Phú Bình -Thái Nguyên hỗ trợ 'đúng trúng' để giảm nghèo bền vững

Hỗ trợ đúng đối tượng, phù hợp với điều kiện lao động, sản xuất của từng hộ là cách mà huyện Phú Bình (Thái Nguyên) thực hiện để giảm nghèo hiệu quả.

Hộ nghèo ở xã Tân Kim (Phú Bình) nhận gà giống hỗ trợ

Hộ nghèo ở xã Tân Kim (Phú Bình) nhận gà giống hỗ trợ

Hỗ trợ đúng đối tượng, phù hợp với thực tế

Tân Thành là xã miền núi của huyện Phú Bình với 60% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số nên công tác giảm nghèo gặp nhiều khó khăn. Quyết không để cái nghèo đeo bám, cả bộ máy cấp ủy, chính quyền địa phương đã ngồi lại để phân tích thế mạnh của địa phương, đồng thời thẳng thắn chỉ ra hạn chế, khó khăn để xây dựng kế hoạch, lộ trình hành động với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Công cuộc giảm nghèo của địa phương như tiếp thêm luồng gió mới khi xã Tân Thành được tiếp nhận một số dự án từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025.

Theo đó, cuối năm 2023 đầu năm 2024, xã Tân Thành được nhận hỗ trợ Mô hình giảm nghèo chăn nuôi gà an toàn sinh học với 7.000 con gà, cấp cho 20 hộ nghèo, cận nghèo và 16 con bò nái sinh sản cấp cho 16 hộ nghèo, cận nghèo.

Gia đình anh Phan Văn Sỹ xóm Đồng Bầu, xã Tân Thành, huyện Phú Bình được nhận hỗ trợ một con bò theo dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo phấn khởi cho biết: Trước khi nhận con giống, anh cùng các hộ dân trong xóm đã được tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi do xã tổ chức. Vận dụng những kiến thức đã được tập huấn, con bò của gia đình anh sinh trưởng tốt, nhanh lớn và rất khỏe mạnh.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: “Ngoài tiêu chí là hộ nghèo, cận nghèo, các hộ nhận bò phải đảm bảo các điều kiện có chuồng trại, có lao động và kinh nghiệm chăn nuôi. Tại buổi bàn giao bò, các hộ được cấp phát sổ theo dõi bò và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc.

Xã Tân Thành đặt mục tiêu hết năm 2024 sẽ có 13 hộ từ nghèo lên cận nghèo và 8 hộ từ cận nghèo lên thoát nghèo bền vững. Hiện nay, số hộ nghèo của xã còn 50 hộ và cận nghèo còn 59 hộ”.

 Người dân nhận bò từ "Dự án nuôi bò sinh sản" thuộc Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững

Người dân nhận bò từ "Dự án nuôi bò sinh sản" thuộc Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững

Cũng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Hiện nay, huyện Phú Bình đang triển khai mô hình giảm nghèo “Chăn nuôi gà an toàn sinh học” với 88 hộ tham gia tại các xã Tân Thành, Tân Đức, Dương Thành, Lương Phú. Mỗi hộ được hỗ trợ nuôi từ 100 – 350 gà giống, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của từng hộ.

Với phương châm đầu tư, hỗ trợ đúng đối tượng và phù hợp với điều kiện lao động, sản xuất của từng hộ, Ban chỉ đạo giảm nghèo của huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát. Qua đó giúp đánh giá đúng thực trạng hộ nghèo trên địa bàn để có giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Ông Dương Văn Tiệp, Phó Chủ tịch xã Nga My cho biết: Khi dự án về địa phương, rất nhiều hộ đã đăng ký tham gia. Tuy nhiên, xã cũng phải xét trên nhiều yếu tố như: nguồn nhân lực, điều kiện chuồng trại, có đất trồng cỏ… mới đủ điều kiện tham gia dự án.

Nhân rộng các mô hình hiệu quả

Đánh giá về kết quả thực hiện mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 của huyện Phú Bình, ông Tạ Văn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Thông qua mô hình giảm nghèo, nhiều hộ dân đã có điều kiện tiếp cận trực tiếp với nguồn lực hỗ trợ, tạo sự tham gia của người dân, huy động thêm được nguồn lực tại chỗ…

Các mô hình đã thực hiện đều có khả năng nhân rộng, hàng năm có từ 20 - 30% số hộ nghèo tham gia dự án thoát nghèo.

 Gia đình anh Dương Văn Quân, xã Tân Khánh (Phú Bình) đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi

Gia đình anh Dương Văn Quân, xã Tân Khánh (Phú Bình) đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi

Để hoàn thành mục tiêu giảm 0,78% tỷ lệ hộ nghèo trở lên trong năm 2024. Theo ông Nguyễn Văn Bản, Phó Chủ tịch huyện Phú Bình cho biết: “Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; nhân rộng các mô hình giảm nghèo. Đồng thời quan tâm tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận với nhiều nguồn vốn phát triển sản xuất.

Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tác động theo nhóm đối tượng và nguyên nhân nghèo để phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ.

Cùng với đó, giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp, tăng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, khuyến khích người nghèo vươn lên thoát nghèo”.

Thành công của các mô hình giảm nghèo ở huyện Phú Bình đã tạo ra sự lan tỏa tích cực, khích lệ người dân và nâng cao dần sự chuyển biến trong nhận thức về phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa.

Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 của huyện.

Xuân Thắng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phu-binh-thai-nguyen-ho-tro-dung-trung-de-giam-ngheo-ben-vung-post693303.html