Phòng và trị sâu keo phá hoại bắp
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện loại sâu mới gọi là sâu keo mùa thu đang phá hoại nhiều diện tích bắp của người dân. Hiện sâu non và sâu trưởng thành có khả năng kháng thuốc, sâu trưởng thành đã có thể di chuyển và phát tán xa, gây tâm lý lo lắng cho nông dân.
Sâu lạ bùng phát
Mặc dù nhiều năm làm nông nghiệp nhưng lần đầu tiên ông Võ Văn Thống ở ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi (Đồng Phú) chứng kiến một loại sâu lạ có sức tàn phá nhanh như vậy. Chúng xuất hiện và tập trung nhiều nhất ở khu vực có vườn bắp đang xoáy nõn và trổ cờ. Gia đình ông Thống có 6 ha bắp nhưng hiện cây nào cũng bị nhiều sâu hại. Với mật độ trung bình 6-7 con sâu/cây, nhiều cây có cả sâu non, sâu trưởng thành và nhộng... ăn trụi lá bắp non.
Ông Thống cho biết, sâu keo mùa thu bùng phát rất nhanh, chỉ sau 1 đêm đã phá hoại diện tích lớn vườn bắp. Gia đình ông phải phá một lứa bắp và trồng lại lứa thứ hai nhưng vẫn bị sâu tàn phá. Để cứu diện tích bắp, ông đã mua thuốc về phun nhiều lần nhưng không ăn thua bởi loại sâu này có khả năng kháng thuốc và di chuyển, phát tán rất xa. Không chỉ phá hoại lá và đọt non, sâu keo mùa thu còn phá hoại cả trái bắp.
Vườn bắp của gia đình anh Võ Văn Đức ở ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi (Đồng Phú) bị sâu keo mùa thu tàn phá
Cũng tại ấp Thạch Màng, gia đình anh Võ Văn Đức trồng 6 ha bắp đang bị loại sâu này tàn phá. Mấy năm trước, gia đình anh thu về hơn 10 tấn bắp/ha/vụ, thế nhưng năm nay dịch sâu keo mùa thu bùng phát, phá hoại gần hết diện tích bắp nên anh phải chặt bỏ để tiêu hủy. Anh Đức cho biết, số cây bắp còn lại cho thu hoạch chẳng đáng là bao, trong khi 10 trái thì có tới 9 trái bị sâu keo phá hoại. Nhiều trái bắp lật ra có tới 4-5 con sâu bên trong.
Sâu keo mùa thu thuộc bộ cánh vảy, họ ngài (bướm) đêm. Sâu trưởng thành hoạt động về ban đêm, từ khi mọc cánh đến lúc đẻ trứng, chúng có thể bay nhiều kilômét để tìm nơi sinh sản. Đặc biệt, chúng có thể di chuyển xa hàng trăm kilômét nhờ gió nên khả năng phát tán dịch bệnh rất cao. Sâu trưởng thành sống trung bình 12-14 ngày với mỗi lần đẻ 50-200 quả trứng. Một sâu cái trưởng thành có sức đẻ từ 1.000-2.000 trứng. Sâu non có 6 tuổi, thời gian sâu non kéo dài 14-21 ngày, nếu độ ẩm cao, nhiệt độ thấp thì thời gian pha sâu non kéo dài khoảng 30 ngày và đây là giai đoạn chúng gây hại chính cho cây bắp. Sâu non mới nở có thể nhả tơ để nhờ gió phát tán đến các cây khác gần đó gây hại. Sâu non, nhộng, trứng, thậm chí sâu trưởng thành di chuyển theo sản phẩm, phế phụ phẩm của cây ký chủ, trong quá trình vận chuyển cây ký chủ qua biên giới hoặc theo hàng hóa thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc giữa các địa phương trong nước.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Phú cho biết, đến nay trên địa bàn huyện có khoảng gần 44 ha bắp bị sâu keo mùa thu gây hại, với mật độ phổ biến 1-4 con/m2, mật độ cao 10-15 con/m2. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều đợt mưa dầm, cộng với sự phát triển nhanh, mạnh và sức tàn phá lớn của sâu nên thiệt hại càng nghiêm trọng hơn.
Ngay từ khi phát hiện sâu keo mùa thu bùng phát tại Bình Phước, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh và các huyện đã cử cán bộ chuyên môn về cơ sở điều tra, giám sát. Trong khi chờ hướng dẫn cụ thể của cơ quan chuyên môn cấp trên, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh phối hợp các huyện giám sát và tư vấn nông dân biện pháp phòng trừ. Trước mắt, tập trung vào diện tích bắp 3 lá đến giai đoạn xoáy nõn, đây là giai đoạn mật độ sâu gây hại rất cao; đồng thời, tiến hành phòng trừ, khuyến cáo nông dân sử dụng một số loại thuốc nội hấp, lưu dẫn, đặc biệt giai đoạn bắp xoáy nõn đến trổ cờ.
Phòng, chống sâu keo mùa thu như thế nào?
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sâu keo mùa thu là loại sâu hại mới, xâm nhập vào nước ta từ tháng 4-2019. Đây là loại sâu hại có khả năng di chuyển rất xa, vòng đời ngắn, có nhiều lứa và thời gian các lứa sâu đan xen nhau nên rất khó trong phòng, chống.
Toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 3.000 ha bắp đang giai đoạn 60 ngày tuổi đến thời kỳ chuẩn bị cho trái. Hiện nay, diện tích sâu keo gây hại lên tới 56 ha, trong đó mức độ gây hại nặng trên 17 ha, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Đồng Phú và Chơn Thành.
Trước tình trạng đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ giữa tháng 8-2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã chỉ đạo đơn vị chuyên môn, UBND xã, phường, thị trấn thực hiện triệt để việc phòng và trị bệnh sâu keo mùa thu bằng nhiều biện pháp như làm sạch cỏ dại xung quanh vườn trồng bắp để hạn chế nơi trú ẩn của sâu. Làm đất rồi phơi đất khô để ấu trùng, nhộng trong đất chết hoặc dễ dàng bị thiên địch tiêu diệt. Luân canh bắp và các cây ngắn ngày khác để diệt nhộng trong đất. Làm đất kỹ cũng góp phân diệt nhộng trong đất. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt ở giai đoạn bắp 3-6 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy. Sử dụng tro bếp hoặc nước xà bông loãng đổ vào nõn bắp diệt sâu non. Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học để bảo vệ thiên địch sâu keo mùa thu. Sử dụng chế phẩm nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn BT, virus NPV để phun trừ sâu non. Thả ong ký sinh trứng (ong mắt đỏ...), các loài bắt mồi ăn thịt như bọ đuôi kìm để kiểm soát sâu non mới nở. Dùng bẫy bả chua ngọt, bẫy đèn bằng cách sử dụng bẫy dính màu vàng có pheromone giới tính, hoặc bẫy đèn để diệt sâu trưởng thành.
Đặc biệt, nông dân nên dùng các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng để phun trừ sâu non khi cây bắp ở giai đoạn 3-6 lá. Thời điểm phun vào sáng sớm hoặc chiều mát để đạt hiệu quả cao nhất. Nếu trong trường hợp danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam chưa có thuốc trừ sâu keo mùa thu thì cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật trong phòng trừ loại sâu hại này.
Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/phong-va-tri-sau-keo-pha-hoai-bap-432014