Phòng vệ thương mại, không để 'nước đến chân mới nhảy'
Thay vì chỉ chạy theo những vụ kiện với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đến nay, các cơ quan chức năng đã chủ động bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước bằng cách dựng các hàng rào phòng vệ thương mại với hàng nhập khẩu.
Có thể thấy, xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư được đánh giá là "cỗ xe tam mã" kéo tăng trưởng cho nền kinh tế. Ðúng với sự ví von đó, xuất, nhập khẩu luôn được coi là một trong những trụ cột tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế trong nước với mức tăng lên đến hai con số, kể cả trong giai đoạn đất nước gặp khó khăn do đại dịch.
Nhìn lại sáu tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cũng ước đạt con số tương đương với 185,23 tỷ USD, tăng 15,5% so cùng kỳ năm trước. Dự báo, cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa có thể vượt mốc kỷ lục 700 tỷ USD, trong đó cán cân thương mại có thể ở mức tương đối cân bằng, hoặc xuất siêu nhẹ! Có nghĩa là, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa có thể tiệm cận con số 350 tỷ USD.
Hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ đã và đang mang lại cơ hội ngàn vàng cho hàng hóa xuất khẩu của nước ta. Và thực tế, doanh nghiệp xuất khẩu đã hiện thực hóa cơ hội tương đối tốt. Tuy nhiên, ở góc độ khác, hàng hóa nhập khẩu cũng có cơ hội vào Việt Nam. Với mức thuế giảm sâu, một mặt, người tiêu dùng được mua hàng hóa nhập khẩu chất lượng với giá tốt, doanh nghiệp có được nguồn hàng nhập khẩu chất lượng để sản xuất, song mặt khác, doanh nghiệp trong nước cũng sẽ phải đối diện với nguy cơ hàng hóa bị bán phá giá, gây ảnh hưởng đến thị phần cũng như ảnh hưởng đến sản xuất. Phải khẳng định rằng, rào cản phòng vệ thương mại là điều doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải đối diện. Song, ở chiều ngược lại, cũng đòi hỏi hàng rào phòng vệ phải được dựng lên hiệu quả hơn với hàng nhập khẩu để bảo vệ doanh nghiệp và giữ thị trường nội địa.
Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, các vụ kiện về phòng vệ thương mại mới chỉ lác đác xảy ra, và ở vai trò doanh nghiệp Việt Nam đi hầu kiện. Song nhìn lại những năm gần đây, vai trò đã dần cân bằng. Số liệu của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho thấy, đến thời điểm hiện tại đã có 214 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Riêng trong nửa đầu năm 2022, đã có 12 vụ việc điều tra mới đối với các sản phẩm sắt thép, tủ gỗ, pin năng lượng mặt trời...
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cơ quan chức năng của Bộ Công thương cũng đã khởi xướng điều tra áp dụng tổng cộng 25 vụ việc phòng vệ thương mại. Các mặt hàng điều tra đa dạng gồm: các sản phẩm kim loại cơ bản, hóa chất, phân bón DAP, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng cơ bản. Trong đó, có nhiều sản phẩm có mối quan hệ mật thiết và đặc biệt quan trọng tới đời sống của người nông dân (sản phẩm đường, bột ngọt).
Một thống kê mới đây cho thấy, các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng nhập khẩu hiện đang bảo vệ các ngành sản xuất trong nước chiếm đến 10,27% GDP của Việt Nam (ước tính theo GDP năm 2021) và công ăn việc làm của hàng trăm nghìn lao động.
Với việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hợp lý, công khai, phù hợp cam kết quốc tế, điều dễ nhận thấy là các ngành sản xuất trong nước được bảo vệ trước những hành vi cạnh tranh không bình đẳng, từ đó tạo điều kiện để các ngành sản xuất trong nước phát triển, tạo thêm việc làm và giá trị gia tăng cho nền kinh tế.