Phú Bình chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số

Bằng việc triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, ngành chức năng, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Phú Bình ngày càng được cải thiện.

Đường giao thông được cứng hóa giúp người dân ở xóm Suối Lửa (xã Tân Thành, Phú Bình) đi lại thuận tiện.

Đường giao thông được cứng hóa giúp người dân ở xóm Suối Lửa (xã Tân Thành, Phú Bình) đi lại thuận tiện.

Xã Tân Thành (Phú Bình) là một trong những địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS cao, chiếm 72,68% tổng số dân của xã. Những năm qua, địa phương đã được thụ hưởng nhiều nguồn vốn đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 46 triệu đồng/năm, tăng 10 triệu đồng so với năm 2019. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,57%, giảm 2,27% so với năm 2022.

Để cảm nhận rõ hơn sự đổi thay ở vùng đất này, chúng tôi cùng cán bộ xã Tân Thành đi tham quan các xóm. Ông Liểu Văn Đại, dân tộc Nùng, Bí thư Chi bộ xóm Suối Lửa, chia sẻ: Những năm gần đây, được Nhà nước hỗ trợ vốn, xi măng, trên 50% chiều dài đường của xóm đã được cứng hóa. Cụ thể như năm 2023, xóm được hỗ trợ cứng hóa 1,1km trục xóm với kinh phí trên 1 tỷ đồng. Nhờ đó, cảnh quan nông thôn trở nên sạch đẹp, người dân đi lại, giao thương thuận tiện. Đặc biệt, sản phẩm gỗ keo - cây trồng chủ lực tại xóm cũng được bán với giá cao hơn. Nếu trước đây chỉ có 60 triệu/ha thì nay đạt khoảng 100 triệu/ha...

Không chỉ “khoác áo mới” về hạ tầng, đời sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn xã Tân Thành cũng được nâng lên rõ rệt. Anh Luân Văn Vũ, dân tộc Nùng, ở xóm Đồng Bầu, cho biết: Năm 2015, gia đình tôi được vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua 2 con trâu. Sau 3 năm chăm sóc, từ số tiền bán trâu, tôi đã trả được tiền vay và đầu tư trồng 1,5ha rừng, hiện đã khai thác, bán gỗ được 150 triệu đồng. Tôi sử dụng số tiền này để sửa sang nhà cửa và phát triển chăn nuôi bò đẻ. Ngoài vay vốn, tôi còn được hỗ trợ máy bơm nước, bò sinh sản...

Các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước là động lực giúp gia đình anh Luân Văn Vũ (dân tộc Nùng, ở xóm Đồng Bầu, xã Tân Thành, Phú Bình) vươn lên thoát nghèo.

Các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước là động lực giúp gia đình anh Luân Văn Vũ (dân tộc Nùng, ở xóm Đồng Bầu, xã Tân Thành, Phú Bình) vươn lên thoát nghèo.

Huyện Phú Bình hiện có dân số 173 nghìn người, trong đó đồng bào các DTTS chiếm 10,9%. Một số xã có tỷ lệ người DTTS cao là: Tân Thành, Bàn Đạt, Tân Hòa, Tân Kim. Nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, thời gian qua, huyện phát huy hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh và nguồn lực địa phương để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là địa bàn khó khăn, vùng đồng bào DTTS.

Giải pháp được ưu tiên là xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông. Bằng nguồn vốn lồng ghép của các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình khác, trong giai đoạn 2019-2023, toàn huyện đã xây dựng, cải tạo, nâng cấp 378,6km giao thông, 13 cây cầu với tổng kinh phí gần 589 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, huyện cũng quan tâm hỗ trợ sinh kế, giải quyết việc làm cho người DTTS. Cụ thể, thực hiện Dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Phú Bình đã hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo tại các xóm đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS như: Đồng Bầu, Cầu Cong (xã Tân Khánh), Đồng Quan, Đá Bạc, Cầu Mành (xã Bàn Đạt). Tổng kinh phí thực hiện là trên 1,26 tỷ đồng.

Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người DTTS cũng được chú trọng. Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện đã tổ chức được 31 lớp đào tạo nghề cho trên 875 học viên. Trung bình mỗi năm, UBND huyện phối hợp tổ chức 1-2 ngày hội việc làm. Thông qua đó, nhiều lao động đã có công việc ổn định với thu nhập cao, trong đó có người DTTS. Chỉ riêng năm 2023, huyện đã tạo việc làm mới cho trên 3,2 nghìn lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77,2% (tăng 0,26% so với năm 2022).

Gia đình chị Đặng Mùi Sính, dân tộc Dao (ở xóm Cầu Mành, xã Bàn Đạt, Phú Bình) được hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Gia đình chị Đặng Mùi Sính, dân tộc Dao (ở xóm Cầu Mành, xã Bàn Đạt, Phú Bình) được hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Nhờ triển khai hiệu quả các chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người DTTS ngày càng cải thiện, diện mạo vùng đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc. Tính đến cuối năm 2023, huyện chỉ còn 152 hộ nghèo là người DTTS, giảm 140 hộ so với năm 2019.

Phú Bình hiện có 100% xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; tuyến đường liên xã, trục xã được cứng hóa đạt 100%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96,81%; 100% xóm có điện lưới quốc gia...

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình, cho biết: Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập vùng DTTS so với bình quân chung của huyện, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và sự tham gia của cán bộ, nhân dân về thực hiện chính sách dân tộc. Đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó ưu tiên các xóm đặc biệt khó khăn, có đông người DTTS sinh sống; xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng liên kết để người dân có thu nhập bền vững. Địa phương cũng tiếp tục ưu tiên đào tạo, tuyển dụng cán bộ, công chức là người DTTS, đặc biệt là cán bộ cấp xã...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/dan-toc-va-mien-nui/202406/phu-binh-cham-lo-doi-song-dong-bao-cac-dan-toc-thieu-so-080289c/