Tập trung đầu tư để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với 13 tỉnh, thành là cực tăng trưởng của khu vực phía Nam, là trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước.

Tuy nhiên nơi đây đang được xem là “vùng trũng” về nhiều mặt, như: tăng trưởng kinh tế, đời sống sinh kế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, hiện trạng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Vì thế nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) kiến nghị, đã đến lúc cần “bơm máu” để cực tăng trưởng phía Nam tăng tốc phát triển.

ĐBQH Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) cho rằng, hiện nay ĐBSCL còn nhiều hạn chế như: thiếu công nghệ, thiếu nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông, nhưng quan trọng hơn là chính sách phát triển và sự liên kết để phát triển của các địa phương. Một vấn đề khác của ĐBSCL là chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, có thể trong tương lai gần thì nơi đây vẫn là nơi được thiên nhiên ưu đãi nhưng xa hơn thì khó nói, bởi quy luật 2 mùa mưa nắng ít nhiều cũng đã thay đổi.

Vì thế, theo ông Sinh, Chính phủ cần có những chính sách mạnh mẽ hơn để phát triển ĐBSCL.

Cũng bày tỏ tâm tư, ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) phản ánh, trong thời gian qua Chính phủ rất quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bố trí vốn theo yêu cầu của nhiều tỉnh đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên hầu như chỉ tập trung các công trình lớn từ các tỉnh tuyến trên, còn hệ thống giao thông thủy lợi ở Cà Mau hầu như không được đầu tư công trình lớn nào nên hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất của tỉnh không đáp ứng được yêu cầu sản xuất trong điều kiện tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay.

Do đó, ông Thanh kiến nghị Trung ương, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sớm đầu tư giai đoạn 2 của hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé. Nếu hệ thống này sớm được thi công, đưa vào sử dụng sẽ làm chậm xâm nhập mặn của khu vực ĐBSCL để phục vụ sản xuất, đủ điều kiện bơm nước vào hệ thống kênh trong mùa khô để phục vụ tình trạng bị thiếu nước cuối mùa vụ và giảm nguy cơ sụt lún, sạt lở, phát huy tối đa khu vực này.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long) phân tích: Chưa bao giờ hạ tầng ĐBSCL được dồn lực đầu tư mạnh mẽ như hiện nay. Từng là vùng trũng cao tốc, đến nay đã có 120km cao tốc TPHCM - Cần Thơ được đưa vào khai thác, mục tiêu đến năm 2025 toàn vùng sẽ có khoảng 548km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác và đến năm 2030 là 763km. Đây là những quyết sách quan trọng của Quốc hội, sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, mở ra cơ hội đầu tư, tạo đột phá về hạ tầng giao thông, thúc đẩy ĐBSCL phát triển, vươn lên cùng cả nước.

Tuy nhiên, bà Thanh cho rằng, hiện biến đổi khí hậu đang là thách thức không nhỏ đối với hoạt động đầu tư hạ tầng giao thông, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông ở ĐBSCL. Những năm gần đây biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã gây tình trạng ngập nặng trên một số tuyến đường trong khu vực, như các tuyến Quốc lộ 63, 54, 57, đặc biệt là quốc lộ 1 qua các tỉnh Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau. Nguyên nhân chính của việc ngập nước trên các tuyến quốc lộ là do sụt lún nền đường.

“Phát triển bền vững được xem là yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. Do đó, đề nghị Quốc hội nghiên cứu, ban hành Nghị quyết đặc thù về phát triển ĐBSCL thay cho Nghị quyết 120 ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là một chủ trương có tính đột phá về phát triển để kiến tạo vùng ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, an toàn và thịnh vượng” - bà Thanh nói.

ĐBQH Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) cho rằng, thời gian qua, thu hút FDI của vùng đã có những khởi sắc đáng kể, tuy nhiên ĐBSCL rất cần Chính phủ, Quốc hội tạo cơ chế, chính sách, tiếp sức mạnh mẽ hơn nữa, giúp cho vùng khơi thông dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để tạo ra bước đột phá trong đầu tư và phát triển trong thời gian tới.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tap-trung-dau-tu-de-dong-bang-song-cuu-long-phat-trien-ben-vung-10294213.html