'Phớt lờ' mặc tin tặc hoành hành, ông Putin đang thách thức 'lằn ranh đỏ' của Mỹ?

Chưa đầy một tháng sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin, căng thẳng giữa Washington và Moscow lại bùng phát liên quan vụ tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào công ty của Mỹ và các vụ tấn công mạng ở các nước khác.

Các đại diện của Mỹ và Nga có thể gặp nhau vào ngày 16/7 để thảo luận về các vấn đề an ninh mạng. (Nguồn: USA Today)

Các đại diện của Mỹ và Nga có thể gặp nhau vào ngày 16/7 để thảo luận về các vấn đề an ninh mạng. (Nguồn: USA Today)

Tổng thống Biden hôm 9/7 cho biết đại diện của Mỹ và Nga có thể gặp nhau vào ngày 16/7 tới để thảo luận về vấn đề an ninh mạng. Tuy nhiên, giới chuyên gia và đội ngũ trợ lý của Biden tỏ ra hoài nghi về việc Nga sẽ hành động thực chất trong nỗ lực giải quyết vấn đề này.

Sức ép lên ông Biden

Theo trang mạng The Hill, hồi đầu tháng 7 này, công ty phần mềm Kaseya của Mỹ đã hứng chịu một cuộc tấn công mạng quy mô lớn, có nguy cơ gây ảnh hưởng tới 1.500 doanh nghiệp. Đây là vụ việc mới nhất trong hàng loạt vụ tấn công mạng có liên quan đến các nhóm tội phạm mạng có trụ sở tại Nga.

Nhiều ý kiến cho rằng các nhóm tội phạm này đã được Tổng thống Putin "bật đèn xanh" để hủy hoại và làm suy yếu hoạt động của các công ty Mỹ.

Tiếp đó, hôm 6/7, hãng tin Bloomberg đưa tin hệ thống mạng của Ủy ban Quốc gia của đảng Cộng hòa (RNC) đã bị tấn công. Bloomberg cho rằng, các tin tặc liên quan chính phủ Nga đã đứng sau vụ việc này và rằng nhóm tin tặc này cũng là thủ phạm vụ tấn công mạng của Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ hồi năm 2016 và vụ tấn công SolarWinds được phát hiện vào cuối năm 2020.

Hồi tháng 5/2021, công ty dầu khí Colonial Pipeline của Mỹ cũng là "nạn nhân" của vụ tấn công mạng đòi tiền chuộc.

Các cuộc tấn công mã độc tống tiền (ransomware) dường như ngày càng thường xuyên hơn và Tổng thống Biden hiện đang chịu sức ép phải "hành động" để xử lý vấn đề này. Ông Biden hôm 6/7 không chính thức đổ lỗi cho Nga gây ra vụ tấn công Kaseya, song lưu ý rằng ông sẽ "có nhiều điều cần phải nói ra trong vài ngày tới".

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 6/7 cho biết các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ về vấn đề an ninh mạng vẫn đang diễn ra. Bà Psaki nói: "Kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin, chúng tôi đã và đang tiến hành các cuộc đàm phán cấp chuyên gia và chúng tôi dự kiến sẽ có một cuộc đàm phán tiếp theo vào tuần tới, trong đó tập trung vào các cuộc tấn công mạng bằng mã độc tống tiền".

Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời Tổng thống Mỹ Biden ngày 9/7 cho biết các đại diện của Mỹ và Nga có thể gặp nhau vào ngày 16/7 để thảo luận về các vấn đề an ninh mạng.

Phát biểu với các phóng viên trước khi lên đường tới bang Delaware, Tổng thống Biden nói: “Chúng tôi đã thiết lập một ủy ban chung. Theo tôi, họ sẽ gặp nhau vào ngày 16/7. Tôi cho rằng chúng tôi sẽ đạt được một số mục tiêu hợp tác”.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ không tiết lộ thêm thông tin liên quan đến cuộc thảo luận song phương sắp tới, trong đó có địa điểm và hình thức tổ chức.

"Lằn ranh đỏ" của Mỹ và "cuộc chơi" của Nga

Bất chấp những tuyên bố công khai nói rằng đàm phán của Mỹ với Nga đang gây sức ép về các cuộc tấn công mạng, trang mạng Tạp chí Time của Mỹ cho rằng đội ngũ trợ lý về vấn đề an ninh của Tổng thống Biden đã tỏ ra hoài nghi về khả năng Tổng thống Putin sẽ hành động để ngăn chặn tội phạm mạng có trụ sở hoạt động tại Nga.

Khi nhận định về khả năng ông Putin sẽ có những biện pháp để trấn áp hoạt động tin tặc bắt nguồn từ Nga, một quan chức chính quyền Biden nói: "Ông ấy (Putin) sẽ không làm gì cả. Nếu ông Putin không ngăn chặn thì các nhóm tin tặc sẽ tiếp tục tấn công mạng. Ông ấy đang tạo ra mối hủy hoại to lớn".

Ngay cả khi một số quan chức chính quyền Biden hoài nghi về kết quả thực chất của đàm phán thì việc thiết lập một đường dây liên lạc giữa hai bên để trao đổi về vấn đề an ninh mạng cũng đem lại một lợi ích thực sự.

Đây là nhận định của ông Philip Reiner, Giám đốc Viện An ninh và Công nghệ đồng thời từng là quan chức an ninh quốc gia dưới thời Barack Obama. Ông giải thích: "Thực tế là chỉ cần họ ngồi đàm phán với nhau thôi cũng là một điều hết sức tích cực rồi".

Theo ông, giới chức Nga lâu nay có thói quen "câu giờ" đối với những vấn đề kiểu này song hy vọng lần này phía Nga sẽ hành động khác.

Nếu phía Nga tiếp tục "khoanh tay" để các cuộc tấn công mạng tiếp diễn bên ngoài lãnh thổ Nga thì chính quyền Biden có các biện pháp khác để đối phó, bao gồm áp đặt các đòn trừng phạt kinh tế bổ sung đối với Nga, đồng thời tiến hành các cuộc tấn công mạng đáp trả nhằm "chọc thủng" các mạng lưới mà các nhóm tin tặc đang sử dụng để làm công cụ tấn công.

Trang mạng The Hill dẫn lời ông James Lewis, Phó chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng các đòn trừng phạt đối với Nga giờ đây chỉ như "muối bỏ biển" và Moscow đã trở nên "lãnh cảm" với đòn trừng phạt.

Ông Lewis giải thích: "Đã có quá nhiều đòn trừng phạt đối với họ đến mức họ không còn cảm nhận được tác động của trừng phạt đối với họ nữa".

Theo chuyên gia này, đáng nhẽ ra ông Putin đã có thể đưa ra mệnh lệnh để các nhóm tin tặc này ngừng hành động cho đến khi Mỹ và Nga có thể đi đến thống nhất về giải pháp cho vấn đề an ninh mạng. "Thế nhưng, ông ấy (Putin) đã không làm như vậy. Tôi cho rằng ông ấy đã tăng cường đối đầu. Họ (Nga) đang chờ xem chúng ta (Mỹ) sẽ hành động gì tiếp theo", ông Lewis nói.

Tại cuộc gặp hồi tháng 6, Biden đã đặt ra "lằn ranh đỏ" khi trao cho Putin danh sách gồm 16 cơ sở hạ tầng thiết yếu mà nếu Nga tấn công mạng thì sẽ phải hứng chịu hậu quả. Cuộc tấn công mạng nhằm vào Kaseya nói trên lại không nằm trong danh sách 16 cơ sở hạ tầng này, dù cũng bị hư hại.

Ông Lewis nhận định: "Nga bày trò đối với mọi vấn đề và lần này họ lại bày trò với danh sách này vì Biden cảnh báo 'đây là 16 cơ sở hạ tầng mà phía Nga không thể tấn công', thế nên phía Nga sẽ lớn tiếng trình bày rằng họ đã không tấn công bất kỳ cơ sở hạ tầng trọng điểm nào của Mỹ".

Trong khi đó, tại cuộc họp báo nói trên, thư ký báo chí Psaki khẳng định rằng nếu phía chính phủ Nga không thể hoặc sẽ không hành động gì để ngăn chặn tin tặc sinh sống ở Nga thì Mỹ sẽ hành động và bảo lưu quyền hành động của riêng mình.

Làn sóng tấn công mạng lan rộng khắp thế giới Trong khi đó, một số nước khác như Đức, Thụy Sĩ, Ukraine và Iran cũng thông báo về các vụ tấn công mạng. Theo hãng tin Reuters, huyện Anhalt-Bitterfeld thuộc bang Sachsen-Anhalt của Đức đã trở thành khu vực đầu tiên ở nước này phải ban bố tình trạng thảm họa về mạng sau khi các máy chủ của huyện bị tin tặc tấn công khiến toàn bộ hệ thống quản lý hành chính của huyện bị phong tỏa, mọi dịch vụ xã hội cho cư dân địa phương bị đình trệ. Trang web so sánh giá phổ biến của Thụy Sĩ, Comparis.ch, đã bị đóng cửa do bị tấn công mạng bằng mã độc tống tiền hôm 7/7 vừa qua. Cùng ngày, cơ quan thông tin đặc biệt của nhà nước Ukraine thông báo một cuộc tấn công mạng đã xảy ra vào chiều 6/7 nhằm vào các trang thông tin điện tử của tổng thống, cơ quan an ninh và các cơ quan khác của nước này. Iran cũng không nằm ngoài làn sóng tấn công mạng khi đài truyền hình nhà nước Iran ngày 10/7 đưa tin, trang thông tin của Bộ Giao thông nước này liên tiếp bị đánh sập, gây gián đoạn dịch vụ trong thời gian qua.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phot-lo-mac-tin-tac-hoanh-hanh-ong-putin-dang-thach-thuc-lan-ranh-do-cua-my-151114.html