115 VND/USD.
Với ngân hàng ACB, giá USD tăng 20 đồng ở cả ba hình thức giao dịch. Giá mua tiền mặt lên 25.730 VND/USD, mua chuyển khoản là 25.760 VND/USD và bán ra đạt 26.110 VND/USD.
Trên thị trường "chợ đen", đồng USD hiện được giao dịch ở mức 26.250 - 26.350 VND/USD, giá mua bán USD không đổi so với mức ghi nhận giờ này sáng qua.
Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, có ba xu hướng lớn đang định hình lại môi trường tiền tệ toàn cầu: lo ngại gia tăng về nợ và thâm hụt ngân sách, đặc biệt sau khi Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ; khả năng hình thành các thỏa thuận can thiệp thị trường ngoại hối liên quan đến đàm phán thương mại và xu hướng đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
Các chuyên gia VDSC cho rằng, những thay đổi này sẽ định hình triển vọng suy giảm sức mạnh của đồng USD trong trung và dài hạn. Điều này nhìn chung sẽ có lợi đối với việc kiểm soát sự ổn định của tiền đồng.

Thực tế, tỷ giá USD/VND ổn định trong tháng qua trong bối cảnh hầu hết các đồng tiền khác đều tăng giá so với đồng USD phản ánh một thực tế là áp lực mất giá của đồng VND vẫn neo giữ trước triển vọng bất định về chính sách thuế quan.
Một kết quả đàm phán thuận lợi sẽ giúp giữ mức mất giá của đồng VND. Hiện tại, các chuyên gia VDSC vẫn giữ quan điểm đồng VND có thể mất giá từ 3-5% trong cả năm 2025.
Trong khi đó, Chứng khoán VCBS đánh giá, trong bối cảnh các yếu tố bất định, và lo ngại về khả năng Việt Nam chịu mức thuế đối ứng cao, tỷ giá biến động nhiều hơn trong ngắn hạn. Thời gian tới, các hoạt động xuất khẩu (đặc biệt xuất khẩu tới thị trường Mỹ) có thể chậm lại và thậm chí chịu thiệt hại, trong bối cảnh chưa có quyết định cuối cùng về thuế quan.
Tuy nhiên, trong điều kiện Việt Nam vẫn chứng minh được nền tảng ổn định vững chắc, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến lý tưởng của dòng vốn đầu tư và các hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Các chuyên gia của VCBS cho rằng: “Mặc dù tỷ giá có thể chịu áp lực trong ngắn hạn, tuy nhiên, vẫn kỳ vọng thị trường ngoại hối diễn biến tích cực hơn, thay vì chịu áp lực bật tăng nhanh và mạnh như trong thời gian gần đây”.
Cùng chung quan điểm, các chuyên gia phân tích của Chứng khoán MB (MBS) nhận định, dù đang chịu nhiều áp lực song cũng có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ cho đồng VND.
Các chuyên gia MBS kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong khoảng 25.500 – 26.000 VND/USD trong năm 2025 khi các kế hoạch nới lỏng tài khóa của chính quyền mới, kết hợp với các chính sách nhập cư chặt chẽ hơn, cùng với lãi suất cao và chủ nghĩa bảo hộ tương đối cao của Mỹ, dự kiến sẽ hỗ trợ cho việc gia tăng giá trị của đồng USD trong năm 2025.
Ngoài ra, các chính sách thuế quan khó đoán định từ phía Mỹ dự kiến sẽ tạo ra nhiều thách thức cho hoạt động xuất khẩu, thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian tới và có thể gây áp lực lên dự trữ ngoại hối.
“Tuy nhiên, cho tới nay các yếu tố nội tại vẫn đang ghi nhận những kết quả tích cực như: thặng dư thương mại (khoảng 3,79 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2025), vốn FDI giải ngân (6,74 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ) và sự phục hồi của lượng khách du lịch quốc tế (tăng 23,8% so với cùng kỳ trong 4 tháng năm 2025). Điều này được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đồng VND”, các chuyên gia của MBS nhận định.