Phỏng vấn một con trâu
Phóng viên (PV): Thưa anh, xin chúc mừng vì năm nay là năm của anh.
Trâu: Cảm ơn nhà báo. Nhưng thú thực, năm của ai người đó vui hơn nhưng cũng nhiều lo toan và suy nghĩ hơn.
PV: Ví dụ như anh phải lo gì nào?
Trâu: Rất phong phú. Chẳng hạn như tôi hay đứng bên đường nhìn những chuyến xe Tết về quê.
PV: À, Tết về quê, đó là một tập quán, một lối sống, một phong cách rất tốt mà cả triệu người Việt vẫn làm.
Trâu: Vâng. Đặc biệt là những nam, nữ công nhân lao động phải đi lên thành phố mưu sinh xa nhà. Họ đông vô kể.
PV: Ừ. Đông lắm.
Trâu: Tôi nhìn họ chen chúc trong những chuyến xe ngày Tết, và hiểu trong tâm trạng của những con người ấy rất nhiều cảm xúc vui buồn ngổn ngang.
PV: Thế vui nhiều hơn hay buồn nhiều hơn?
Trâu: Theo tôi là hai thứ ấy ngang nhau. Nhưng đặc biệt năm dịch bệnh này chắc nỗi buồn nhiều lắm.
PV: Vâng. Chắc vậy. Chả cần đọc báo cũng biết, rất nhiều công ty đã sa thải bớt công nhân hoặc giảm giờ làm. Nghĩa là thu nhập của những người xa quê kém hẳn đi.
Trâu: Nói cách khác. Đồng lương không tới đúng hẹn, nhưng Tết thì đã lên lịch sẵn tới cả trăm năm. Những người con xa xứ vẫn muốn trở về mặc dù túi tiền không như trước nữa.
PV: Để gặp mẹ cha.
Trâu: Sau đó anh em, gặp hàng xóm và con hàng xóm. Mà đám trẻ ấy rất đông.
PV: Anh nói điều ấy hàm ý gì?
Trâu: Hàm ý là ở đâu có trẻ con, ở đó có một thứ miền Nam gọi là lì xì, miền Bắc gọi là mừng tuổi.
PV: A, biết rồi. Đó là đưa một chút tiền, để trong một cái bao đỏ.
Trâu: Đỏ hay xanh, vàng hay trắng thì bao không quan trọng, quan trọng là thứ ở trong bao.
PV: Ít hay nhiều!
Trâu: Tùy vào hoàn cảnh. Nhưng có lẽ ít nhất, nhỏ nhất hôm nay cũng khoảng năm chục ngàn đồng, còn cao hơn nữa là vô tận.
PV: Nghĩa là sao?
Trâu: Nghĩa là nam nữ công nhân về làng đi khắp họ hàng, đi khắp lối xóm mà gặp trẻ con phải rải phong bì, thì số tiền phải chi ra không hề nhỏ.
PV: Tôi cũng hiểu là không hề nhỏ. Nhưng tự nguyện mà.
Trâu: Tự nguyện ư? Tôi chả tin như thế. Nói vậy chả khác nào bảo trâu tự nguyện kéo cày. Rõ ràng tôi thích chơi hơn, thích đi tha thẩn gặm cỏ xanh hơn.
PV: Thôi vậy trở lại chuyện của người đi anh ơi.
Trâu: Không nghi ngờ gì nữa, Tết đối với rất nhiều người trẻ về quê thì số tiền lì xì là một nỗi ám ảnh cực lớn, mặc dù chả ai dám nói ra.
PV: Vâng.
Trâu: Nếu như tiền cho mẹ, cho cha, cho anh chị em có thể đếm được và chịu đựng được về mặt cảm xúc, thì tiền lì xì không thế. Nó khiến người đưa không hề thoải mái mà bực bội vì có cảm giác đó là một thứ thuế bất công, cứ đeo đuổi người ta từ tết này sang tết khác.
PV: Ừ. Mà rõ ràng bất công thật.
Trâu: Nói thẳng ra phần lớn những đứa trẻ nhận tiền lì xì chẳng làm gì cho có ích. Chúng mua lăng nhăng và tiêu vào những việc lăng nhăng. Thế nhưng đó là đồng lương chắt bóp của những người lao động suốt năm, quần quật chốn đô thành.
PV: Như vậy là trẻ con ác ư?
Trâu: Trẻ con không ác. Nhưng vô tư và vô cảm thì có. Đã thế rất nhiều đứa trẻ tinh ranh thấy khách đến chơi là xán đến, chào hỏi và lẩn quẩn cho đến khi nhận được tiền thì mới chịu đi. Rồi nhiều người lớn không biết điều, cứ đến gặp ai là mang theo một đống con như đi thu thuế. Thành ra lì xì trở thành một cái nợ, thậm chí trở thành một cơn ác mộng thật sự đã bao nhiêu năm nay mà người ta chả dám nói ra.
PV: Khổ quá nhỉ.
Trâu: Khổ nhất là rất nhiều người tức tối. Buồn rầu mà không dám nói vì họ sợ mang tiếng nhỏ nhen, mặc dù số tiền ấy chả nhỏ chút nào.
PV: Còn anh thì sao?
Trâu: Tôi là trâu. Tôi chân chất và thẳng tính. Tôi nói ra điều này ai ghét thì chịu, chứ tôi bực bội và thương cảm lắm rồi.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/tro-chuyen-cuoi-thang/phong-van-mot-con-trau-628614/