Phóng viên trẻ làm theo lời Bác
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: 'Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ'. Ghi nhớ lời Bác dạy, lực lượng nhà báo, phóng viên trẻ trên địa bàn tỉnh không ngừng rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ, phấn đấu nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững đạo đức nghề nghiệp để xứng đáng với sự tin yêu của công chúng.
Theo Bác, “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”. Đối với nhà báo, nhất là những phóng viên mới vào nghề, niềm đam mê viết lách lúc nào cũng mãnh liệt, có sự kiện là viết mà quên mất một điều quan trọng là “phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận” như lời Bác dạy. Vào nghề chưa lâu nhưng mỗi “đứa con tinh thần” của mình đều được phóng viên trẻ Hồng Anh (Báo Long An) chăm chút khá chỉn chu từ cách chọn đề tài đến câu chữ thể hiện dễ đọc, dễ hiểu. Hồng Anh luôn tâm đắc câu nói của Bác, muốn viết báo khá thì cần gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. Vì vậy, người làm báo phải hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng.
Phụ trách chính mảng xây dựng Đảng, thời gian qua, Hồng Anh thường xuyên đi cơ sở, tiếp xúc với người dân, để hiểu về cuộc sống, những khó khăn và lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân. Qua đó, phát hiện đề tài, viết bài có chiều sâu, đưa tiếng nói của người dân đến với Đảng, chính quyền và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân.
Theo Hồng Anh, bên cạnh việc thông tin nhanh chóng các sự kiện, góp phần tuyên truyền, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến quần chúng; biểu dương những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội, đội ngũ phóng viên trẻ cũng mạnh dạn phản ánh những điều sai trái, gây bức xúc trong xã hội như tham nhũng, tiêu cực, tệ nạn xã hội,... Thông qua báo chí, người dân có thể bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, thể hiện sự giám sát và phản biện xã hội của mình.
Việt Hằng - công tác tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh Bến Lức luôn ghi nhớ lời dạy của Bác, mỗi bài báo phải “gọn gàng, có đầu có đuôi, có nội dung”, phải để người đọc “hiểu được, nhớ được”. Quan niệm của Việt Hằng, yếu tố quan trọng trong từng sản phẩm là phải dễ đọc, dễ hiểu thì bài báo mới có tác động nhanh chóng đến công chúng. “Tất nhiên, dễ đọc, dễ hiểu ở đây không phải là xuề xòa, mà là câu chữ gọn gàng, ý tứ rõ ràng, mạch lạc. Người đọc dễ dàng cảm nhận được nội dung chính mà bài báo muốn chuyển tải, hướng đến” - Việt Hằng giải thích.
Nhiều năm gắn bó với nghề, Việt Hằng đúc kết được những bài học đắt giá về lối viết “chưa điều tra, chưa nghiên cứu” rõ ràng, chưa “nghe”, chưa “hỏi”, chưa “thấy” đã vội vàng viết mà Bác đã nói. Để có những tin, bài hay, thật sự cần thiết, phóng viên phải bám sát cơ sở, không thể ngồi một chỗ, với một cái click chuột và chỉ cần pha trộn một ít thông tin trên mạng là thành bài viết của mình.
Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, phóng viên không nên quá lệ thuộc vào Internet để “làm báo máy lạnh”, “làm báo salon” mà phải đeo bám cơ sở, cảm nhận được điều mới mẽ của cuộc sống đời thường, từ đó, góp nhặt đưa vào những tác phẩm của mình như Bác Hồ từng dạy: “Về việc đặt khẩu hiệu, đặt chương trình làm việc, chương trình đấu tranh, tuyên truyền, làm báo tường, viết báo cũng như thế, không chịu khó hỏi quần chúng cần cái gì, muốn nghe, muốn biết cái gì, ham chuộng cái gì. Chỉ mấy cán bộ đóng cửa lại mà làm, ngồi ì trong phòng giấy mà viết, cứ tưởng như cái gì mình làm là đúng, mình viết là hay”.
Sinh thời, Bác Hồ đánh giá rất cao vị trí, vai trò của báo chí cách mạng và người làm báo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Điều Bác nhắc nhở chúng ta nên tránh “ngồi ì trong phòng giấy mà viết, cứ tưởng cái gì mình làm cũng đúng, mình viết là hay” quả thực có giá trị đến ngày hôm nay, các nhà báo, phóng viên trẻ cần thấm nhuần như một bài học đầu tiên vào nghề cầm bút./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/phong-vien-tre-lam-theo-loi-bac-a77365.html