Phù dâu bị trói vào cột, đốt pháo dưới chân và những hủ tục của 'náo động phòng'

Phù dâu bị trói vào cột, đốt pháo dưới chân và những hành vi biến tướng từ phong tục ''náo động phòng'' trong đám cưới ở Trung Quốc đang gây phẫn nộ trong dư luận.

Mới đây, dư luận Trung Quốc phẫn nộ khi xuất hiện đoạn video ghi lại hình ảnh một nhóm đàn ông lôi các phù dâu ra khỏi cốp xe cưới, sau đó dùng băng dính trói họ vào cột đèn và đốt pháo dưới chân. Các phù rể chạy trốn khỏi hiện trường sau khi đốt pháo.

Khi tia lửa phát ra và khói dày đặc bao trùm, hai cô gái đã phải dùng tay để bảo vệ gương mặt. Họ cố gắng thoát khỏi trò đùa nguy hiểm này nhưng không một ai giúp đỡ. Người ghi lại cảnh này cũng không ra mặt can thiệp.

Phù dâu bị trói vào cột, đốt pháo dưới chân gây phẫn nộ.

Phù dâu bị trói vào cột, đốt pháo dưới chân gây phẫn nộ.

Những trò đùa lố bịch trong đám cưới không phải là hiếm ở Trung Quốc, nhưng video này đã gây ra phản ứng dữ dội của công chúng nước này.

Trên mạng xã hội ở Trung Quốc, nhiều bình luận lên án hành vi này: “Đây không phải là một truyền thống văn hóa. Đó chỉ là cái cớ để làm điều gì đó xấu xa"; “Họ không hề có ý thức về an toàn. Phù dâu thì mặc đồ lòe loẹt, dễ bắt lửa”, "Hãy tẩy chay hành vi chơi khăm đám cưới thô tục và nguy hiểm, đồng thời ủng hộ phong tục đám cưới văn minh”,“Cô dâu chú rể đâu? Không ai can thiệp à? Đây không chỉ đơn giản là một trò đùa trong đám cưới, nó là một mối đe dọa đối với sự an toàn cá nhân. Tôi hy vọng các phù dâu sẽ đệ đơn kiện họ",...

Trước đó, một phù dâu khác ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc đã bị khung cửa rơi trúng người khi phù rể dùng vũ lực quá mức để chặn cửa tại nhà cô dâu. Cũng tại tỉnh Sơn Đông, ở một đám cưới khác diễn ra vào tháng 1, một nhóm đàn ông cố ép cô dâu xuống đất, một vài người trong số họ trèo lên người cô để tạo thành một kim tự tháp người. Nhóm đàn ông sau đó đã xịt bọt trắng lên đầu cô dâu và ngăn cản khi cô cố gắng thoát ra.

Năm 2020, cũng tại tỉnh Sơn Đông, một chú rể bị lôi ra khỏi ôtô đang trên đường đi đón dâu và bị bôi nước tương, giấm và trứng gà sống lên người. Chú rể sau đó bị rơi xuống mương nước bên đường. Một số khách sau đó đã bị cảnh sát bắt đi.

Tháng 10/2017, một người đàn ông ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, đã bị trói vào cột đèn với pháo gắn vào mông. Anh phải nhập viện để điều trị vì vết thương quá nặng.

Năm 2016, diễn viên Trung Quốc Bao Bối Nhĩ và Bao Tịnh Văn từng bị chỉ trích vì hành động của 5 người đàn ông trong đám cưới của cặp đôi. Nhóm người này đã nhấc bổng một trong số các phù dâu là nữ diễn viên kiêm người dẫn chương trình Liễu Nham và định ném cô xuống hồ bơi. Trong video ghi lại, có thể nhìn thấy Liễu Nham la hét, vùng vẫy cho tới khi một phù dâu khác, diễn viên Jia Ling, đến giải cứu và ngăn 5 người đàn ông lại.

Cô dâu bị nhóm đàn ông ép nằm xuống đất và xịt bọt trắng lên người.

Cô dâu bị nhóm đàn ông ép nằm xuống đất và xịt bọt trắng lên người.

Những trò đùa kỳ quặc này bắt nguồn từ phong tục đám cưới được gọi là "naohun" - tức náo động phòng - ở Trung Quốc. Đây là truyền thống lâu đời từ đầu triều đại nhà Hán vào thế kỷ thứ hai trước Công nguyên. Theo truyền thống này, khách dự đám cưới yêu cầu tân lang, tân nương thực hiện một loạt nhiệm vụ để không khí đám cưới sôi động và thể hiện tình bạn. Bên cạnh đó, nó cũng mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, yêu khí và giúp cô dâu sớm thích nghi với cuộc sống hôn nhân. Khách dự đám cưới thường rất thích thú khi để cô dâu và chú rể hôn nhau hoặc bắt cặp đôi làm những việc ngượng ngùng.

Trong đám cưới thời hiện đại, náo động phòng cũng mở rộng sang trêu chọc cả phù dâu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, phong tục này đã đi quá xa, biến tướng thành hủ tục, khi nhiều cặp vợ chồng hoặc khách mời buộc phải lột đồ hoặc bị trói, cô dâu hoặc phù dâu bị xúc phạm, sàm sỡ...

Hủ tục này trở thành tâm điểm tranh luận khi các sự cố đi quá xa với các hành vi không phù hợp, thậm chí có thể bị coi là quấy rối. Theo khảo sát của CCTV, 70% người dân Trung Quốc cảm thấy xấu hổ vì hủ tục này.

Hu Guangwei, giáo sư tại Học viện Khoa học Xã hội Tứ Xuyên, cho rằng những trò "náo hôn" là thiếu văn minh, "là sự xúc phạm đối với cô dâu, chú rể". "Một số cô dâu, chú rể có thể tỏ ra vui vẻ trong một số trường hợp, nhưng có thể bản thân họ bị ép buộc bởi đám đông. Nếu trò đùa này gây thương tích, người tham gia có thể bị buộc tội", Hu nói.

Năm 2021, thành phố Châu Bình ở Sơn Đông đã mạnh tay với biến tướng của phong tục này. Chính quyền thành phố này ban hành thông cáo đặc biệt cấm “hành vi thô tục trong đám cưới” và kêu gọi “cải cách truyền thống đám cưới”. Giới chức thành phố này nhấn mạnh, những hành vi này sẽ bị cảnh sát xử phạt và có thể bị coi là một tội hình sự.

“Tất cả chúng ta hãy cư xử văn minh hơn, tẩy chay những hành động thô tục trong đám cưới, biến "náo động phòng" thành những lời chúc phúc văn minh và giúp đám cưới trở lại đầm ấm và lãng mạn” - thông cáo của chính quyền cho biết.

Chính sách mới đã được đông đảo công chúng Trung Quốc hoan nghênh. Một người dùng Weibo chia sẻ: “Tất nhiên phải cấm hành vi này. Một số người chỉ đơn giản là quấy rối người khác dưới danh nghĩa đùa giỡn trong đám cưới". Cư dân mạng khác bình luận:“Tổ chức đám cưới đã đủ khó khăn rồi, chưa nói đến việc bị làm phiền bởi những màn biểu diễn và những trò đùa thô tục".

My Anh (SCMP)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/phu-dau-bi-troi-vao-cot-dot-phao-duoi-chan-va-nhung-hu-tuc-cua-nao-dong-phong-ar800727.html