Phóng vệ tinh lần hai thất bại, Triều Tiên tuyên bố sẽ thử lại vào tháng 10
Triều Tiên ngày 24/8 cho biết nỗ lực phóng vệ tinh do thám lần thứ hai của nước này đã thất bại, nguyên nhân là do 'lỗi trong hệ thống kích nổ khẩn cấp ở giai đoạn ba của chuyến bay'.
Bình Nhưỡng tuyên bố phóng vệ tinh do thám Malligyong-1, được gắn trên loại tên lửa mới có tên Chollima-1, nhưng đã xảy ra lỗi trong giai đoạn ba, theo hãng thông tấn KCNA.
Đây là nỗ lực thứ hai của Triều Tiên nhằm đưa vệ tinh do thám Malligyong-1 vào quỹ đạo. Lần phóng đầu tiên vào cuối tháng 5 đã thất bại ở giai đoạn hai. Cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia Triều Tiên có kế hoạch điều tra nguyên nhân đằng sau sự cố và sẽ một lần nữa cố gắng đưa vệ tinh lên quỹ đạo vào tháng 10, KCNA cho biết.
Theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc, vụ phóng được phát hiện vào khoảng 3h50 sáng giờ địa phương từ bãi phóng Tongchang-ri trên bờ biển phía tây Triều Tiên. Tên lửa đã bay qua Biển Hoàng Hải, phía tây nam Đảo Jeju.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết các mảnh vỡ của tên lửa đã rơi xuống Biển Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Thái Bình Dương. Không có thiệt hại nào được báo cáo.
Triều Tiên thường xuyên thử tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình mà không thông báo cho Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Tuy nhiên, lần này, Bình Nhưỡng đã thông báo cho Tokyo rằng họ đang lên kế hoạch cho một “vụ phóng phương tiện không gian” trong khoảng ngày 24 đến ngày 31/8, đồng thời chỉ định trước ba khu vực nguy hiểm trên biển.
Trong khi đó, Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận Lá chắn Tự do Ulchi (UFS) hằng năm vào thứ Hai (21/8). Cuộc tập trận chung kéo dài 11 ngày bị Bình Nhưỡng lên án là diễn tập chiến tranh xâm lược. Tuy nhiên, Washington và Seoul khẳng định cuộc tập trận hoàn toàn mang tính phòng thủ.
Mỹ ngày 23/8 kêu gọi Triều Tiên kiềm chế phóng thêm vệ tinh, nhấn mạnh rằng các phương tiện phóng vào không gian (SLV) của Bình Nhưỡng vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ thúc giục Bình Nhưỡng thay vào đó hãy thực hiện các biện pháp ngoại giao nghiêm túc.