Phóng xạ tự nhiên trong môi trường liệu có nguy hiểm?
Phần đông trong chúng ta cố gắng tránh né những khu vực cảnh báo có phóng xạ, nhưng Andrew Walker - sống ở Bozeman, bang Montana miền bắc nước Mỹ - lại tìm mọi cách để thu thập những đồ vật phóng xạ. Chúng có thể được tìm thấy ngay bên trong những cửa hiệu đồ cổ, bãi đỗ xe và những tòa nhà ở khắp nơi.
Phóng xạ sống chung với con người?
Mọi chuyện bắt đầu từ một video trên Internet. Trong đó, Andrew Walker nhìn thấy một nhà sưu tầm những đồ vật nhiễm phóng xạ khoe những thứ mà ông ta tìm được qua nhiều năm, chẳng hạn như một số món đồ cổ chứa những chất gần như uranium.
Walker nghĩ nếu tìm ra những món như vậy “ngoài đời” có lẽ sẽ rất thú vị và sẽ là một đam mê khác thường. Do đó, Walker quyết định mua thiết bị dò tìm nguyên tố phóng xạ Geiger. Walker cũng nhanh chóng nhận ra rằng phóng xạ có ở khắp mọi nơi - đúng như các nhà khoa học thường nói.
Lần đầu tiên máy phát tín hiệu phát hiện dò thấy chất phóng xạ bên trong bãi đỗ xe của một nhà hàng thức ăn nhanh bán món Mexico ở bang Idaho miền Bắc nước Mỹ.
Walker nhớ lại lúc đó: “Tôi nhận thấy khi tấp xe vào thì thiết bị đo Geiger bắt đầu phát tín hiệu cảnh báo”. Chắc chắn có thứ gì đó gần đấy đang hút các hạt nguyên tử nhỏ tạo ra cường độ bức xạ cao hơn thông thường. Mặc dù không tìm ra vật thể đó là gì nhưng như thế đủ để Walker lập tức để ý tới hoạt động vô hình này.
Kể từ đó, Walker bắt đầu phát hiện thêm nhiều trường hợp thú vị khác. Hiện nay, công việc sưu tầm những đồ vật chứa phóng xạ vẫn là sở thích đặc biệt của Walker.
Thực ra, Walker chỉ là người trực phòng chiếu ở rạp phim và là một nhà làm phim, chứ không phải nhà khoa học. Walker thích chia sẻ những phát hiện của mình trên Twitter và Instagram, các nền tảng xã hội cho phép ông thảo luận với những người khác có chung sở thích.
Phóng xạ là thứ sống chung với con người, nghĩa là luôn hiện diện đâu đó nhưng chỉ với hàm lượng tương đối nhỏ. Trên khắp thế giới, những chất phóng xạ sản sinh trong tự nhiên với hàm lượng trên trung bình thường có ở rất nhiều nơi như bãi biển, các loại đất đai, và nhiều địa điểm khác.
Trong khi đó, hầu hết bê tông đều nhiễm phóng xạ với cường độ khác nhau. Tại Mỹ, người ta có thể kiểm tra nhà cửa xem có khí radon không - đó là loại khí dần dần sinh ra theo thời gian từ những vật liệu xây dựng có chất phóng xạ. Thậm chí cơ thể con người cũng có chút ít phóng xạ do chứa các nguyên tố như potassium-40.
Về sau, Walker tình cờ phát hiện một sự thật lịch sử thú vị: trong quá khứ, xỉ sắt chứa hàm lượng nhỏ uranium và radium thường được dùng làm bê tông xây dựng ở bang Idaho.
Walker tự hỏi liệu có phải điều đó đã khiến ông phát hiện ra phóng xạ bên ngoài nhà hàng Mexico hay không. Walker thích lên kế hoạch thực hiện các chuyến đi tới nhiều vùng địa phương mà ông nghĩ có thể tìm được các vật liệu thú vị. Nếu tìm được, ông sẽ ghi chép lại khám phá của mình.
Có rất nhiều mỏ uranium cũ ở Mỹ. Mỗi khi đi du lịch, Walker thường ghé đến thăm một số thị trấn khai thác uranium bị bỏ hoang như thế. Walker cũng bắt đầu thường xuyên lui tới các cửa hiệu đồ cổ.
Walker cho biết: “Tại mỗi cửa hiệu đồ cổ từng ghé qua, tôi luôn tìm được món gì đó nhiễm phóng xạ”. Những món đồ như thế bao gồm một chiếc đĩa bằng thủy tinh ánh lên màu xanh - vàng nổi bật có chứa uranium. Walker cũng tìm thấy những chiếc đĩa và bát sơn phủ màu đỏ - cam có nguồn gốc từ uranium và vì thế sẽ phát tín hiệu mạnh hơn.
Chính phủ Mỹ cảnh báo người dân không nên sử dụng những đồ sành sứ chứa chất liệu phóng xạ như thế đựng thức ăn hay thức uống, mặc dù rủi ro về mặt sức khỏe khi dùng hay sở hữu chúng thực ra không đáng kể.
Ngoài ra, đồng hồ đeo tay và mặt đồng hồ phủ lớp sơn phản quang thường có chất radium. Tuy nhiên, về cơ bản thì những món đồ đó an toàn nếu ta không tháo rời ra từng bộ phận. Nhưng, công nhân sản xuất những món đồ này trong nhà máy lại thường có thói quen ngậm cây cọ sơn trên môi khi làm việc và điều đó khiến họ vô tình nuốt phải lượng nhỏ sơn có chứa radium.
Hậu quả là nhiều công nhân mắc phải một số bệnh nguy hiểm như ung thư xương hàm. Đó là lý do vì sao Walker cố gắng không đẩy bản thân vào tình huống nguy hiểm không cần thiết.
Với món đồ sứ nhiễm phóng xạ nhẹ, Walker cho biết: “Nếu chúng không nhiễm phóng xạ có lẽ tôi đã trưng bày chúng, nhưng bây giờ phải cất chúng một cách cẩn thận”. Sở thích kỳ lạ của Walker khiến bạn bè và gia đình cảm thấy ngạc nhiên và tò mò. Walker giải thích: “Họ hỏi vì sao tôi lại đến những nơi như thế và khám phá những món đồ nguy hiểm này. Bởi vì đó là một thú vui của riêng tôi và nó rất thú vị”.
Thậm chí, Walker còn phát hiện lượng phóng xạ cao hơn thông thường chút ít nơi những vật liệu xây dựng được sử dụng tại một số công trình công cộng như nhà ga xe lửa - có lẽ do chúng được phủ loại sơn đặc biệt nào đó. Thiết bị đo phóng xạ Geiger là thứ khá dễ tạo ra bởi vì trong thực tế có một số người yêu thích đã tự lắp ráp thiết bị rồi tìm nguồn phóng xạ để thử nghiệm máy.
Những sản phẩm chứa phóng xạ kỳ quái
Walker mua thiết bị RadEye với giá 1.300 USD có thể dò được các tia phóng xạ alpha, beta và gamma. Nhà hóa học phóng xạ Nick Evans Đại học Nottingham Trent (Anh) chỉ ra rằng hoạt động phóng xạ có thể đo được bằng nhiều cách khác nhau.
Ví dụ như, một cách là quan sát tỷ lệ của hạt nhân phân rã theo thời gian và đơn vị đo quốc tế của hoạt động này là Becquerel. Thế nhưng, mọi người có thể quen thuộc hơn với đơn vị đo là Sieverts (hay Microsieverts hoặc Millisieverts) - đây là hàm lượng gây hiệu ứng phóng xạ và cũng là đơn vị được Walker sử dụng.
Tuy nhiên, Evans cho biết phương pháp chuẩn mực để đo là đưa thiết bị Geiger đến gần nguồn phát khoảng 1m để cường độ phóng xạ của vật thể có thể được so sánh chính xác.
Điều thú vị trong hành trình của Walker là ông dễ dàng tìm được rất nhiều trường hợp. Theo Evans, điều này một phần là do các ngành công nghiệp sử dụng hoạt động phóng xạ như một chiêu thức tiếp thị tiềm năng trong nhiều thập niên sau khi con người phát hiện phóng xạ vào cuối thế kỷ 19. Phóng xạ nhanh chóng được sử dụng vào mục đích kiếm tiền và phục vụ như tiêu chí để bán hàng với những sản phẩm mới thú vị thậm chí kỳ quặc.
Evans nhận định: “Đó là một thứ cực kỳ khác biệt so với bất cứ thứ gì khác. Tựa như một điều kỳ bí mà con người rõ ràng muốn thử tất cả mọi thứ với nó, bày trò chơi với nó, nếu bạn thích”.
Thậm chí, đã có một thời nhiều nhà sản xuất còn nghĩ ra những sản phẩm không thể tưởng tượng nổi. Ví dụ như loại thuốc viên phóng xạ nhét hậu môn chữa bất lực nơi nam giới bất chấp “phương pháp điều trị” hoàn toàn không xuất phát từ cơ sở khoa học y tế nào.
Chắc chắn là có nhiều cách an toàn hơn để “khôi phục bản lĩnh đàn ông” thay vì dùng loại thuốc này. Nhưng đó không phải sản phẩm duy nhất liên quan đến sức khỏe với mục đích hỗ trợ bệnh nhân bằng liều nguyên tử phân rã. Người ta còn đưa ra thị trường cả kem đánh răng phóng xạ và thậm chí cả bao cao su phóng xạ.
Even bình luận về bao cao su phóng xạ: “Tôi hoàn toàn không hiểu những ý nghĩ đó bắt nguồn từ đâu. Tôi cũng có một hộp sản phẩm loại đó song không hề sử dụng”.
Dù sao thì ngày nay vẫn còn nhiều người tin rằng gia tăng liều lượng phóng xạ có thể tốt cho cơ thể theo cách nào đó. Ví dụ như một phòng tắm hơi nằm gần dãy Alps ở Áo có tên gọi Gad Gastein – đó là điểm đến cho phép mọi người tham quan những con đường hầm ẩm ướt trong một mỏ vàng cũ, để bệnh tật thải ra theo mồ hôi và họ có thể hít thở khí radon.
Từ lâu, rất nhiều nhà khoa học phê phán thói quen ngờ vực của công chúng trước bất cứ thứ gì liên quan tới phóng xạ. Sự căng thẳng mỗi khi nhắc tới phóng xạ bị phóng đại quá mức và gây tranh cãi.
Theo một nghiên cứu, chỉ có 190 người chết vì phơi nhiễm phóng xạ trực tiếp trong khoảng thời gian từ năm 1980 đến 2013. Walker cho rằng rất nhiều sự sợ hãi ngày càng có vẻ “vô lý” sau thời gian dài ông tìm hiểu về phóng xạ. Mặt dù vậy, những chuyến đi và những lần đi mua hàng ở cửa hiệu đồ cổ cho thấy chất phóng xạ phổ biến đến mức nào trong thực tế.
Phóng xạ là gì?
Phóng xạ là một loại năng lượng. Chất phóng xạ mà thiết bị Geiger phát hiện được là do nó sản sinh ra năng lượng khi phân rã nguyên tử - nghĩa là nguyên tử liên tiếp phá tan những hạt cực nhỏ. Một trong số các hoạt động phóng xạ này đẩy các electron từ những nguyên tử khác ra và tạo ra những phân tử dẫn điện - quá trình này gọi là “phóng xạ ion hóa”. Ba loại hạt của phóng xạ ion hóa, từ lớn nhất đến nhỏ nhất, gồm có:
- Hạt alpha - gồm hai proton và hai neutron liên kết với nhau.
- Hạt beta - là hạt electron hoặc positron, tức là hạt electron có điện cực dương
- Tia gamma - những hạt photon siêu nhỏ, có bước sóng khác nhau sẽ tạo ra những ánh sáng nhìn thấy được.
Những nguyên tố phóng xạ phân rã sẽ sản sinh ra những chất phóng xạ như uranium và radium. Người ta có thể chặn hạt alpha bằng một tờ giấy, hay lớp da bên ngoài của con người cũng chặn được. Nhưng tia gamma có thể phơi nhiễm sâu hơn và chỉ có thể chặn bằng các vật liệu có kết cấu rất đặc như chì.